Chỉ có 10/33 dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn – Hội An được đưa vào khai thác, số còn lại chưa biết bao giờ thực hiện. Không thể trì hoãn hoặc kiên nhẫn hơn nữa, chính quyền đã buộc phải ra “tối hậu thư”: nếu không cam kết đầu tư hoặc kéo dài dự án sẽ phải bị thu hồi giấy phép.
Dự án “treo”
Con đường ven biển nối Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An) được mệnh danh là “con đường resort:. Nhưng nếu ven đường phía Đà Nẵng gần như đã được lấp đầy thì phía Quảng Nam vẫn dở dang. Với dự án của Vinpearl, Hide Way, IOC… không thể tiến hành như dự kiến do tình trạng biển xâm thực mạnh, nhà đầu tư phải kè cục bộ tạm thời bảo vệ khu đất, trong khi chờ đợi một dự án kè chống xâm thực từ phía chính quyền thì nhiều dự án vẫn để đất “hoang hóa”. Hình ảnh dễ thấy là trên vùng đất ven biển ấy, chỉ có vài ngôi nhà xây xong phần thô, vài căn hộ rao bán trên giấy, thậm chí có dự án sau nhiều năm bỏ dở, những dãy nhà xây đầu tiên cũng đã bị đập bỏ, để lại mặt đất trống trơn sau hàng rào gãy đổ…
Các dự án không chịu triển khai đầu tư.Ảnh: T.DŨNG |
Dự án bị dừng hay không triển khai, còn người dân địa phương thì loay hoay chuyện đi ở, không thể làm gì được trên phần đất của mình vì khu vực thuộc “tầm kiểm soát” của các dự án đầu tư. Ông Võ Văn Hùng - Phó ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh xác nhận hiện chỉ 10/33 đã đi vào hoạt động và 23 dự án đang được triển khai đầu tư, xây dựng (5 dự án đang xây dựng, 8 dự án đã có mặt bằng nhưng chưa xây dựng và 10 dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng). Lý do của các dự án bị chậm trễ kéo dài thường “được” chính quyền sở tại và chủ đầu tư đổ lỗi cho nhau. Các nhà đầu tư cho rằng chính sự trì trệ trong việc xây dựng các khu tái định cư đã cản trở tiến độ, biến dự án trở thành “treo” trong nhiều năm. Còn chính quyền sở tại nơi đặt dự án lại cho rằng các nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính nên đã lần lữa. Một mặt xin điều chỉnh hồ sơ dự án, tìm cách liên kết, liên doanh; điều chỉnh dự án tăng vốn đầu tư, chuyển sang xin kinh doanh bất động sản du lịch… và cũng không loại trừ cả việc găm, giữ đất để chờ sang nhượng…
Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư cho rằng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ điều kiện để tiến hành dự án. Một phần do cấp phép dự án kéo dài trong nhiều năm hoặc chờ đợi để xin cho liên doanh dự án, kể cả đầu cơ…, một phần lỗi của chính cơ chế thủ tục hành chính phức tạp ở các cơ quan công quyền tạo nên. Vấn đề sắp xếp, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các khu tái định cư phải được xác định đầu tiên, nhưng điều này đã không được tính tới.
Không đầu tư sẽ thu hồi giấy phép
Liên tiếp trong nhiều cuộc họp gần đây của chính quyền và cơ quan quản lý về cải thiện môi trường đầu tư đều đề cập việc “hóa giải” sự trì trệ của các dự án đầu tư du lịch ven biển. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các địa phương cần tập trung nguồn lực cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thiện chí cần cam kết tiến độ, ký quỹ đầu tư triển khai dự án đúng cam kết. Nếu đã hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi triển khai dự án nhưng các chủ đầu tư vi phạm cam kết, không đủ năng lực đầu tư thì sẽ bị buộc phải thu hồi giấy phép. Quan điểm của chính quyền là cương quyết không để tình trạng găm, giữ, chiếm dụng đất để sang nhượng.
Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói chính quyền sẵn sàng cùng nhà đầu tư bàn bạc tìm hướng tốt nhất để nhanh chóng triển khai các dự án. Nhưng nếu các chủ đầu tư vẫn không thể thực hiện dự án, chính quyền sẽ kiên quyết kiến nghị các cấp dừng dự án hay thu hồi giấy phép. Theo ông Võ Văn Hùng, sau nhiều cuộc làm việc, nhiều nhà đầu tư đã thực hiện việc ký quỹ và cam kết thực hiện dự án. Chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Vinpearl Hội An và Khu du lịch ven biển 5 sao Hội An – Holiday bị ảnh hưởng biển xâm thực đã ký cam kết với chính quyền Quảng Nam là xin được gia hạn thời gian để xây dựng lại kè chắn sóng, sửa chữa công trình hư hỏng, thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại. Chậm nhất đến cuối năm 2016 sẽ đưa dự án vào hoạt động.
Hai dự án đầu tư đã cam kết, số còn lại vẫn chưa thấy động tĩnh gì, nhưng có một sự thật là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó có thể mở rộng quy mô do chi phí tăng và khả năng thu hồi vốn chậm. Các dự án bất động sản du lịch đều giãn tiến độ thực hiện. Họ đang lúng túng với việc không triển khai thì đọng vốn, tiếp tục đầu tư thì vừa phải chịu lãi vay cao và sức ép thị trường, có khi phải lỗ nên tìm cách kéo dài dự án. Nhưng không triển khai thì lại phải chịu sức ép từ công luận và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc ra “tối hậu thư”, lên lịch thu hồi giấy phép các dự án đầu tư chậm trễ không phải là chuyện mới mẻ gì. Lý do đã cũ từ nhiều năm qua, kể cả chuyện vướng mắc bồi thường, giải tỏa quá nhiều năm không giải quyết nổi cũng bởi địa phương đã không trả lời được câu hỏi: đất quy hoạch cho tái định cư ở đâu? Điều khó hiểu là vướng mắc này đã tồn tại quá nhiều năm, lặp đi lặp lại mà vẫn chưa thấy ai đứng ra giải quyết hoặc chịu trách nhiệm dù không thiếu những đợt kiểm tra, nhắc nhở, khuyến cáo chính quyền sở tại lẫn chủ đầu tư. Trách nhiệm, vai trò của các sở, ngành trong việc thẩm định dự án đầu tư hoặc hậu cấp phép đầu tư đến đâu khi dự án quá nhiều năm vẫn chỉ nằm trên bản vẽ? Liệu sự kiên quyết lần này của chính quyền và cơ quan quản lý có thể nhanh chóng làm trong sạch môi trường đầu tư?
TRỊNH DŨNG