Nhiều diện tích nuôi tôm nước lợ tại các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh đã bị chết hàng loạt trong những ngày qua. Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi quản lý tốt ao nuôi để hạn chế thiệt hại.
Thu hoạch sớm khi tôm nuôi bị bệnh. Ảnh: QUANG VIỆT |
Bệnh đốm trắng gây hại
Nhiều hộ nuôi tôm tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) rầu lòng vì tôm nuôi bị chết trong những ngày qua. “Tôm nuôi gần 3 tháng tuổi đột nhiên trồi lên mặt nước vật vờ rồi dạt vào bờ chết. Trong thời gian qua, gia đình vẫn đều đặn quản lý kỹ môi trường ao nuôi nhưng không biết vì sao tôm lại bị chết “sốc” như vậy” - ông Mai Văn Trưởng (thôn Phú Quý, xã Tam Phú) nói. Đầu tháng 3, gia đình ông Trưởng thả nuôi 1 triệu tôm giống tại 5 ao nuôi có tổng diện tích 1ha tại vùng triều ven sông Trường Giang đoạn qua thôn Phú Quý. Trước khi thả tôm giống, gia đình đã cải tạo ao nuôi kỹ càng bằng cách phơi nắng trong 10 ngày để diệt tạp. Nguồn nước ao nuôi cũng đã được gây màu và đảm bảo độ kiềm, độ pH ở mức phù hợp. Tôm nuôi phát triển tốt suốt một thời gian dài rồi đột nhiên chết. Thiệt hại của gia đình ông Trưởng ở vụ nuôi này là hơn 50 triệu đồng. Còn ông Lê Văn Khoa, chủ hộ nuôi tôm trên 5.000m2 ở thôn Phú Ngọc thì cho biết: “Mẫu nước được lấy từ ao nuôi của chúng tôi đem đi xét nghiệm đã cho thấy tôm nuôi bị chết vì bệnh đốm trắng. Vậy là tất cả 5 ao nuôi đều phải được khử sạch bằng chlorin. Do vụ nuôi kết thúc mà chưa thu hoạch được gì nên gia đình bị thiệt hại cả trăm triệu đồng đầu tư từ đầu vụ”. Ông Nguyễn Quang Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho biết, diện tích tôm nuôi bị chết trên địa bàn xã Tam Phú đến thời điểm này là 35ha.
Trong số 73ha nuôi tôm được thả nuôi tại vùng triều, đến thời điểm này, TP.Tam Kỳ đã có đến 43ha tôm nuôi bị chết. Ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ khẳng định, tôm nuôi bị chết là do bệnh đốm trắng. “Sau khi phân tích, các mẫu nuôi đều dương tính với vi rút đốm trắng. Bệnh này rất khó kiểm soát do chưa có thuốc đặc trị mà lại lây lan nhanh” - ông Cưu nói. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, trong số 810ha nuôi tôm ở vùng triều từ đầu vụ đến nay đã có đến 67,5ha bị chết. Nguyên nhân là thời tiết biến động thất thường. Cùng với đó là môi trường nước sông ngày càng bị nhiễm bẩn trong khi người dân lại không xử lý tốt trong quá trình nuôi.
Quản lý tốt ao nuôi
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cảnh báo, vi khuẩn Vibrio xuất hiện ở hầu hết các mẫu nước ao nuôi được kiểm tra trong thời gian gần đây. Nắng nóng hiện nay kết hợp với ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio phát triển gây bệnh cho tôm, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy. Khi bệnh này xảy ra thì rất khó chữa do bệnh cấp tính mà tôm lại bỏ ăn nên khó đưa kháng sinh vào. “Các nông hộ cần để ý quan sát kỹ các phản ứng của tôm nuôi cũng như màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm để biết được sức khỏe của chúng mà có biện pháp xử lý kịp thời. Khi thời tiết thay đổi, người dân nên cho tôm ăn bằng 70 - 80% lượng thức ăn đã định để tránh dư thừa gây ô nhiễm nước. Ở những ao nuôi có mật độ tôm nuôi cao cần tăng cường chạy máy quạt nước, đồng thời bổ sung các loại vitamin, men vi sinh, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi” - bà Yến nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật - nghiệp vụ (Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam), bệnh trên tôm nuôi dễ xảy ra ở các vùng nuôi có môi trường ao xấu như đáy ao bẩn, vùng có phèn, ô xy hòa tan thấp, màu nước ao không ổn định. Bởi vậy, cán bộ phụ trách thủy sản ở các vùng nuôi này cần tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện tôm nuôi bị bệnh, giúp các nông hộ ứng phó kịp thời. “Các hộ nuôi tôm cần giữ mực nước ao nuôi từ 1,2 - 1,5m và cung cấp ô xy đầy đủ cho tôm để hạn chế tình trạng nhiệt độ nước tăng và biến động đột ngột trong ngày. Đối với những ao có hiện tượng tảo phát triển mạnh cần thay nước để hạn chế sự phát triển của tảo trong môi trường ao nuôi. Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần sử dụng kháng sinh đã được kiểm định trộn vào thức ăn cho tôm ăn liên tục từ 3 - 5 ngày để trị bệnh. Trường hợp tôm nuôi mắc bệnh nguy hiểm, chủ hộ nuôi phải xử lý chlorin trước khi xả ra môi trường bên ngoài nhằm tránh lây lan thành dịch bệnh” - ông Trường nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT