Chú tôi làm nghề thợ hồ. Sở thích của ông là uống rượu. Ông có đọc sách hay không và đọc khi nào, tôi không rõ. Có điều, với ông, tài sản quý giá nhất không phải là vàng bạc mà là... sách! Tôi cam đoan như vậy. Có tiền, ông lại mua sách cho vào các thùng đạn đại liên chất đầy nhà. Sách ông mua toàn truyện tàu, truyện kiếm hiệp và truyện thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài. Năm 1972, tôi từ Tiên Phước vào Kỳ Sanh ở với gia đình chú. Mở thùng đạn đại liên, vớ được sách thiếu nhi của Tô Hoài, tôi hóa thành con mọt sách. Đi chăn trâu ở đồng Bộng, đồng Nuột, tôi lận lưng Dế mèn phiêu lưu ký, Giăng thề, O chuột... đọc say mê để trâu ăn lúa bị chủ ruộng réo chửi om trời.
Tôi biết nhà văn Tô Hoài từ ngày đó. Năm 1998, ra Hà Nội dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V, tôi mới gặp tác giả Dế mèn phiêu lưu ký “bằng xương bằng thịt”. Tôi lặng lẽ nghe ông trò chuyện với các nhà văn nhà thơ. Tôi nhận ra ông là người dễ gần, nói năng nhẹ nhàng. Quý ông, tôi hay tìm những tác phẩm mới của ông, những bài phỏng vấn ông để đọc. Và tôi càng quý ông hơn, khi biết ông cũng là người lười nhác tập thể dục buổi sáng như tôi! Ông từng bảo rằng, tập thể dục cả một đời để rồi được sống thêm 5 - 7 năm, ông cũng chẳng ham bằng... ngủ nướng! Đọc ông, tôi học ở ông được nhiều điều về nghề văn. Thường, với người khác, đọc phải một cuốn sách dở, họ bỏ ngang. Tô Hoài lại khác. Ông túc tắc đọc cho đến trang cuối cùng để biết cuốn sách đó nó... dở đến cỡ nào! Biết để mà tránh. Tôi bắt chước ông, vớ phải cuốn sách “nuốt không vô”, tôi vẫn cố gắng đọc bằng hết. Và chính những cuốn sách “nuốt không vô” ấy đã giúp tôi tránh được sự dễ dãi tùy tiện trong sáng tác.
Là bậc tiên chỉ của làng văn, Tô Hoài viết văn không chờ đợi có cảm hứng mới cầm bút. Rảnh, ông ngồi vào bàn viết. Những con chữ cứ tuôn ra giấy. Và rồi cảm hứng sáng tác ùa tới. Ông bảo thế. Tôi bắt chước ông, làm theo. Và tôi thấy đúng. So với bạn bè cùng trang lứa, tôi viết được nhiều hơn là do học ông, không chờ đợi có cảm hứng mới sáng tác. Tô Hoài coi viết văn là một nghề nên ông rất nghiêm túc với nghề văn. Có lần, đọc truyện ngắn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, thấy tác giả viết chiếc thuyền tán thuốc bắc làm bằng sắt, ông cười bảo: “Cô Nhàn quan sát không kỹ, tìm hiểu không sâu, viết sai rồi!”. Tác giả bài thơ Hương thầm “ức quá”, đạp xe ra ngoại thành Hà Nội, gặp gia chủ hỏi cho ra nhẽ. Tác giả bị bé cái nhầm! Sở dĩ chiếc thuyền tán thuốc bắc làm bằng gang vì nó không bị sắt gỉ, không bị xô lệch khi nghiền thuốc do nặng hơn sắt. Tô Hoài luôn viết chính xác mọi chuyện, cho dù đó là tiểu thuyết. Và ông rất coi trọng chi tiết của truyện. Ông bảo, chi tiết giống như rui mè, kèo trính... của một ngôi nhà. Tô Hoài luôn chọn những chi tiết đắt giá đưa vào tác phẩm và chính những chi tiết ấy tạo nên sự sinh động, lôi cuốn người đọc mọi lứa tuổi.
Nhà văn Tô Hoài không hề hay biết rằng, tôi đã đọc ông và học hỏi ở ông nhiều điều trong nghề văn. Nghe tin ông qua đời ngày 6.7.2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, tôi viết những dòng này như một nén tâm nhang tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
LÂM BÌNH THÁI