Tôi không thể bỏ dân (Tiếp theo và hết)

05/12/2012 01:04

>> Tôi không thể bỏ dân (kỳ trước)

Có lần, trong một đêm đông ông cùng ông Thảo bơi qua sông về Kỳ Xuân. Đêm tối mịt, nước chảy mạnh, ông Thảo đuối sức bị cuốn trôi, ông Quang bất lực, không cứu nổi đồng đội. Rồi có lần, vào khoảng 10 giờ trưa, ông cùng với Út Hạo ở trong buồng nhà bà Lon thì cả tiểu đội nghĩa quân kéo vào đòi bà nấu cơm cho tụi nó ăn. Bọn chúng quần nhau đánh bài, ăn uống suốt mấy tiếng đồng hồ. Út Hạo đã lỡ ở trong buồng, đành phải nín thinh trong đó. Hai người nằm phía sau tấm phên lụa, Út Hạo còn non nớt nhưng phải bấm bụng chịu trận, không một chút run sợ, ông Quang thì súng ngắn trên tay sẵn sàng chiến đấu. Bà Lon, ruột gan rối bời mà miệng cứ ra rả sai bảo con cháu chạy mua thứ này thứ khác về thết đãi. Đầu óc bà Lon căng thẳng tưởng chừng bị nổ tung. Cho tới khi chúng xéo đi, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Sau giờ phút thoát hiểm,  ông Quang vỗ vai Út Hạo nói nhỏ:

- Có thử thách như vậy chú em mới biết được lòng dân. Không nói chị Lon là chị dâu của tôi và chú, gặp người khác họ cũng bình tĩnh xử lý như vậy thôi. Thế trận lòng dân là vậy đó. Có dân thì cách mạng mới thành công. Chú có biết không, cái hôm tôi về đầu tiên ấy, tôi  phải tháo lui ra nằm trong bãi mắm. Nghĩ tới hình ảnh mẹ, vợ, chị dâu run đến cứng miệng, khoát tay ra hiệu để tôi đi khỏi nhà mà ruột đau như cắt. Nhưng rồi tôi lại tin, tin mẹ, tin người thân và bà con xứ sở Nguyễn Chỉ - Kỳ Xuân này. Bởi lửa cách mạng đã được hun đúc trong họ từ thời trước Cách mạng Tháng Tám và suốt trong chín năm kháng chiến. Bà con của mình, nhân dân của mình không dễ dàng rời bỏ, cắt đứt mối quan hệ máu thịt ấy được đâu. Chú còn rất trẻ, đường đời, đường chiến đấu dài lắm. Sau này tôi sẽ đưa chú thoát ly tham gia cách mạng. Nhưng dẫu có thành tá, thành tướng thì chú cũng phải luôn thấm thía bài học về nhân dân.

***

Ông Quang công tác ở tỉnh mãi tới năm 1966 thì được điều trở lại Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Lúc ấy chiến trường Nam Tam Kỳ vô cùng ác liệt, lính Mỹ đóng ở căn cứ quân sự Chu Lai thường xuyên nống ra đánh phá dữ dội các vùng phụ cận như Kỳ Liên, Kỳ Sanh, Kỳ Khương, Kỳ Xuân... Nhưng với vai trò Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Binh vận, ông Quang nhiều lần đột nhập vùng địch hậu, kiểm tra tình hình, cài cắm nhiều đầu mối địch vận, góp phần thực hiện triệt để phương châm đánh địch bằng “3 mũi giáp công” trên chiến trường vành đai Chu Lai.

Cuối năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch xuân Mậu Thân, ông Quang cùng một số đồng chí được Huyện ủy phân công tổ chức và lãnh đạo đoàn biểu tình cánh tây quận Lý Tín.

Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, đoàn biểu tình gồm 300 người rầm rập tiến về quận lỵ Lý Tín. Đoàn cơ cấu thành 3 tốp đi liền kề nhau. Tốp 1 là lực lượng xung kích, gồm những người phụ nữ trẻ, trung kiên dẫn đầu; tốp 2 gồm một số chị em làm công tác binh vận; tốp 3 đông nhất, gồm hàng trăm người dân đi lẫn lộn với cán bộ lãnh đạo của xã Tam Mỹ và huyện Nam Tam Kỳ.

Từ thôn 8 Tam Mỹ, đoàn biểu tình do ông Nguyễn Quang chỉ huy giương cờ, gióng trống, hô vang khẩu hiệu, khí thế ngút trời. Đoàn kéo qua chân đồn Hố Giang, lính Mỹ ra đứng xếp hàng ngó xuống mà không có một phản ứng nào. 8 giờ 30 phút, đoàn biểu tình đến mội Ông Thểnh, cách lề tây đường 1 độ hơn 100m trong tiếng hô vang “Đả đảo bọn độc tài phát xít Thiệu - Kỳ”; “Quân giải phóng đã chiếm Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng anh em binh sĩ hãy bỏ súng quay về với nhân dân”. Bất ngờ, đoàn biểu biểu tình bị chặn đứng bởi hàng trăm tay súng địa phương quân, nghĩa quân quận Lý Tín. Một tên sĩ quan hô to:

- Bắn!

Hàng trăm nòng súng đủ loại thi nhau nhả đạn. Tốp xung kích, tốp binh vận vẫn bình thản đứng trong làn đạn dày đặc của địch, bởi chủ trương của ta là đấu tranh bất bạo động. Nhiều chị em xung kích và binh địch vận trúng đạn tử vong. Phía sau, dân chạy tạt vào rừng. Đội hình rối loạn. Trước giờ phút sinh tử này, ông Quang, ông Dung từ phía sau chạy xông lên phía trước, cùng chị em binh vận tiếp tục hô vang:

- Nhân dân giữ vững đội hình. Anh em binh sĩ đừng bắn vào dân.

Nhưng vô hiệu, đạn của kẻ thù vẫn vãi như mưa vào đám người trong tay không tấc sắt. Địch vừa bắn vừa xông lên vây hãm 2 tốp đầu, ông Quang, ông Dung, chị Trần Thị Thủy - Tổ trưởng tổ binh vận tạt vào mấy bụi rừng còi bên đường. Thủy biết không thể đấu tranh bằng lời lẽ được nữa, chị bảo anh Quang:

- Anh chạy đi. Bắt được anh chúng sẽ diệt ngay. 

Ông Quang kiên quyết:

- Tôi không chạy, các em chết, nhân dân chết thì tôi chết. Tôi không thể bỏ dân. 

Bọn nghĩa quân tiếp tục xông tới tách dân ra khỏi cán bộ. Chúng chụp được một cán bộ của ta, lôi ra giữa đường bắn ngã gục tại chỗ. Ông Quang đang nằm ven đường, nhảy thẳng ra trước mặt kẻ địch, vỗ mạnh tay vào bao súng ngắn:

- Chúng tôi cũng có súng đây. Nhưng, chúng tôi không bắn các anh. Tại sao các anh lại bắn chúng tôi...

Một loạt đạn cắt ngang, ông Quang ngã quỵ Không! Ông gượng dậy, hô vang “ Đả đảo bọn độc tài, phát xít Thiệu - Kỳ”. Một loạt đạn tiếp theo. Ông Quang anh dũng hy sinh.

Liền sau đó, bọn địch nhào tới đánh đá, bắt bớ, bắn giết, nhưng không thể dập tắt được tiếng hô liên hồi, vang dội của cả trăm người dân còn trụ lại.

***

Cùng với anh Nguyễn Trọng Kim, tôi về thị trấn Tam Hiệp (Núi Thành) gặp chị Trần Thị Thủy, nhân chứng của đoàn biểu tình cánh tây quận Lý Tín năm xưa. Chị kể trong rưng rưng nước mắt:

- Không hiểu tại sao lúc đó chúng tôi làm được như vậy. Tại mội Ông Thểnh, lúc 9 giờ sáng ngày mùng 2 tháng giêng năm Mậu Thân thật sự là thời khắc tranh hùng bằng lời lẽ của dân thường chúng tôi trước sự cường bạo điên cuồng của kẻ thù. Mười ba người đã ngã gục tại đó. Còn anh Nguyễn Quang đã chấp hành lệnh cấp trên triệt để, chấp hành bằng tính mạng của chính mình. Có súng, nhưng anh không nổ súng. Bởi, lệnh của trên là phải đấu tranh bất bạo động, chỉ dùng lực lượng quần chúng với lời lẽ để thuyết phục binh lính địch. Mà cũng may, anh Quang đã kìm chế được. Nếu lúc đó các anh chỉ nổ một phát súng thôi, chúng sẽ giết sạch dân. Còn nữa, trong lúc lộn xộn ấy, anh có thể chạy thoát. Nhưng không! Từ phía sau anh băng tới trước nòng súng địch. Anh quyết hy sinh vì thanh thế của cách mạng, của Đảng với câu nói: “Tôi không thể bỏ dân”.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi không thể bỏ dân (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO