(QNO) - Sau khi có Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động cơ sở dịch vụ không thiết yếu (nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát...) của Chủ tịch UBND tỉnh, qua khảo sát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, hầu hết tuân thủ nghiêm các quy định.
Hội An: Đóng cửa nhà hàng, quán xá
Hầu như tất cả nhà hàng, quán ăn, cà phê đã đóng cửa hoạt động từ 2 ngày trước. Trên một số tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Phan Châu Trinh, Lý Thường Kiệt… chủ yếu chỉ còn các quán bánh mỳ, nhưng phần lớn phục vụ người dân mua mang đi.
Ông Ngô Văn Vĩnh - chủ một quán ăn trên đường Phan Bội Châu chia sẻ, chủ trương là cho quán xá bán hàng mang đi. Tuy nhiên do đặc thù của nhiều quán ăn trong khu vực phố cổ thường phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách quốc tế và trong nước, thêm nữa thực phẩm không thuận tiện để gói đi nên quán đành tạm dừng hoạt động.
Để cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh, một số cơ sở, nhất là quán cà phê, cơm bình dân, ngoài phục vụ bằng cách bán mang đi thì còn kích cầu bằng việc miễn phí giao hàng tận nhà. Tại xã Cẩm Thanh, chính quyền địa phương cương quyết không để tụ tập chơi thể thao, thả diều đông người.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An thông tin, hầu hết người dân khu vực trung tâm thành phố đều chấp hành tốt, đặc biệt một số quán ăn không nghỉ hẳn mà chuyển sang dịch vụ bán mang về, dù vậy thành phố cũng quy định không có tụ tập, đứng chờ đợi đông đúc.
“Tuy nhiên, tại một số vùng ven, nhất là các chợ buôn bán nhỏ như chợ cá Thanh Hà việc chấp hành vẫn chưa triệt để. Trong hôm nay (31.3), thành phố sẽ làm quyết liệt, đồng bộ hơn nữa” - ông Lanh nói.
Tam Kỳ: Tăng cường kiểm tra, giám sát
Sau khi theo dõi thông tin trên báo chí về Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo từ chính quyền các cấp, ông Huỳnh Ngọc Tiền - chủ quán cà phê Koi Garden (72 Lý Thường Kiệt, TP.Tam Kỳ) đã đóng cửa quán từ ngày 28.3 đến nay.
Theo ông Tiền, dù việc ngừng kinh doanh sẽ gây ra nhiều khó khăn nhưng đó là chủ trương đúng đắn của Chính phủ để cộng đồng chung tay phòng chống dịch Covid-19. “Tranh thủ thời gian đóng cửa, tôi cho nhân viên sửa chữa, tân trang lại quán để khi được phép bán lại sẽ phục vụ khách hàng một cách tốt nhất” - ông Tiền nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các quán nhậu, cà phê, quán ăn tại tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Trần Quý Cáp, Hùng Vương đều đã tạm dừng hoạt động và chỉ phục vụ đối với khách có nhu cầu mang về.
Lực lượng chức năng phường Hòa Thuận kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh:
Theo ông Dương Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận, sáng nay 31.3, UBND phường đã thành lập 3 tổ công tác cùng với Đội Quy tắc đô thị TP.Tam Kỳ tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, kết hợp với công tác lập lại trật tự đô thị.
“Qua kiểm tra, chúng tôi đã lập biên bản, xử lý 4 trường hợp vi phạm. Các cơ sở này sau đó ký cam kết sẽ chấp hành nghiêm theo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát này chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện từ nay đến 15.4, trước khi có những văn bản chỉ đạo mới nhất từ cấp trên” - ông Tuấn nói.
Điện Bàn: Dừng hoạt động bãi tắm công cộng
Tại phường Điện Dương, từ ngày 29.3, chính quyền địa phương đã tạm dừng hoạt động 2 bãi tắm công cộng Hà My và Thống Nhất. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương thông tin, địa phương đã thành lập 2 tổ công tác với sự tham gia của các lực lượng công an, quân sự, biên phòng, đoàn viên thanh niên... để tuyên truyền, chốt chặn tại 2 bãi tắm này mỗi ngày vào sáng sớm và buổi chiều.
Hai bãi tắm trên hàng ngày đón hàng trăm, thậm chí hàng nghìn du khách và người dân địa phương đến giải trí, ăn uống vào mùa nắng. Ghi nhận trong 3 ngày qua, người dân địa phương đã tuân thủ đúng quy định vì sức khỏe chung của cộng đồng.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, ông đã chỉ đạo các cấp ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phú Ninh: Tiểu thương chấp hành nghiêm
Ghi nhận tại chợ Phú Thịnh (thị trấn Phú Thịnh), người dân chấp hành tốt việc phòng chống Covid-19. Các sạp hàng tại chợ hiện đều đảm bảo khoảng cách 2m. “Chúng tôi đã trang bị khẩu trang để phòng bệnh. Vệ sinh rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với người lạ. Đối với người dân vào chợ, nếu không mang khẩu trang thì được các tiểu thương nhắc nhở” - bà Đỗ Thị Hà - tiểu thương chợ Phú Thịnh cho biết.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, huyện đã thành lập đội kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở những trường hợp người dân không chấp hành. Nếu không chấp hành thì đề xuất phương án xử lý.
“Đến nay địa phương triển khai khá tốt việc chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên vẫn còn chỗ này chỗ kia, địa phương vẫn theo dõi nhằm đảm bảo tốt việc phòng chống dịch. Những gia đình có đám cưới, đám tang…, khi nắm thông tin, huyện cử lực lượng đến nhà gặp trực tiếp để tuyên truyền hạn chế tụ tập đông người” - ông Ninh nói.
Thăng Bình: Hơn 90% hộ kinh doanh ở Hà Lam tạm dừng hoạt động
Thị trấn Hà Lam có số hộ kinh doanh buôn bán, dịch vụ lên tới 325 hộ. Những ngày qua, ngay khi có Quyết định số 861 (ngày 27.3.2020) của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tạm dừng một số hoạt động để phòng chống dịch, Quyết định số 865 (28.3.2020) về tạm dừng các hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát để phòng chống dịch; UBND thị trấn đã thành lập 9 tổ công tác, mỗi tổ 3 - 4 người, phụ trách từng khu phố để tuyên truyền người dân chấp hành.
Mặt trận, đoàn thể của thị trấn Hà Lam còn tuyên truyền lưu động tại các các khu dân cư, trục đường chính, phát 4.500 tờ rơi về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại hộ gia đình. “Khi đã đi vào nền nếp, đối với các hộ cố tình không chấp hành, địa phương sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, hơn 90% hộ buôn bán, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thị trấn chấp hành nghiêm túc việc tạm dừng hoạt động” - bà Võ Thị Phước - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho biết.
Núi Thành: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Ghi nhận tại thị trấn Núi Thành, người dân chấp hành khá tốt Chỉ thị 15/CT-TTg. Tại khu vực chợ, người dân đều mang khẩu trang, tranh thủ mua sắm để trở về nhà. Dọc theo các tuyến đường nội thị của thị trấn, các hàng quán, đặc biệt là quán ăn, quán cà phê đều thực hiện không bán hàng tại cửa hàng mà treo bảng bán mang về, hoặc đóng cửa hoàn toàn. Các loại hình kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí cũng đều đã đóng cửa.
Dọc theo khoảng 35km đường quốc lộ 1, theo ghi nhận, không có tình trạng tụ tập đông người. Tại khu vực ngã ba Tam Anh Nam - Tam Hòa, số lượng người tại khu vực này cũng ít đông đúc hơn so với ngày thường. Đặc biệt, quán cà phê Thịnh ngay tại ngã ba này - vốn có lượng khách rất đông, nay đã đóng cửa để chấp hành nghiêm Chỉ thị 15.
Ông Trần Văn Trường - Chánh Văn phòng UBND huyện Núi Thành cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công tác với lực lượng nòng cốt là công an để tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu địa phương nào thực hiện không tốt công tác phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ bị xử lý. Những ngày qua, lãnh đạo huyện liên tục đi kiểm tra các địa phương, UBND huyện cũng đang tổ chức 2 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch”.
Cù Lao Chàm: Người dân ý thức vì cộng đồng
Ba tuần qua, xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) đã tạm dừng đón khách du lịch, tạm cấm tất cả phương tiện hoạt động du lịch, chỉ ưu tiên cho tàu thuyền vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo. Xã phối hợp với lực lượng biên phòng Cù Lao Chàm lập chốt ngay tại cảng để kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, đo thân nhiệt tất cả công dân đi làm ăn và học sinh - sinh viên trở về.
Khi có chủ trương “bế quan tỏa cảng” để phòng chống dịch, hàng nghìn người dân đồng tình ủng hộ. “Bà con ở đảo chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều người còn liên lạc với con cháu ở đất liền không nên ra đảo, phòng tránh lây nhiễm bệnh. Nhờ ý thức rất cao nên đã góp phần rất lớn trong công tác phòng chống dịch” - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Phạm Thị Mỹ Hương cho biết.
Sau khi tạm dừng hoạt động du lịch, nhiều người dân theo ngành du lịch quay lại nghề biển để kiếm sống. Anh Nguyễn An - chuyên thu mua cá trên đảo Cù Lao Chàm cho biết: “Phải thừa nhận ý thức vì cộng đồng của bà con trên đảo rất cao. Người dân đảo này ai cũng quen mặt tôi, nhưng khi tôi ra đảo thu mua hải sản, bà con cấm tàu cập cảng, chỉ thu mua cá ngay trên biển. Ngoài ra phải bơm nước biển tẩy rửa thuyền, phơi nắng khử khuẩn thì họ mới bán cá cho”.