(VHQN) - Nguyên liệu cho phát triển xanh luôn hiện hữu xung quanh. Chỉ là cách tiếp cận có đủ mới mẻ, khác biệt để nâng tầm giá trị nguồn tài nguyên bản địa này.
Phát triển xanh nói chung và du lịch xanh nói riêng đang được đề cập rất nhiều ở Quảng Nam thời gian qua. Với một vùng đất đậm “hơi thở” di sản như Quảng Nam thì nhiều vùng nguyên liệu bản địa có triển vọng lớn tạo ra giá trị tăng thêm nếu xây dựng được câu chuyện hoặc lồng ghép chiến lược phát triển hợp lý.
Nói hợp lý là bởi chưa chắc một số sản phẩm tạo ra hiệu ứng tốt trước mắt có thể duy trì lợi ích bền lâu. “Bản địa” là cụm từ được khuếch trương rộng rãi trong chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Vài năm qua, đã có hàng trăm sản phẩm OCOP Quảng Nam ra đời được công nhận, xếp hạng sao. Nhưng đâu đó vẫn còn nốt trầm. Lượm lặt câu chuyện nhỏ từ nước mắm, khá nhiều sản phẩm OCOP Quảng Nam là nước mắm, liệu đến khi phải cân nhắc chọn một hoặc một vài trong số đó tham gia gian hàng triển lãm quốc gia hoặc khu vực thì có nổi bật được hay không?
Ngoài việc chật vật trong thương mại hóa, có vẻ phần lớn sản phẩm OCOP Quảng Nam chưa sẵn sàng tiếp cận thị trường có sự chọn lọc cao hơn là… du lịch và xa hơn nữa là du lịch xanh, bởi hàm lượng giá trị bản địa chưa đủ sâu, hấp dẫn.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: “Chẳng hạn ở loại hình du lịch nông nghiệp, bản thân tôi vẫn muốn định vị chính xác, đầy đủ hơn bằng cụm từ du lịch “nương tựa vào” nông nghiệp. Chứ nếu chỉ đơn thuần lấy sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho du lịch thì qua thời gian sẽ vô hình bào mòn các giá trị của nền nông nghiệp bản địa”.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Không chỉ với ruộng đồng, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa khai thác tài nguyên bản địa. Đơn cử như Quảng Nam đang hướng đến việc trở thành tỉnh đầu tiên kinh doanh chứng chỉ carbon rừng. Muốn làm được điều này thì trước hết phải giữ được rừng. Một phần kinh phí việc bán được chứng chỉ carbon sẽ được tái đầu tư tiếp tục phát triển rừng”.
Như một vòng tuần hoàn, phát triển xanh tạo ra giá trị tăng thêm cho tài nguyên bản địa và góp phần tái tạo tài nguyên bản địa. “Chìa khóa” mở ra con đường tổng thể cho phát triển xanh còn phụ thuộc quyết sách, chiến lược vĩ mô. Nhưng lối mở thú vị cho phát triển xanh có thể tiềm ẩn xung quanh hệ sinh thái ở từng khu vực, mà một trong những giải pháp có thể đến từ việc tối ưu hóa khai thác tài nguyên bản địa.