Tôi, đứa con của núi

ALĂNG NGƯỚC 20/06/2014 09:28

Mỗi chuyến tác nghiệp tại địa bàn vùng cao, nơi tôi sinh ra và lớn lên, là mỗi chuyến tôi “gom” cho mình những kỷ niệm đẹp về tình nghĩa của đồng bào. Và, có những câu chuyện - dù là rất nhỏ, nhưng luôn khiến tôi cảm động mỗi khi nhắc đến.

Tác giả cùng già làng Cơ Tu trong chuyến tác nghiệp tại Tây Giang.
Tác giả cùng già làng Cơ Tu trong chuyến tác nghiệp tại Tây Giang.

“Cháu ăn đi, cô có bỏ mì chính rồi!”

Là phóng viên theo dõi mảng dân tộc miền núi, tôi có nhiều lợi thế hơn so với đồng nghiệp trong tác nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi thế, bởi vì tôi cũng là con em đồng bào bản địa. Chuyện ăn ở, giao tiếp của tôi nơi vùng cao không có khoảng cách… Sau mỗi chuyến tác nghiệp vùng cao, tôi lại “gom” cho mình nhiều kỷ niệm đẹp. Có nhiều khi, một mình ngồi giữa căn phòng vắng, nhìn ra khe cửa nơi góc phố, tôi chợt nghĩ mình còn nợ đồng bào món nợ nghĩa tình chưa thể trả hết.

Ở phố, cái cảm giác nhớ quê, nhớ núi luôn đau đáu như thể có ai đó đang gọi tên mình. Một phóng viên trẻ đúng nghĩa của từ “người con của núi”, tôi bỗng thấy như mình đang lạc giữa vùng đất mới, giữa cuộc sống xô bồ. Nhưng, chất núi thì vẫn luôn trong tôi, đã thấm vào máu thịt.

Và, câu chuyện cảm động về tình nghĩa của đồng bào dành cho đứa con của bản làng mình trong mỗi lần hồi hương tác nghiệp đã trở thành kỷ niệm, hay nói khác hơn là sự hoài niệm về một thời gian khó. Tôi vẫn thường kể cho đồng nghiệp nghe về câu chuyện “hạt mì chính” ở vùng đồng bào miền núi. Sau mỗi lần kể, tôi luôn nhận được sự sẻ chia về cái khó khăn của đồng bào như một lời động viên, an ủi. Chuyện xảy ra đã hơn 5 năm trước, trong lần đầu tiên tôi tác nghiệp ở buôn làng của mình, khi còn là một cậu sinh viên báo chí.

Lang thang, rồi dừng chân ở một làng người Cơ Tu thuộc địa bàn khó khăn nhất huyện Đông Giang. Ngôi nhà tềnh toàng của một gia đình với bầy con nheo nhóc khiến tôi… ám ảnh. Khó khăn nhiều khi cũng không biết phải diễn tả như thế nào cho đúng nghĩa, nhưng câu chuyện đằng sau luôn khiến tôi cảm động. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ như in sự giản dị của chủ nhà khi mời tôi dùng bữa cơm trưa cùng gia đình. Không thịt cá, bữa cơm chỉ toàn rau rừng. Rất khó từ chối, tôi ngồi ăn dù ngại sẽ làm mất phần của gia đình. “Cháu ăn đi, cô có bỏ mì chính rồi” - câu nói của cô chủ nhà khiến tôi ngỡ ngàng. Ở vùng cao, chuyện thiếu thốn về mắm muối, mì chính là chuyện tôi không lạ gì. Những hột muối, mì chính với người vùng cao đôi khi còn quý hơn miếng thịt, con cá. Và cũng nhiều khi, trong bữa ăn thiếu thốn, chỉ có khách quý mới được “đãi” thức ăn có bỏ mì chính. Tự nhiên, tôi thấy mắt mình cay!

Nghĩa nặng, tình sâu

Ở nhiều làng bản của đồng bào Cơ Tu hiện nay vẫn còn giữ phong tục đẹp “nuôi chung” cán bộ hoặc khách khi đến thăm làng mình. Tức là nhà nào cũng bưng mâm cơm đến gươl làng mời khách. Sau mỗi bữa cơm, đồng bào đều chú ý đến phần cơm đãi khách của nhà mình. Bà con sẽ rất vui nếu khách nếm phần thức ăn của nhà mình, và ngược lại. Bởi vậy, anh em đồng nghiệp khi đến bản làng của đồng bào Cơ Tu cũng nên chú ý đến vài ý nhỏ này, vì đó là tâm lý của đồng bào vùng cao trong tục đón khách.

Có nhiều khi nhớ rừng, tôi lại “xách ba lô lên và đi”. Hành trình rong ruổi trên những con đường quanh co về các bản làng vùng cao, tôi thỏa thích đắm mình trong cảm giác sương mù và hơi lạnh. Gió thượng nguồn thổi về, ngọt dịu như dòng sữa mẹ năm nào… Kể từ khi xuống phố học và cho đến khi đi làm, những người anh em ở khắp các buôn làng vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… luôn coi tôi như khách quý. Dù chưa quen biết hay đã chơi thân, hễ có dịp ngồi lại với nhau, y như rằng tôi luôn được “ưu tiên” nhiều thứ. Nhất là cái gì đó liên quan đến văn hóa của buôn làng, như thể nhắc nhớ tôi về gốc gác, nguồn cội của mình. Một người bạn ở Tây Giang, lúc nào tôi có dịp lên công tác cũng chiêu đãi tôi những món ăn truyền thống rất dân dã, thú vị. Một lần, anh đưa tôi đến một số làng của người Cơ Tu ở xã Lăng. Đến đâu, anh cũng giới thiệu “lai lịch” tôi với mọi người khiến tôi… đỏ mặt vì ngại. Rồi là tình cảm của đồng bào dành cho đứa con xa xứ trong mỗi dịp gặp mặt, một cảm giác ấm áp khó tả. Hay những dịp ngồi với các già làng, nghe tôi bàn chuyện về văn hóa, nhiều cụ “ưng cái bụng”. Bởi nhiều già làng nhận xét, văn hóa Cơ Tu bây giờ không còn được nhiều người trẻ Cơ Tu biết đến.

Năm ngoái, tôi trở lại thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) vào dịp cận Tết Nguyên đán. Khác với trước đây, Phú Mưa bây giờ đã có cây cầu bê tông vững chãi bắc qua sông R’lang. Cả già làng Alăng Chúc, Trưởng thôn Alăng Chô và bà con Phú Mưa đón tôi như một vị khách quý, lâu ngày về thăm. Già Chúc bí mật nhờ đám thanh niên xuống ao bắt cá, đổ rượu cần mời khách chung vui. Khá bất ngờ, tôi không thể kìm nén được cảm xúc của mình. Chén rượu cần là tình cảm của đồng bào như một lời cảm ơn sau những bài viết của tôi về Phú Mưa. Lần khác, tôi đến làng Mèn (xã Kà Dăng) để tìm gặp “dị nhân” Alăng Tùng, một người Cơ Tu mê đá hơn mê… rượu. Chỉ vài câu xã giao, một mâm rượu “chào khách” - như lời giới thiệu của Tùng đã được bày ra, đãi “đứa em xa nhà”. Lần đầu tiên tôi gặp Tùng, vẻ hào phóng hiện trên khuôn mặt “dị nhân”. Sự hiếu khách cùng cách nói chuyện hài hước của Tùng khiến tôi phần nào bớt ái ngại.

Thật lòng mà nói, tôi rất khó từ chối lời mời của đồng bào. Bởi hơn ai hết, tôi biết “cái bụng” của đồng bào mình ưng cái gì. Đó là tình nghĩa dành cho đứa con xa quê, vì họ luôn tự hào đồng bào mình có những người làm nghề báo…

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi, đứa con của núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO