Cuộc họp giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc Sở VH-TT&DL do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì vừa qua chưa thể đưa ra biện pháp xử lý với từng dự án cụ thể. Nhiều dự án dang dở kéo dài hàng chục năm vẫn còn treo trên các báo cáo đầu tư bởi thiếu quá nhiều thủ tục pháp lý.
Nhiều dự án chưa thể xử lý
Dự án tu bổ tôn tạo di tích Lai Viễn Kiều kéo dài thời gian thi công gần 10 năm (2003 - 2012) với tổng mức đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng, khối lượng thực hiện 12,07 tỷ đồng và đã giải ngân 11,03 tỷ đồng (vốn cấp) vẫn chưa thể quyết toán.
Công trình chuyển qua nhiều thời kỳ lãnh đạo và tên chủ đầu tư cũng thay đổi, đang được kiểm toán, nhưng còn thiếu quá nhiều hồ sơ pháp lý. Cụ thể, chưa có biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, không có quyết định chỉ định thầu và hồ sơ quyết toán A - B các gói thầu tư vấn, thiếu chữ ký của đơn vị tư vấn giám sát.
Ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam nói dự án đã qua 3 đời chủ đầu tư (người nghỉ hưu, người mất, người chuyển công tác). Ban quản lý kế thừa, nhưng không còn chức năng quản lý đầu tư. Cán bộ kỹ thuật lần lượt ra đi. Cho dù vẫn lo quyết toán, nhưng thiếu cán bộ hỗ trợ kỹ thuật; nhà thầu, tư vấn hoặc không hợp tác hoặc đã không còn tồn tại (giải thể hoặc chết) nên không thể thực hiện được.
Không chỉ Lai Viễn Kiều, 21 dự án, công trình còn lại của Sở VH-TT&DL kéo dài, có dự án đã hàng chục năm nay lâm vào tình trạng dở dang hoặc chưa thể xử lý. Từ các dự án như bảo tồn phát huy giá trị nhóm tháp Chăm (2005 - 2011), nhà bia di tích căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam (2015 - 2016), Bảo tàng tỉnh Quảng Nam (1997 - 2016), tôn tạo cơ sở hạ tầng khu phố cổ Hội An (2000 - 2014) đến tuyến đường ĐH8 vào Khu di tích Hòn Tàu, tu bổ, nâng cấp khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công… vẫn còn treo trên các báo cáo đầu tư!
Theo Sở VH-TT&DL, tất cả dự án, công trình này đều thiếu hồ sơ nghiệm thu, quyết toán, các quyết định chỉ định thầu, báo cáo tư vấn giám sát… nên không thể hoàn chỉnh hồ sơ để quyết toán. Không thể quyết toán thì chuyện thu hồi nợ tạm ứng, nợ thanh toán vượt giá trị quyết toán và việc thu hồi nợ do sai phạm theo kết luận thanh tra lại càng gian nan, dường như bất khả thi. Thống kê còn đến hơn 3 tỷ đồng (số tiền kéo dài nhiều năm) không biết khi nào có thể thu hồi vào ngân sách nhà nước?
Giải pháp tình thế
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói ông khá bất ngờ về những dự án dang dở, dù nhỏ nhưng cái nào cũng vướng, mệt mỏi chờ quyết toán, nhưng không biết cách nào xử lý. Sở VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh cho phép nghiệm thu các hạng mục chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng, lập hồ sơ quyết toán A – B chi phí xây lắp được bỏ qua chữ ký xác nhận đơn vị giám sát.
Các quyết toán công trình bỏ qua việc phục hồi các quyết định chỉ định thầu, báo cáo tư vấn giám sát, biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành, hồ sơ thiết kế bổ sung các hạng mục phát sinh và các chi phí tư vấn.
Riêng các khoản nợ tạm ứng, nợ vượt có thể ủy quyền chủ đầu tư thu hộ số tiền còn nợ ngân sách từ khối lượng của các công trình khác mà nhà thầu đang thi công. Hoặc giảm trừ số tiền thu hồi do sai phạm trong giá trị đề nghị quyết toán khi Sở Tài chính kiểm tra phê duyệt quyết toán hoàn thành vì không ít dự án chủ đầu tư còn nợ khối lượng các nhà thầu.
Đứng trước bài toán không dễ có lời giải đáp này, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay tất cả dự án tồn đọng, khó quyết toán đã xử lý xong theo chương trình của Bộ Tài chính từ mấy năm trước. Không hiểu vì sao Sở VH-TT&DL không tổng hợp vào để xử lý. Hiện Quảng Nam đã báo cáo với Trung ương hết dự án tồn đọng rồi. Chưa biết xử lý thế nào với các dự án này.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói thủ tục lẫn tài chính đều không quyết toán được. Tất cả dự án đều phải tuân theo trình tự, nhưng dự án thực hiện quá lâu, chưa nghiệm thu, các bước thủ tục trước chưa làm thì không thể khắc phục được.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, vẫn còn một giải pháp tình thế. Đó là UBND tỉnh cho phép gia hạn tiến độ dự án đã nghiệm thu, điều chỉnh đúng hiện trạng công trình, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thì mới có thể thực hiện được. Việc kéo dài thời gian dự án không được phát sinh khối lượng, chỉ được bổ sung hồ sơ, bảo đảm thủ tục trình tự quyết toán mà thôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng Sở VH-TT&DL đã bỏ qua cơ hội vàng để xử lý các hồ sơ, dự án tồn đọng, song không thể không xử lý. Ông Tân thống nhất với các ý kiến cho rằng khi quyết toán, thủ tục hồ sơ nào bỏ qua được thì bỏ qua, đơn giản hơn.
UBND tỉnh đồng ý cho gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện dự án để bổ túc hồ sơ, điều chỉnh dự án (không được vượt tổng mức đầu tư). Các dự án có khối lượng chưa hoàn thành thì sẽ phải dừng dứt điểm để làm thủ tục nghiệm thu chuyên ngành.
Chính quyền không thể quyết định việc xóa, hủy nợ, nên tiếp tục thu hồi nợ. Công khai trên báo, đài, hệ thống đấu thầu quốc gia những doanh nghiệp chây ì trả nợ, kèm theo việc không cho phép các doanh nghiệp này tham gia đấu thầu bất cứ dự án nào mới tại địa phương.