(QNO) - Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 bầu cử ĐBQH khóa XIV do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (17.3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài Đảng ở địa phương. Ngoài ra sẽ có những người ngoài Đảng tự ứng cử, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ sung…
Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai là một trong những nội dung rất quan trọng của quá trình chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ thảo luận để lập danh sách sơ bộ những người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đáp ứng các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và cho ý kiến về công tác tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia |
“Kết quả của Hội nghị sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phản ánh đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Hội nghị liên quan đến nội dung: tăng số lượng các dân tộc thiểu số có người được ứng cử đại biểu Quốc hội; tăng tỷ lệ người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo bảo đảm tỷ lệ nữ; phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần tôn giáo ở các địa phương; giảm đại biểu khối hành pháp; quan tâm tăng số đại biểu Quốc hội đại diện cho lĩnh vực kinh tế.
Ngày 23/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có văn bản phúc đáp các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt. Theo đó Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu một số nội dung như: trong số lượng dân tộc các dân tộc thiểu số dự kiến được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có 2 dân tộc mới là Brâu và Chứt, đều là những dân tộc mà một số khóa Quốc hội gần đây không có đại biểu.
Phân bổ 35 người ngoài Đảng tham gia Quốc hội khóa XIV
“Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài Đảng ở địa phương. Đây là con số tối thiểu dự kiến trên cơ sở cân nhắc, tính toán kết hợp với cơ cấu định hướng và cơ cấu hướng dẫn. Ngoài ra sẽ có những người ngoài đảng tự ứng cử, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ sung ở các Hội nghị hiệp thương tiếp theo”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan và các địa phương trong công tác bầu cử phấn đấu đạt tỷ lệ phụ nữ trúng cử không dưới 30% như đề nghị; điều chỉnh 1 cơ cấu Tôn giáo cho phù hợp, đưa đại biểu Quốc hội dự kiến đại diện Tôn giáo Cao Đài từ tỉnh An Giang về tỉnh Kiên Giang, đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ 1 đại biểu Phật giáo cho thành phố Hà Nội theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, trong số cơ cấu đại biểu của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
“Ở địa phương, khối Quân đội, Công an đã giảm 3 đại biểu so với khóa XIII. Điều chỉnh tăng 1 đại biểu ở khối doanh nghiệp, ngoài ra đã phân bổ 04 cơ cấu cho các Hiệp hội, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sẽ còn có những đại biểu tự ứng cử là doanh nghiệp, nếu trúng cử thì cũng sẽ làm tăng số lượng đại biểu là doanh nghiệp trong Quốc hội khóa XIV… Như vậy, hầu hết kiến nghị của Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được tiếp thu”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Căn cứ vào kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, từ ngày 24/2 đến ngày 10/3, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội đã tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội theo trình tự, thủ tục và thời gian bảo đảm quy định.
Đến hết ngày 13/3, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã hoàn tất việc gửi Biên bản giới thiệu người ứng cử, Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và Biên bản Hội nghị Ban lãnh đạo mở rộng của 197 người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của 197 người được giới thiệu ứng cử ở Trung ương đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đúng quy định.
Theo VOV