Tôn vinh di sản bài chòi

LÊ QUÂN 07/05/2018 09:42

Tối nay 7.5, lễ đón bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh và TP.Hội An tổ chức sẽ diễn ra tại Công viên Đồng Hiệp, Hội An.

Âm vang của điệu hô bài chòi sẽ vọng mãi, trong khắp các làng quê xứ Quảng…Ảnh: LÊ QUÂN
Âm vang của điệu hô bài chòi sẽ vọng mãi, trong khắp các làng quê xứ Quảng…Ảnh: LÊ QUÂN

Chương trình sẽ tôn vinh nghệ thuật bài chòi xứ Quảng với đầy đủ các nét đặc trưng của bộ môn nghệ thuật dân gian, đồng thời tổ chức lễ rước bằng công nhận đi qua các cung đường của đô thị cổ. Cùng với đó, Hội An trong đêm tôn vinh sẽ là nơi hội tụ hơn 100 nghệ nhân, diễn viên bài chòi của xứ Quảng với các tiết mục ca cảnh và hội chơi bài chòi…

Nghệ thuật dân gian đặc sắc

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với nghệ thuật bài chòi bởi đây là bộ môn nghệ thuật nhắc chúng ta về những yếu tố quan trọng, vĩnh cửu của cuộc sống, là gia đình bạn bè, ca từ tiếng hát và tiếng cười. “Đây chính là lý do để bài chòi ở trong trái tim của mỗi người dân miền Trung Việt Nam. Sự ghi nhận từ UNESCO hy vọng sẽ thêm phần khích lệ để cộng đồng tiếp tục ủng hộ các hoạt động văn hóa tại địa phương, để những hoạt động văn hóa này sẽ được các thế hệ mai sau kế thừa và phát huy” - ông Michael Croft chia sẻ. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người hoàn thiện bộ hồ sơ về nghệ thuật bài chòi đệ trình UNESCO công nhận, từng chia sẻ, bài chòi giữ cho mình sự bình dân, gắn liền với đời sống, tập quán sinh hoạt của người dân lao động. Chính điệu nhạc, các câu hô thai, cũng như lối diễn xướng độc đáo của bộ môn này đã đưa từ một trò chơi dân gian trở thành bộ môn nghệ thuật và nâng tầm lên di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Với bài chòi Quảng Nam, các nhà nghiên cứu cũng như nhiều nhạc sĩ đều đồng tình rằng so với địa phương khác, bài chòi ở Quảng Nam còn mang đậm tính dân gian hơn. Bất cứ đề tài gì, người dân cũng có thể đưa vào điệu hát bài chòi. Việc sử dụng phương ngữ rất thuần thục trong các điệu xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò Quảng…, cũng như việc anh hiệu, chị hiệu cùng giao tiếp với nhau, đã tạo nên một chiếu bài rất sinh động để người dân tham gia. Cũng vậy, so với 30 quân bài của bài chòi Trung Bộ, quân bài của Quảng Nam có tên gọi và hình vẽ mô tả ít nhiều khác biệt so với Bình Định, Quảng Bình… Vừa có tính thanh, vừa ít nhiều mang tính tục của đời sống dân gian, việc dùng các điệu hát để ứng tác hô tên con bài mang lại nhiều hứng thú cho người chơi. Nghệ nhân Phùng Thị Ngọc Huệ - người đóng vai chị hiệu cho các gian bài chòi ở Hội An, ví dụ về việc hô quân bài Tam Quăng: “Phải em là gái chưa chồng, chứ phải em là gái chưa chồng/ Cho anh kề cận má hồng có được không/  Một hai em nói rằng không, bởi em là gái có chồng mà một con/ Thuốc ăn nửa điếu rằng ngon, bởi em là gái một con trông mòn/ Tội em cái phận má hồng, anh đừng trêu ghẹo mà chồng em ghen/ Chồng ghen thì mặc kệ cho nó ghen, anh đây mà đã thích thì khêu trăng gọi đèn/ Người ơi đừng giỡn gió đùa trăng, chớ người ơi giỡn gió đùa trăng/ Em đâu phải hạng tam quăng, tam quăng đứng đàn/ Ớ bạn mình ơi, ớ bạn mình ơi, Tam Quăng ra rồi”.

Bài chòi không chỉ là di sản của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại.
Bài chòi không chỉ là di sản của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại.

Bảo tồn và phát huy

Bảo vệ và phát huy bền vững
Tối 5.5, tại TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ VH-TT&DL cùng với UBND 8 tỉnh Trung Bộ long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự lễ đón nhận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ cùng thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi với cộng đồng, nghệ nhân. Thủ tướng nhấn mạnh, với 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, Việt Nam đứng thứ 8/177 quốc gia thành viên của Công ước Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt xưa, trao truyền tri thức và bồi đắp tương lai. Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của chúng ta đối với bảo tồn, phát huy bài chòi trước quốc tế, vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại.
“Tôi đề nghị chính quyền, nhân dân 9 tỉnh, thành phố: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Bộ VH-TT&DL, với tình cảm và trách nhiệm đối với di sản cha ông để lại, cần hợp tác chặt chẽ, triển khai thật nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam, để nghệ thuật bài chòi phải được bảo vệ và phát huy bền vững. Cần thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với nghệ thuật bài chòi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết, trong những năm qua Quảng Nam đã có những chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân vào sự nghiệp này. Riêng với bài chòi, để bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, trong tương lai tỉnh sẽ xây dựng cơ chế để phát triển lực lượng nghệ nhân, mở rộng các không gian diễn xướng và đặc biệt, việc bảo tồn sẽ được thực hiện trong đời sống của người dân. Bởi đây chính là nghệ thuật của dân gian, từ dân gian nên phải được sống trong đời sống dân gian.

Nhiều năm qua, nghệ thuật bài chòi đã “sống” rất mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP.Hội An cho biết, việc xây dựng các phong trào hô hát bài chòi của thành phố cũng như việc đào tạo lực lượng hô hát này đã được Hội An chú trọng từ những năm 2000. “Từ năm1996, sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An đã có đội ngũ hô hát bài chòi xuất sắc để phục vụ công chúng địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước với tần suất hoạt động rất cao. Tháng 9.1998, thành phố đã thử đưa trò chơi bài chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20” và đến nay có thể nói nghệ thuật bài chòi - trò chơi bài chòi đã thật sự là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần, là sản phẩm du lịch sôi nổi của Hội An” - ông Phùng chia sẻ. Cũng theo ông Võ Phùng, hiện tại ở Hội An có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên được tham gia hơn 30 chương trình lễ hội hàng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An.

Ở các địa phương vùng ven biển, trò chơi dân gian bài chòi là “món ăn” đặc sắc trong các kỳ lễ, tết và là phần hội thu hút rất đông người dân tham gia. Ông Lê Thành Trung - một “anh hiệu” ở xã Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) cho biết, nhiều năm trở lại đây, cứ vào mùa tết là xã Tam Thanh lại tổ chức liên hoan hô hát bài chòi ở địa phương, với sự tham gia của nhiều nhóm hô hát bài chòi ở các thôn xóm và trở thành điểm nhấn ấn tượng của vùng ven biển. Hay như tại xã Tam Phước (Phú Ninh), từ năm 2015, vào đêm 16 âm lịch hằng tháng đều tổ chức hội bài chòi tại thôn Kỳ Phú để người dân tham gia. Sân chơi này mỗi ngày càng đông người tới tham dự, chứng tỏ sức sống loại hình nghệ thuật bài chòi đang mạnh mẽ ở khắp nơi.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôn vinh di sản bài chòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO