Ở xứ Quảng Phú xưa (nay là xã Tam Phú và phường An Phú, TP.Tam Kỳ) còn lưu truyền câu “Nhất Trương Công, nhì Nguyễn Văn” để ca ngợi những dòng họ lập đất lập làng, dựng xây xứ sở. Ngày nay, con cháu tộc Trương Công tiếp tục chung sức xây dựng dòng tộc, quê hương, tiếp nối truyền thống cha ông…
Nhà thờ tộc Trương Công. Ảnh: LÊ QUÂN |
Bề dày dòng tộc
Năm 1547, ông Trương Công Huê (Trương Công Đại Lang) dẫn con trai Trương Công Thành và con dâu Nguyễn Thị Thiên rời quê hương Nghệ An vào Quảng Nam. Đến vùng đất phía đông chi Quảng Phú, thấy nơi đây đất đai rộng rãi, bằng phẳng, địa thế thuận lợi, ông Trương Công Huê quyết định chọn làm nơi định cư, khai cơ lập nghiệp. Với tinh thần “Cửu thế đồng cư” - đoàn kết là sức mạnh tổng hợp - Thủy tổ Trương Công Đại Lang đã kết nghĩa với tộc Nguyễn Văn. Từ đó, tại làng Quảng Phú, Trương Công là tiền hiền, Nguyễn Văn là hậu hiền.
Khi triều Tây Sơn sụp đổ vào năm 1802 (Đinh Tỵ), Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, thực hiện chủ trương lập bộ điền của triều Gia Long, tộc Trương Công và Nguyễn Văn hợp lòng đi đến thống nhất và ổn định việc lập bộ điền thổ, tiếp tục lập làng. Tộc Trương Công và tộc Nguyễn Văn cùng với các họ trong làng xây dựng chùa Cao Lan tại núi Chùa và đình làng Quảng Phú gọi là Đình Trung - cũng là một trường dạy học.
Trải qua 466 năm kể từ ngày đến vùng đất này, dòng tộc Trương Công đã phát triển mạnh mẽ, cùng với các họ tộc khác xây dựng vùng đất Quảng Phú trở nên trù phú đúng như nguyện vọng của tiền nhân (“Quảng” là mở rộng, “Phú” là giàu có, trù phú). Chính vì vậy mà tộc Trương Công dù tách thành 3 phái, định cư ở 3 khu vực khác nhau, nhưng với truyền thống đoàn kết, thương nòi, con cháu tộc Trương Công qua các đời vẫn giữ vững mối quan hệ mật thiết, sắt son và bền chặt. Hàng năm, vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu nội ngoại của 3 phái sum họp giỗ tổ - tu tảo phần mộ tiền nhân, quây quần bên mộ thủy tổ để viếng hương, chiêm bái, đồng thời thăm hỏi, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, các thế hệ tộc Trương Công đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ từng tấc đất, ngôi nhà của quê hương. Trải qua 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ chống thực dân Pháp và Mỹ xâm lược, dòng tộc Trương Công đã có hàng trăm gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Xây dựng tộc văn hóa
Từ sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, con cháu tộc Trương Công chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay góp sức xây dựng quê hương. Không chỉ có con cháu đang sinh sống tại địa phương mới đóng góp cho những hoạt động của gia tộc, ngay cả những người mang họ Trương Công đang sống xa quê hương vẫn có những hành động đầy ý nghĩa. Ông Trương Công Chúc, hiện sinh sống tại Hà Nội, dù đã gần 90 tuổi vẫn luôn dõi theo những tin tức của tộc họ từ quê nhà. Ông chia sẻ: “Không có điều kiện tham gia thường xuyên các hoạt động của gia tộc, nhưng tôi vẫn dõi theo thông tin hằng ngày từ các anh, các bác trong tộc. Rất mừng là tộc Trương Công đã phát huy truyền thống, con cháu học hành, làm ăn thành công, tộc họ vẫn giữ được những nét văn hóa, phong tục truyền thống của cha ông”.
Với cách tổ chức khoa học, tộc Trương Công đề ra Quy ước tộc họ văn hóa với 21 điều và 4 chương, trong đó có quy định những điều nên và không nên làm của con cháu trong tộc. Nội quy gia tộc, quy ước tộc văn hóa góp phần xây dựng tộc ngày càng phát triển bền vững, cùng các họ tộc khác xây dựng dòng tộc, quê hương ngày càng giàu đẹp. Quy ước xây dựng tộc họ văn hóa của tộc Trương Công có những quy định rất thiết thực, như vận động con cháu trong toàn tộc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạ thấp tỷ lệ sinh đẻ, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con, không trọng nam khinh nữ, đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, chú trọng đầu tư vào việc học… Trong công tác khuyến học, khuyến tài, tộc Trương Công xây dựng quỹ khuyến học nhằm khích lệ tinh thần con em trong tộc có thành tích học tập tốt. Hằng năm, tộc tổ chức lễ phát thưởng vào ngày giỗ Tộc mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Anh Trương Hồng Sơn, đại diện thế hệ trẻ trong tộc, cho biết: “Trong việc phát động xây dựng tộc họ văn hóa, có bao câu hỏi được đặt ra cho thế hệ chúng tôi, đó là tuổi trẻ tộc Trương Công nghĩ gì và sẽ làm gì? Những câu hỏi đó cứ hun đúc và thôi thúc chúng tôi phải cố gắng hơn nữa để phấn đấu hết mình viết tiếp truyền thống của dòng họ, xây dựng tộc Trương Công xứng đáng đạt danh hiệu tộc họ văn hóa. Thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn sẽ là nhịp cầu kết nối bà con tộc Trương Công khắp mọi miền với nhau”.
Ngày mai 19.4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tộc Trương Công tổ chức lễ giỗ tổ, đồng thời ra mắt Quy ước Tộc họ văn hóa. Đây là cách làm nhằm đề cao những nếp sống hay, vận động con cháu làm theo. Hơn 400 năm, thời gian đủ làm xoay chuyển nhiều giá trị, nhưng những gì tốt đẹp sẽ trường tồn vĩnh cửu.
LÊ QUÂN