Còn nhớ năm 1987, tôi được nhận phần thưởng của nhà trường về kết quả học sinh giỏi 9 năm liền, một phần quà được bọc giấy báo khá vuông vức. Chưa kịp về đến nhà, ngay sau buổi lễ phát thưởng ấy, tôi vội vã mở ra. Một cuốn sách mà tôi ao ước vì trước đó, cô giáo dạy văn khuyên hè về nên tìm đọc, thú vị lắm. Đó là tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Năm tháng học trò trôi qua lâu rồi, nhưng “Búp sen xanh” vẫn theo tôi và trở thành quyển sách “gối đầu giường” trong cuộc đời tôi.
Ấn tượng đầu tiên khi đọc “Búp sen xanh” là lời đề từ ngắn gọn của nhà văn Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”. Qua tác phẩm, nhà văn đã “minh chứng” hùng hồn cho “bài học” ấy, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ quyết liệt, tác giả Sơn Tùng là phóng viên chiến trường ở Quân khu 4 và Đông Nam Bộ, đến năm 1971 ông bị thương nặng được đưa ra miền Bắc chữa trị. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng ông đã vượt lên chính mình, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học và thành công hơn hết với đề tài Bác Hồ, mà đỉnh cao là “Búp sen xanh”. Thai nghén cho tác phẩm này từ năm 1948, và hoàn thành vào năm 1980, chừng ấy cũng đã thấy được chữ “tâm” của nhà văn Sơn Tùng đối với Bác Hồ kính yêu.
“Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về thời thơ ấu và trai trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc tác phẩm, tác giả đưa ta về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thể kỷ XX, nơi ấy là làng Sen – quê nội, làng Hoàng Trù – quê ngoại của Bác với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… Theo bước chân của Bác, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học hay Bến Nhà Rồng. Những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói… mỗi một vùng đất Bác đi qua cũng được tác giả thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Với “Búp sen xanh”, người đọc nhận ra chân giá trị sâu sắc của đạo đức, nhân phẩm. Trong cuộc đời mỗi con người, giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách, tâm hồn của mỗi con người. Nhà văn chỉ đề cập từ thời niên thiếu đến ngày Bác ra đi tìm đường nước, tưởng chỉ dành cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều hơn, song tác phẩm lại có sức hút kỳ lạ với độc giả mọi lứa tuổi. Mọi tình cảm dành cho Bác có lẽ từ sự kính trọng một nhân cách, một tài năng ngay khi Bác còn nhỏ. Người đọc nhận ra những phẩm chất người qua từng cử chỉ, lời nói đầy tình thương, kính yêu của cậu bé Côn với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong nhà, với bạn bè cùng trang lứa, cô bác nơi hàng xóm láng giềng. Tuổi thơ của Bác trải qua những “đoạn trường” khổ ải, thiếu thốn trăm bề nhưng đã vươn lên, vượt qua dông tố, mãi là bài học về tình thương, nhân cách, nghị lực sống.
Nhà văn M.Gorky từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Điều đó thấm thía vô cùng với những ai đã đọc “Búp sen xanh”. Ở đó, sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn Bác. Tác giả có cái nhìn sâu sắc về một vùng đất, về một gia đình nền nếp truyền thống khoa bảng, cho đến cả những tấm gương sáng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đã ảnh hưởng đến Bác. Đó cũng là sự lý giải “thấy cây là thấy cả rừng, thấy quả là thấy cả nhân”, thấy sự vĩ đại lẫn nét đời thường gần gũi của Bác.
THẢO NGUYÊN