Tộc Phạm Quế Sơn với cuộc mở cõi

CHÂU YẾN LOAN 17/11/2018 03:17

Trong các đợt “mang gươm đi mở cõi” về phương Nam, tộc Phạm ở Quế Sơn có nhiều vị tướng tài giỏi, những nhà cai trị lỗi lạc đã giúp các vương triều hoàn thành sứ mạng lịch sử vĩ đại này.

Mộ của Phạm Nhữ Dực ở Đồng Tràm.
Mộ của Phạm Nhữ Dực ở Đồng Tràm.

1. Thủy tổ của họ Phạm ở Đồng Tràm - Hương Quế là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ năm của danh tướng Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào thừa tuyên Hải Dương. Sau đó tổ tiên chuyển vào sống ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, thừa tuyên Thanh Hoa. Đến đời Phạm Nhữ Dực lại vào sinh sống ở làng Đồng Tràm, lộ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn).

Phạm Nhữ Dực làm quan dưới thời Trần và Hồ, ông đã nhiều lần dẫn binh đánh tan quân Chiêm Thành sang xâm lấn nước ta. Năm Canh Thân (1380), quân Chiêm tấn công Nghệ An, vua Trần Nghệ Tông cử Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly), Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực đem binh chống giữ, quân Chiêm đại bại ở sông Ngu (tức sông Lạch Trường ngày nay) phải rút về. Năm Nhâm Tuất (1382), quân Chiêm lại tấn công Thanh Hóa, Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực vây đánh, quân Chiêm phải tháo chạy. Năm Tân Mùi (1391) quân Chiêm xâm phạm Hóa Châu, vua Trần Nghệ Tông  cử Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực chặn đánh quân Chiêm.

Thời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Phạm Nhữ Dực được phong chức Hậu quân Trung đô Dực Nghĩa hầu.

Năm Nhâm Ngọ (1402) dưới triều Hồ Hán Thương, Phạm Nhữ Dực cùng Đỗ Mãn và Nguyễn Cảnh Chơn đem quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm phải dâng đất Chiêm Động (nam Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi) để cầu hòa. Họ Hồ chia đất mới chiếm thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Năm Quý Mùi (1403), Hồ Hán Thương phong Phạm Nhữ Dực làm Chánh Đô Án vũ sứ và  Nguyễn Cảnh Chơn làm Phó Đô Tổng binh ở lại cai quản châu Thăng Hoa đưa di dân các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh vào khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp và vỗ an người Chiêm. Năm Đinh Hợi (1407) quân Minh xâm chiếm nước ta bắt cha con Hồ Quý Ly đem về Tàu, người Chiêm nhân cơ hội đó lấy lại phần đất đã mất, Phạm Nhữ Dực cùng con là Phạm Đức Đề chống lại quân Chiêm.

Hai năm sau, Phạm Nhữ Dực qua đời vào ngày mùng 4 tháng 10 năm Kỷ Sửu (1409), ông được an táng tại làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, Quế Sơn). Thời Hồ Hán Thương ông được phong chức Hậu quân Trung Đô Nam Dinh vũ trấn, Dực Nghĩa hầu. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, sau khi chiếm Ninh Thuận, thành lập Dinh Thái Khang, nhớ ơn những người tiên phong khai phá phương Nam, đã truy phong Phạm Nhữ Dực là Thượng đẳng thần.

2. Con cả của Phạm Nhữ Dực là Phạm Đức Đề, làm quan triều Hồ Hán Thương, được phong tước Đinh Thượng hầu. Ông có công giúp thân phụ bình Chiêm, di dân khai phá vùng đất mới và xây dựng cơ chỉ tộc Phạm tại làng Đồng Tràm. Khi Chiêm Thành chiếm lại đất, Phạm Đức Đề cùng Nguyễn Cảnh Chơn đánh quân Chiêm, nhưng quân ít thế cô không chống nổi. Nguyễn Cảnh Chơn rút quân về Nghệ An gia nhập lực lượng kháng Minh của Giản Định Đế, còn Phạm Đức Đề bị quân Chiêm truy lùng ráo riết phải đổi tên họ, chạy ra vùng An Trường (bắc Quảng Nam) để ẩn náu.

Con trai lớn của Phạm Đức Đề là Phạm Nhữ Dự. Khi Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, ông từ An Trường đem quân ra giúp Lê Lợi. Ông được phong Cao Thọ Tập Phước hầu, được lưu trấn quản lãnh phủ Thăng Hoa. Hai năm sau thì ông bị bệnh mất ngày 19 tháng 12 năm Canh Dần (1410), an táng tại làng Hiền Lương (nay là xã Bình Giang, huyện Thăng Bình). Bình Định Vương Lê Lợi thương tiếc tặng ông 2 câu đối: “Thiên địa thử gian hoàn cựu vật. Giang sơn chung cổ biểu tiền công” (Trời đất khoản này hoàn vật cũ. Nước non muôn thuở rạng công xưa). Đến đời Cảnh Hưng năm thứ 2 (1741), khâm phong là “Cao Thọ Tập Phước Hầu, Phạm Phủ quân”, Thụy phong “Đại khai tiên chỉ thần”.

3. Sau khi Phạm Nhữ Dự mất, trưởng nam là Phạm Nhữ Tăng dời cơ chỉ tộc Phạm Nhữ lên làng Hương Ly (nay là làng Hương Quế, xã Quế Phú, Quế Sơn) định cư và làm tiền hiền tộc Phạm gốc tại Hương Quế. Phạm Nhữ Tăng là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của họ Phạm dưới thời vua Lê Thánh Tông. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong chiến dịch bình Chiêm và di dân, mở mang bờ cõi phía Nam.

Phạm Nhữ Tăng sinh năm Tân Sửu (1421), thời Minh thuộc. Năm Đại Hòa thứ ba (Ất Sửu 1445) thời Lê Nhân Tông, ông thi đỗ Đệ nhị Điện Hoằng Từ khoa được phong làm Thái Bảo kiêm Tri quân Dân chính sự vụ. Năm Quang Thuận thứ bảy (Đinh Hợi 1467) được ban sắc Phụ chánh Tham tướng phủ, Quảng Dương hầu Bình Chương quân quốc trọng sự.

Lăng mộ của Phạm Nhữ Tăng ở Hương Quế.
Lăng mộ của Phạm Nhữ Tăng ở Hương Quế.

Tháng 8 năm Canh Dần (1470) vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem quân tấn công châu Hóa. Thủ ngữ Kinh lược sứ Thuận Hóa là Phạm Văn Hiển chống không nổi bèn dồn hết dân vào thành để cố thủ và cấp báo về triều đình. Ngày mùng 6 tháng 11 vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Phạm Nhữ Tăng được sắc phong làm Trung quân Đô thống lãnh ấn Tiên phong thượng đại kỳ thêu bốn chữ “Bình Chiêm hưng quốc”.

Vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh theo sau. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm Tân Mão (1471) vua vào tới Thuận Hóa cho quân ra biển tập thủy chiến rồi sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ bản đồ của Chiêm dâng lên. Ngày mùng 6, đội quân của tướng Cang Viễn vượt qua đèo Hải Vân tấn công phòng tuyến Cu Đê, bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa. Ngày mùng 7 tháng 2, Phạm Nhữ Tăng chỉ huy đại quân bao vây Chiêm Động và Cổ Lũy, tướng chỉ huy là Bàn La Trà Toại đại bại, phải chạy trốn. Ngày 27 tháng 2 vua thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại, ngày 28 tháng 2, quân ta vây thành Trà Bàn (kinh đô của Chiêm Thành). Ngày 1 tháng 3 năm Tân Mão (1471), hạ thành Trà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đưa về nước cùng 30.000 quân sĩ và 50 người trong hoàng tộc bị bắt làm tù binh.

Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đúng như mục đích xuất chinh mà nhà vua đã nói trong bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ: “Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên”   (Gộp một mối thư xa về một bức dư đồ). Danh xưng Quảng Nam ra đời từ lúc ấy.

Phạm Nhữ Tăng được chỉ dụ ở lại cai quản Thừa tuyên Quảng Nam để giữ vững an ninh và thực hiện cuộc di dân Nam tiến. Năm 1472, Phạm Nhữ Tăng được trao chức Đô Ty Quảng Nam kiêm Trấn phủ Hoài Nhơn. Ông cai trị dân chúng bằng chính sách khoan dung, vỗ an người Chiêm ở lại, giúp họ nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng người Việt, phát triển kinh tế, áp dụng hình luật nghiêm minh nhờ thế mà vùng đất mới này sớm ổn định và phát triển. Ông chiêu mộ dân khai thác phủ Thăng Hoa, tổ chức khai địa bạ, cùng với các bậc tiền bối các tộc Nguyễn, Trần, Lê tạo lập Ngũ hương gồm năm làng: Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư.

Năm Hồng Đức thứ 8 (1478) Phạm Nhữ Tăng lâm bệnh nặng và qua đời ngày 21 tháng 2 năm Mậu Tuất (1478) thọ 57 tuổi. Di hài của ông được an táng tại Trường Xà Thành nay thuộc quận An Nhơn cách thành Bình Định 6km về phía tây, sau đó vua Lê Thánh Tông đã cho đưa di hài của ông từ Bình Định về an táng tại xứ Bàu Sanh làng Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Vua ngự bút tặng một tấm trướng: “Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực, nhất tâm bình Chiêm quốc. Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ, hiển Nam bang” (Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức một lòng bình Chiêm quốc. Miếu đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam). Vua ban sắc gia phong Hoằng túc trợ võ Đặc tấn, Phụ quốc Quảng Dương hầu, Phạm Quý công đại phu, cho xây lăng mộ và cấp tự điền để phụng thờ.

Vua Lê Thần Tông, sắc phong ông là Chánh ngự Nam phương, Phạm phủ quân, Phò Hựu thượng đẳng thần. Xã dân tôn ông làm Tiền hiền tộc Phạm làng Hương Quế.

Từ thủy tổ Phạm Nhữ Dực đến Phạm Nhữ Dự, Phạm Nhữ Tăng, gần một thế kỷ, mấy đời nối tiếp nhau cai quản, xây dựng đất Thăng Hoa. Dân chúng tôn vinh Phạm Nhữ Dực là “Thượng Tướng Bình Chiêm” và Phạm Nhữ Tăng là  “Tiền hiền làng Hương Quế”, điều đó đã nói lên lòng biết ơn của người dân địa phương đối với công đức lớn lao mà các danh tướng tộc Phạm đã đóng góp vào công cuộc mở cõi đầy gian khó buổi đầu.

CHÂU YẾN LOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tộc Phạm Quế Sơn với cuộc mở cõi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO