Không phải ngẫu nhiên mà chủ một nhà hàng nhỏ, nằm trầm mặc ven đường dẫn vào thủ phủ của tỉnh Sê Kông (Lào) đặt tên cho nhà hàng của mình là “Tới rồi Sê Kông!”.
Một đoạn đường chênh vênh, quanh co của đường 16 B về trung tâm tỉnh lỵ Sê kông. Ảnh: V.B.S |
“Tới rồi Sê Kông!”, có lẽ không chỉ là mốc giới dẫn đường, giới thiệu với du khách phương xa về mảnh đất hiền hòa, còn thoảng chút hoang vu, nằm bên bờ sông Sê Kông thơ mộng. Đó còn là niềm tự hào về sự phát triển không ngừng của địa phương trước đây là một trong những tỉnh nghèo nhất của nước Lào. Đó có thể cũng là lời khẳng định về thời cơ phát triển đang đến với vùng đất gập ghềnh của Nam Lào, khi mà tuyến đường 14D với cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Óc (huyện Đắc Chưng – Sê Kông) đã hiện thực hóa một điều, mà trước đó tưởng chỉ có trong những câu chuyện phiếm: sáng ăn phở Lào tại Sê Kông, trưa thưởng thức đặc sản biển miền Trung, chiều tản bộ dọc những bờ biển xinh đẹp của Quảng Nam - Đà Nẵng, tối ngắm đèn hoa lung linh bên sông Hoài phố Hội.
Tiềm năng
Sê Kông nằm ở phía đông nam của nước CHDCND Lào, giáp với các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Thừa Thiên Huế ở phía đông, với diện tích tự nhiên hơn 7,665km2 , phần lớn diện tích nằm trên cao nguyên Boloven và nằm trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, trên trục Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 được kết nối bởi tuyến quốc lộ 14B từ Quảng Nam - Đà Nẵng qua của khẩu Nam Giang - Đắc Tà Óc... nên có một vị trí hết sức thuận lợi cho sự phát triển về thương mại và kinh tế trong tương lai. Với địa hình được chia làm 3 vùng rõ rệt: vùng núi cao (chiếm khoảng 65% diện tích toàn tỉnh) ưu tiên phát triển lâm nghiệp, điện gió, điện năng lượng mặt trời, khai thác về chế biến lâm sản, chăn nuôi. Vùng cao nguyên (chiếm khoảng 30% diện tích), phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái, rau quả, thực phẩm ngắn ngày như bắp cải, hoa và các loại cây công nghiệp khác. Và vùng đồng bằng (chiếm 5% diện tích) ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, các khu dich vụ hậu cần logistics.
Ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều thắng cảnh như thác nước huyền thoại Tad Hua Khon (thác đầu người), thác Tad Hia, thác Tad Faek, hay thác Nam Tok Katamtok nổi tiếng trong sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet, nằm trong rừng nguyên sinh thuộc huyện Thà Tèng trên cao nguyên Boloven rộng lớn, cộng với sự đa dạng về văn hóa của 14 tộc người với bản sắc văn hóa đặc trưng, Sê Kông đủ điều kiện để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch mạo hiểm. Trong những năm gần đây, một số nhà đầu tư trong nước và Lào kiều về đầu tư một số khu du lịch trải nghiệm có quy mô lớn tại Sê Kông như khu vườn du lịch sinh thái Café Sinouk do một kiều bào người Lào sống ở Pháp đầu tư tại huyện Thà Tèng, hay khu du lịch trải nghiệm nghỉ dưỡng kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thà Tèng Farm Resort do một nhà đầu tư từ thủ đô Vientaine xây dựng.
Tuy tiềm năng là vậy, nhưng việc thu hút các dự án đầu tư từ nước ngoài cũng như khách du lịch của tỉnh Sê Kông còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Sê Kông, số lượng dự án FDI của tỉnh còn quá ít, chỉ tập trung trong lĩnh vực xây dựng thủy điện, trồng cây cao su, café, khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản và chăn nuôi bò thịt với khoảng 10 dự án từ các nhà đầu tư từ Việt Nam, Nga, Trung Quốc và Thái Lan. Trong lĩnh vực du lịch, mặc dù Sê Kông đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư như tạo cơ chế thuận lợi về thuế, về thuê đất cho đầu tư, phát triển dịch vụ lưu trú và nhà hàng, nhưng số lượng khách còn khá thưa. Theo thông tin từ ông Leklay Sivilay - Phó Tỉnh trưởng Sê Kông, năm 2012 tỉnh chỉ thu hút được khoảng 22.000 lượt khách du lịch và con số này tăng lên khoảng 38.000 lượt trong năm 2017, tạo ra nguồn thu cho toàn tỉnh hơn 7 triệu đô la Mỹ.
Khó khăn, thách thức
Theo ông Trần Sỹ Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh Mê Kông (một doanh nghiệp đã hoạt động tại Sê Kông từ năm 2011 trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Lạ Màm - Sê Kông), thách thức lớn nhất đó là sự thiếu hụt lao động, cả lao động có tay nghề lẫn lao động phổ thông, chậm tiếp cận với công nghệ mới và chậm thay đổi tập quán canh tác theo hướng hiện đại của người dân bản địa. Bên cạnh đó, sự chồng chéo về các quy định pháp lý giữa các bộ ngành ở trung ương và sự phối hợp giải quyết các thủ tục giữa các cơ quan nhà nước tại địa phương đã làm chậm đi quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Là một quốc gia không có biển, hoạt động ngoại thương của Lào phụ thuộc rất lớn vào các quốc gia láng giềng...
Thác nước Tad Huakhon (Thác Đầu người). |
Hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương, các địa điểm quy hoạch để phát triển dự án thu hút đầu tư tại tỉnh Sê Kông còn rất yếu và thiếu. Mặc dù các tuyến đường chính nối liền đến các cửa khẩu của Việt Nam về phía Bờ Y (Kon Tum) và Nam Giang (Quảng Nam) đã hoàn thiện, chất lượng tốt, nhưng nhiều nhánh đường dẫn từ các tuyến trục chính này đến các địa điểm đầu tư tại huyện Đắc Chưng, hoăc huyện Thà Tèng chưa được đầu tư, thậm chí còn là đường mòn dành cho xe gắn máy, xe chuyên dụng. Đây có thể cho là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đầu tư cần phải vượt qua để đạt được mục tiêu đầu tư của mình. Ngoài ra, hệ thống điện lưới, nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt chưa được đầu tư, do đặc điểm khách quan là mật độ dân cư thưa, địa hình cách trở, khó khăn cho việc kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống cung cấp nước đô thị tác động tiêu cực đến công tác thu hút đầu tư đến với vùng đất này.
Tự tin tương lai
Có lẽ việc thiếu đội ngũ làm xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, cũng như khả năng kết nối, huy động nguồn lực từ bên ngoài của địa phương còn hạn chế; việc theo đuổi các hoạt động xúc tiến đầu tư và các chính sách khuyến khích chưa thật sự thể hiện được định hướng phát triển và lĩnh vực cần xúc tiến, cũng là một nguyên nhân chủ quan cần lưu ý khiến tiềm năng phát triển tỉnh Sê Kông còn bỏ ngỏ trong nhiều năm qua - như lời tâm sự chân thành, mộc mạc của vị Phó Tỉnh trưởng Leklay Sivilay. Tuy vậy, lãnh đạo chính quyền Sê Kông và doanh nghiệp vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng việc hoàn thiện tuyến đường 16B nối với quốc lộ 14D của Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sự kết nối không những với Sê Kông mà còn toàn bộ khu vực phía nam của Lào với các cảng biển quan trọng của miền Trung Việt Nam. Qua đó đánh thức tiềm năng giàu có của khu vực cao nguyên Đắc Chưng và huyện Lạ Màm, kết nối sự thông suốt giữa cao nguyên Boloven, Đắc Chưng với đầu ra là cảng biển tại Đà Nẵng. Sự lạc quan này có cơ sở khoa học chứ không phải là dựa trên cảm tính của lãnh đạo tỉnh Sê Kông.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản - JETRO tại Băng Cốc (Thái Lan), tuyến 16B rất thuận lợi cho vận tải bằng xe tải vì điều kiện địa hình, thời gian vận chuyển sẽ giảm đi rất đáng kể so với các tuyến khác. Với sự hình thành của tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, tuyến đường này sẽ giúp Sê Kông và toàn bộ khu vực Nam Lào hình thành một hành lang kinh tế mới, sẽ có chức năng thúc đẩy sự liên kết thương mại, kinh tế, đầu tư trong toàn khu vực, qua đó tăng tốc sự phát triển kinh tế trong toàn tuyến, và tất nhiên sẽ thúc đẩy sự phát triển của Sê Kông tiến xa hơn.
Được ví von như nàng công chúa ngủ trong rừng, Sê Kông đang đợi chàng hoàng tử đến đánh thức giấc ngủ trăm năm. Một khi con đường đến khu rừng ấy được thông thoáng, rộng mở với những rào cản được xóa bỏ, nàng công chúa Sê Kông sẽ tỉnh giấc và khoác lên mình bộ cánh mới, diện mạo mới, tràn đầy sinh lực phát triển. Để có thể hiện thực ước vọng ấy, trong năm 2018, tỉnh Sê Kông đã quyết định thành lập Ban Xúc tiến đầu tư do Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông làm trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn của tỉnh và giao Sở Kế hoạch đầu tư Sê Kông là cơ quan thường trực. Theo kế hoạch đã thống nhất giữa lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, giữa năm 2018 hai địa phương sẽ chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP.Hội An để kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào Sê Kông.
Đã tới rồi Sê Kông - thời cơ và vận hội mới!
VĂN BÁ SƠN