Cuối tuần này, ngày 23.5, cả nước bước vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Đây là dịp cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Nhân sự kiện này, tưởng cũng nên nhắc gợi đôi điều từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi là một công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”.
Câu nói ấy phát xuất trước thềm cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946. Khi ấy cử tri nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đề xuất nguyện vọng Hồ Chủ tịch được đặc cách vào thẳng Quốc hội mà không cần qua bầu cử, và “suy tôn vĩnh viễn” làm Chủ tịch nước vì uy tín cao.
Nhưng Hồ Chủ tịch cảm ơn và nói rõ bản thân mình muốn thực hiện quyền công dân như mọi người. Người không chỉ nói mà thực hiện đi bầu cử nghiêm túc. (Có chi tiết thú vị là Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở một nhà báo định chụp ảnh Người ghi phiếu: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”).
Từ nhận thức rõ quyền công dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Công dân có nhiều nghĩa vụ và quyền lợi, trong đó quyền bầu cử Quốc hội xác lập tư cách với ý nghĩa mà Hồ Chủ tịch thấu suốt rằng “lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”.
Dĩ nhiên tâm thế của công dân lựa chọn đại biểu Quốc hội của “ngày xưa” hẳn ít nhiều khác với thời nay. Ở giai đoạn kháng chiến, mục tiêu của đại đa số công dân là chọn ra những đại biểu nhằm thực hiện cho được mục tiêu đấu tranh bảo vệ nền độc lập và thống nhất nước nhà. Còn thời nay, công dân sẽ nhắm đến việc bầu cử cho những ai có khát vọng và năng lực để thực hiện mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy nhiên, thời nào thì công dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ “lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà” như Hồ Chủ tịch từng nói. Và Người khuyên đồng bào chú ý xem “những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Lời khuyên đó vẫn luôn có giá trị không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại và tương lai, nhắc nhớ cử tri phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình.
Những ngày qua Hội đồng Bầu cử quốc gia liên tục nhắn tin qua điện thoại cho cử tri “sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân…”.
Đồng thời với việc cho công bố tiểu sử, chương trình hành động, nội dung vận động bầu cử của đại biểu lên các phương tiện thông tin đại chúng (thậm chí được chia sẻ qua mạng xã hội), cho thấy những nét mới về cách thức truyền thông bầu cử. Thông tin ứng cử viên được công khai đầy đủ, minh bạch thì việc lựa chọn của cử tri sẽ thuận lợi và chính xác hơn.
Tuy nhiên, dù có truyền thông thế nào thì thành công hay không của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp vẫn sẽ do cử tri quyết định, phụ thuộc vào ý chí và nhận thức “tôi là một công dân” khi ghi lá phiếu bầu. Vấn đề quan trọng là làm sao tránh hiện tượng “bầu mù”.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, từng làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (2003-2016), đã mô tả rằng “bầu mù là việc nhắm mắt gạch đại cho xong, không cần để ý mình đã bầu cho ai” (Tên đại biểu tôi bầu – VnExpress). Cho nên theo ông Dũng cử tri cần nhớ tên đại biểu mình bầu, vì nếu “không nhớ tên đại biểu thì khó xác lập chế độ trách nhiệm của đại biểu trước cử tri”.
Nhớ “tôi là một công dân” và bầu ai thì nhớ, thiển nghĩ cũng là cách để khắc chế tình trạng đại biểu quên lời hứa với cử tri, không liên hệ nhau về sau.