Tôm nuôi chết hàng loạt

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/03/2017 08:32

Vụ 1 nuôi tôm nước lợ diễn ra trên địa bàn tỉnh được hơn một tháng nay thì tôm nuôi chết hàng loạt khiến các nông hộ bất an, thua lỗ.

Hoang mang

Xã Tam Thăng là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi tôm nước lợ của TP.Tam Kỳ. Vậy nhưng, 2 vùng nuôi tôm của xã này lại vắng ngắt vào thời điểm này dù vụ 1 nuôi tôm đã chính thức bắt đầu từ ngày 1.2 vừa qua. Ông Nguyễn Như ở thôn Kim Thành có 3 ao nuôi tôm với tổng diện tích 8 sào, hai năm qua mất mùa tôm liên tục. Vụ này, ông đang tiến hành hút nước dọn dẹp bờ thửa để chuẩn bị diệt tạp để thả giống vụ mới. “Chúng tôi cầm cự nuôi tôm nhưng 2 năm nay đều thất bại. Tôm nuôi được cỡ một tháng thì ngoi ngóp trồi lên mặt nước, xử lý cách chi cũng không được. Cứ hy vọng vụ sau vớt vát vụ trước, nhưng nợ nần nặng nề thêm” - ông Như nói.

Tôm nuôi bị chết khiến người nuôi thẫn thờ. Ảnh: N.Q.V
Tôm nuôi bị chết khiến người nuôi thẫn thờ. Ảnh: N.Q.V

Theo ông Mai Huy Chương, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Thăng, toàn xã có tổng cộng 71,3ha diện tích nuôi tôm, với 200 hộ nông dân tham gia. Tại thôn Kim Thành, đã có 15ha diện tích nuôi tôm trước lịch mùa vụ bị chết. Các nông hộ cải tạo lại ao nuôi rồi thả đúng lịch vào ngày 1.2 theo khuyến cáo của ngành chức năng nhưng cũng bị bệnh rồi chết. Đến nay, có vài hộ “liều lĩnh” lại nuôi tôm tiếp trên 5ha diện tích. Tại thôn Kim Đới, 20ha diện tích nuôi tôm trước lịch mùa vụ đều chết nổi trắng đồng tôm. “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm chủ động sản xuất bằng cách nhận thấy có thể nuôi được tôm thì chọn tôm thẻ chân trắng thả giống. Còn nếu điều kiện nuôi kém quá thì có thể chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản mới như cua, cá dìa, cá chẻm. Chúng tôi biết rất khó nuôi thủy sản thành công còn nông hộ thì chính họ quyết định vụ sản xuất của mình bằng cách đầu tư có chọn lọc” - ông Chương nói.

Tại thôn Đông Tác (xã Bình Nam, Thăng Bình), người dân không còn dám “đánh bạc” với con tôm nữa. Nhiều người quyết định nghỉ nuôi tôm hoặc nương theo thời tiết để sản xuất, bỏ qua lịch thời vụ như trước đây.  “Vụ nào cũng vậy thôi, cứ nuôi là thất bại, chừ nông dân biết sợ rồi” - ông Phạm Khả đã nghỉ nuôi tôm từ đầu năm 2017 nói. Ở thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam), một nhóm nông dân tập trung cải tạo ao nuôi để chuẩn bị thả tôm giống. “Các hộ nuôi tôm bắt đầu thả giống từ đầu tháng 2 đến nay thì tôm nuôi đều chết hết. Tôi thấy thời tiết nắng ấm trở lại và ít hộ nuôi nên quyết định thả lứa mới” - ông Trần Ngọc Tý ở thôn này nói. Về lịch mùa vụ, ông Tý nói không thiết thực vì nhiều hộ thả tôm đúng lịch nhưng tôm bị chết rất nhiều. “Lịch mùa vụ không hạn chế được thất thường của thời tiết” - ông Tý nói thêm.

Khó kiểm soát

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ được triển khai trên địa bàn tỉnh là 580ha, đạt 19% kế hoạch, trong đó nuôi tôm ở vùng triều là 395ha, còn lại là nuôi tôm trên cát. Sau khi nhận thông tin có nhiều diện tích nuôi tôm bị chết, Chi cục Chăn nuôi & thú y đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành thu mẫu, xét nghiệm bệnh. Ngành chức năng đã xác định diện tích tôm nuôi bị bệnh chết là 1,91ha, trong đó có 1,79ha diện tích có tôm nuôi bị chết do bệnh hoại tử gan tụy còn lại là 0,12ha diện tích tôm nuôi bị chết vì bệnh đốm trắng. Ngoài ra, rải rác các diện tích khác có tôm nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, toàn xã có 40ha diện tích nuôi tôm dọc theo sông Trường Giang qua địa bàn. Có nhiều diện tích nuôi tôm bị chết, chủ yếu là do nuôi trước lịch mùa vụ và chưa thể thống kê cụ thể. “Tôm nuôi chết rải rác từ đầu năm 2017 đến nay. Hiện tại, không biết rõ là tôm chết do nguyên nhân nào, bị bệnh gì. Nhiều hộ dân xả thải nguồn nước nuôi tôm bị bệnh ra bên ngoài nên có thể lây bệnh khiến tôm nuôi ở các ao bên cạnh chết theo” - ông Cảnh nói. Còn theo ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, diện tích nuôi tôm trên địa bàn chưa bao giờ được khai thác tối đa. Vì vụ nuôi nào cũng có nhiều diện tích tôm nuôi bị chết. Năm 2015, toàn xã chỉ có 15ha diện tích nuôi tôm, năm 2016 có khá hơn nhưng cũng chỉ có gần 30ha. “Điều quan trọng là con tôm thẻ chân trắng đang có giá trị, giá bán rất cao nhưng bà con nông dân không thể tận dụng diện tích hiện có để nuôi thành công. Bên cạnh yếu tố thời tiết bất lợi, hạn chế về nguồn giống sạch cũng là nguyên nhân đáng kể gây ra thực trạng trên” - ông Thắng nói.

Hiện nay, hạ tầng vùng nuôi tôm quá sơ sài, không có đường giao thông, không có kênh cấp, thoát nước, không có nguồn nước thuận lợi, thậm chí ngành chức năng không cho người dân bắt điện để phục vụ sản xuất là những bất cập không thể kiện toàn trong ngày một ngày hai. Ngoài ra, trước mỗi vụ nuôi, ngành thủy sản của TP.Tam Kỳ kết hợp với Chi cục Thủy sản Quảng Nam tập huấn, khuyến cáo người nuôi thả giống tôm đúng lịch nhưng người dân bỏ qua khâu này. “Các vùng nuôi tôm của Tam Kỳ bị kẹp giữa 2 huyện Núi Thành và Thăng Bình. Ở 2 khu vực đó nuôi tôm trên cát quanh năm, xả thải trực tiếp ra sông Trường Giang khiến cho nguồn nước ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn. Vì nguồn nước không thể xử lý tốt nên hầu hết tôm nuôi đều chết do không thích ứng được. Chúng tôi biết vậy nhưng không thể yêu cầu người nuôi dừng thả tôm để hạn chế thiệt hại” - ông Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), thời tiết hiện nay đã nắng nhiều nhưng dao động nhiệt giữa ngày với đêm vẫn còn biên độ lớn, bệnh trên tôm nuôi dễ phát triển. Trong khi đó, các mẫu kiểm tra nước tại các ao nuôi tôm ở khắp 6 huyện, thị xã, thành phố nuôi tôm đều cho thấy vi khuẩn Vibrio có mặt hầu khắp, rất dễ khiến tôm nuôi bị “đột quỵ”, nhất là các bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đường ruột. “Để xử lý vi khuẩn gây bệnh và khí độc, nông hộ nên định kỳ diệt khuẩn 2 lần/tháng, bổ sung probiotic, men vi sinh, bổ sung nguồn cacbon để hồi phục hệ vi sinh có lợi. Đặc biệt, các hộ nuôi không được lấy nước trực tiếp từ bên ngoài cho vào ao nuôi, cần lắng lọc, xử lý trước, kiểm soát mật độ tảo” - ông Trường nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôm nuôi chết hàng loạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO