Thường dân là người dân sống cuộc đời bình thường, hay ở vị trí xã hội từ “thường thường bậc trung trở xuống”? Họ, như bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long mô tả “khi là cây mác cây chông/ khi thành biển cả khi không là gì” - tác phẩm đạt giải báo Văn nghệ Trẻ cách đây hơn 15 năm. Họ, mang theo điều ước giản dị “chỉ mong ấm áo no cơm/ chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành”.
Nhưng thực tế thường dân chỉ có thể sống bình thường trong xã hội bình thường, không lệch chuẩn loạn giá trị, không nổi chìm ồn ào bán mua và đặc biệt được sống trong môi trường an toàn. Ngược lại, thường dân là đối tượng dễ tổn thương nhất do những biến động xã hội, từ điều vi mô thường thấy đến cả những chính sách tác động nhiều mặt trong cuộc sống.
Thường thấy như việc đi đường bị “lưới” BOT vây bủa, cứ chạy trên quốc lộ chừng 70 cây số lại phải mua đường. Rồi giá xăng lại tăng. Lộ phí, tiền xăng cũng tính hết vào túi người dân đi đường đấy thôi. Thêm nữa, ra đường như ra trận vì mất an toàn giao thông, mỗi ngày thương vong gần một trung đội. Con đường đi lại làm ăn hay du lịch là vậy, còn “con đường tâm linh” dẫn vào chùa lại gặp “BOT chùa” với vô số hòm công đức, hoặc phải mua vé tham quan, cúng dường đủ dạng…
Thường dân là phụ nữ và trẻ em còn nhiều vùng bị nạn bạo hành, xâm hại, hoặc bị buôn bán người. Tiếng cười trẻ thơ trong học đường bị vùi dập bởi một số người rao giảng về đạo đức nhưng bộ mặt thực là kẻ dâm ô, thủ ác. Cho nên “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” phát động vào dịp 8.3 này là chuyện cần làm, còn vào dịp khác nữa thì sao? Không thể chỉ một năm mà cần đến một đời, muôn đời, việc bảo vệ an toàn cho những đối tượng dễ bị tổn thương ấy phải là mục tiêu của cộng đồng xã hội.
Thường dân là nông dân lặn lội với ruộng đồng đang ngập trong nỗi lo hàng nông sản thực phẩm ế ẩm vì nghẽn dòng xuất khẩu. Gạo rớt giá. Heo gà mất giá vì bệnh dịch. Nguy kịch với dự báo nắng hạn ngày càng gay gắt dữ dội. Đất Tây Nguyên sẽ khô cằn nứt nẻ, tiêu chết, cà phê cháy khát là rầu thúi ruột còn hơi đâu, sức đâu mà ngửa mặt lên trời than “tiền nhiều để làm gì?” như người giàu tựa ông vua. Phía biển, ngư dân cũng dễ chào thua với những rào cản kỹ thuật mới quy định về tiêu chuẩn hàng thủy sản xuất khẩu ngày càng khó. Lại có cơ quan đưa ra dự thảo quy định tiêu chuẩn gây hoang mang về hàng nước mắm truyền thống. Cơn sóng gió về chuyện thạch tín trước đây chưa đủ kinh hoàng sao mà bây giờ còn muốn xới xáo lại cho những làng nghề nước mắm chao đảo?
Kể dăm điều như vậy thấy thường dân như phận cây cỏ, mà “ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi”. Biển cỏ mênh mông ấy làm nền cho xã hội, và một số ít người giàu có trỗi lên nhờ biết tận dụng sức lao động của số đông, rồi có ngoảnh mặt để nhìn? Dân thường thì không chức tước, địa vị như kẻ làm quan nên đâu thể ban hành chính sách. Nhưng họ thường chịu nhiều tác động của chính sách. Giá xăng, giá điện tăng lên là ngay lập tức thấy bát cơm thường dân bị ảnh hưởng. Hạt gạo, miếng thịt cũng phấp phỏng lo âu nên dãi dầu toan tính. Con cái mới sinh mà thiếu vắc xin chen chúc đi tiêm; rồi đi học lại sợ bạo hành, xâm hại và nai lưng chịu thử nghiệm nhiều lần cải cách chương trình giảng dạy, thi cử… Đối tượng dễ bị tổn thương, thường dân là dễ thấy, thấy thường ngày.
Quả là “chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân” bởi sự hiện diện đông đảo và rất nhiều câu chuyện dính líu đến họ. Vậy nên, chỉ mong sao những chính sách vì an sinh xã hội nhiều thêm và thực sự đi vào cuộc sống. Giới tinh hoa, người giàu có, kẻ làm quan, thảy đều cần nhìn vào đời sống dân thường mà soi chiếu, đề xuất các chương trình phát triển bền vững.
NGUYỄN ĐIỆN NAM