Với nhận xét mới nhất của Viện Sử học về Trương Công Hy, việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia lăng mộ nhân vật lịch sử này đã hội đủ điều kiện. Nhưng quan trọng hơn, đã đến lúc nhìn nhận lại một danh thần triều Tây Sơn mà chính sử bỏ sót…
Ngôi mộ cụ Trương Công Hy. Ảnh: T.Đ.T |
Công đức Lưỡng bộ Thượng thư
Khu lăng mộ cụ Trương Công Hy ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng (nay là Điện Thắng Trung) cùng với 18 di tích lịch sử khác ở Điện Bàn đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định bảo vệ di tích từ tháng 8.1997, sau khi huyện Điện Bàn tiến hành kiểm kê. Đến tháng 2.2005, khu lăng mộ này chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh ký bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong năm 2011, Sở VH-TT&DL tiếp tục xúc tiến các thủ tục đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia. Đến tháng 9.2012, Viện Sử học cũng chính thức có văn bản nhận xét về nhân vật lịch sử Trương Công Hy do PGS-TS. Nguyễn Văn Nhật, viện trưởng, ký.
Phải mất 13 tháng kể từ ngày Sở VH-TT&DL gửi công văn đề nghị (ngày 23.8.2011), Viện Sử học mới phúc đáp. Điều đó cho thấy sự thận trọng cần thiết khi đánh giá một danh thần có mối quan hệ với cả triều Tây Sơn lẫn triều Nguyễn. Chỉ riêng hiện trạng di tích lăng mộ cụ Trương Công Hy còn nguyên vẹn sau nhiều biến động giữa 2 triều đại này, được người dân địa phương hương khói… càng hé lộ nhiều chi tiết thú vị về Trương Công Hy.
Hình ảnh cụ Trương Công Hy trên bìa sách “Người con xứ Quảng”. Ảnh tư liệu |
Cụ Trương Công Hy (1727-1800) người làng Thanh Quýt, đỗ Nhiêu học, Hương cống dưới triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Khi ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) dựng cờ khởi nghĩa, một bộ phận lớn tôn thất, quý tộc, quan lại của chúa Nguyễn chạy vào Gia Định theo Nguyễn Ánh nhưng Trương Công Hy không theo nhóm này mà ra phụng sự vương triều Tây Sơn. Bắt đầu với chức Tri phủ Điện Bàn, ông bắt tay vào chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền cấp xã, thôn, tổ chức khẩn hoang, khuyến khích nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời cho mở trường dạy học ở xã, huyện. Sau khi thôi chức Tri phủ Điện Bàn (năm 1786), Trương Công Hy được giao giữ chức Khâm sai trấn Quảng Nam (thuộc phạm vi quản lý của Nguyễn Huệ). Ông cùng các quan lại địa phương triển khai các hoạt động kinh tế, xây dựng lực lượng phòng thủ để sẵn sàng đối phó với quân của Nguyễn Ánh.
Dưới triều Quang Trung, Trương Công Hy được giao giữ chức Hình bộ Thượng thư. Năm 1798, khi đã 72 tuổi, ông xin về trí sĩ, được vua Cảnh Thịnh thăng chức Binh bộ Thượng thư, tước Thùy Ân hầu. Hai năm sau, cụ mất tại quê nhà. Viện Sử học nhận xét, cụ Trương Công Hy “có nhiều đóng góp với triều đại Tây Sơn trong việc chấn chỉnh, tổ chức giáo dục khoa cử, biên soạn luật lệ, tiến cử người tài ra giúp nước”. Sinh thời, nhờ công giúp rập vương triều mà cụ Trương được nhà Tây Sơn cấp lộc điền 500 mẫu ruộng. Số ruộng này ông phân phát cho dân địa phương canh tác. Hiện nay, dòng họ Trương còn giữ được nhiều văn bản về ruộng đất mà nhà Tây Sơn ban cấp (gồm 40 văn bản bằng chữ Hán, niên đại từ Thái Đức đến Cảnh Thịnh). Cũng theo đánh giá của Viện Sử học, “đây là một minh chứng xác nhận vai trò to lớn của Trương Công Hy đối với triều đại Tây Sơn”.
Vị quan giữa lòng dân
Nhưng điều đặc biệt, ngoài chuyện lăng mộ không bị khai quật hay xâm hại (vốn diễn ra khốc liệt khi Gia Long lên ngôi, ân đền oán trả với triều Tây Sơn), cụ Trương Công Hy còn được nhân dân ngưỡng mộ như một vị quan nổi tiếng thanh liêm. Trên thực tế, do biến động của giai đoạn lịch sử này, tài liệu liên quan đến ông còn rất ít, do đó việc tìm hiểu thân thế sự nghiệp của ông cũng khó khăn. Nhưng dẫu sao, những gì được lịch sử ghi nhận và tài liệu mà con cháu dòng họ lưu giữ cho thấy Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy thuộc về đời thứ 7 của dòng họ Trương Công khá vinh hiển, bởi trước ông có nhiều vị tổ cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng từ thời nhà Trần, Hậu Lê. Tài liệu của hậu duệ cụ Trương cho thấy, dòng họ này có các vị hiển đạt như ngài tiền hiền Trương Công Trung (Đặc tấn Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ), Trương Công Lễ (Đặc tấn Kim tử Thận lộc đại phu, đời thứ 3), Trương Công Yên (Đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, đời thứ 5), Trương Công Kỳ (Nội bộ toàn nhị thuyền Ngũ trưởng Tân đức bá, đời thứ 6, tức cha cụ Trương Công Hy)…
Trùng tu mộ cụ Trương Công Hy năm 2010. Ảnh: T.Đ.T |
Đức độ của cụ Trương Công Hy được hậu thế ghi nhận, đơn cử như lễ tang kéo dài đến 1 tháng, dòng họ dựng rạp làm chay để dân chúng khắp nơi đến viếng. Làng lúc đó phải dựng lên một “Xích hậu” (nhà khách) ở đầu đường vào nhà quan Thượng cho dân chúng trọ lại khi đến viếng. Con đường từ Xích hậu đến nhà thờ tộc Trương, dân chúng vẫn quen gọi là “ngõ quan Thượng”. Ngoài chuyện phân phát 500 mẫu ruộng cho dân địa phương canh tác, theo nhà báo Trương Điện Thắng (hậu duệ dòng họ Trương Công), cụ Trương Công Hy được nhìn nhận là “một nhà giáo tham chính”. Phân tích của một số nhà nghiên cứu khác cũng cho thấy vai trò “nhà giáo tham chính” giúp Trương Công Hy không bị triều Nguyễn xâm hại mồ mả, bởi ông từng là thầy dạy ấu chúa Nguyễn Phúc Dương và các hoàng tử, hoàng tôn. Những khảo cứu về Trương Công Hy, ngoài tài liệu quý do chính hậu duệ tộc Trương lưu giữ hoặc phát hiện (bản khai đất đai do chính tay Trương Công Hy viết bằng chữ Hán), còn có một số bài báo đăng rải rác tôn vinh công đức, sự thanh liêm của cụ. Đặc biệt, ngoài công tác khảo sát, sưu tầm của cán bộ bảo tàng Điện Bàn, của cán bộ bảo tồn di tích Quảng Nam qua nhiều thời kỳ, hồi tháng 1.2012 có thêm cuốn truyện lịch sử “Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy – Người con xứ Quảng” của tác giả Lê Khôi được xuất bản. Cuốn sách dày khoảng 110 trang, do NXB Văn học ấn hành, tác giả là một kỹ sư nông nghiệp, hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Cẩm (Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích & danh thắng Quảng Nam) cho biết, công văn nhận xét của Viện Sử học đã hội đủ điều kiện để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đối với lăng mộ Trương Công Hy. “Đánh giá của Viện Sử học về công trạng cụ Trương Công Hy cơ bản thỏa đáng. Hiện bộ phận nghiệp cụ của trung tâm vừa hoàn thành lý lịch di tích, chúng tôi sẽ trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh” - ông Cẩm nói.
HỨA XUYÊN HUỲNH