Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc năm học 2020 - 2021, những học sinh (HS) Quảng Nam đoạt giải đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu gặp mặt, tuyên dương, khen thưởng.
"Rất khâm phục"
Hai tác giả Trần Anh Tuấn - Huỳnh Trọng Nghĩa cho biết đã lấy ý tưởng từ phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trên báo chí “cần gấp rút xây dựng các bản đồ sạt lở núi đến cấp huyện” sau đợt lũ lụt gây thiệt hại nặng năm 2020 để nghiên cứu dự án “Xây dựng bản đồ báo sạt lở núi ở huyện Hiệp Đức và các huyện miền núi Quảng Nam - Hệ thống cảnh báo sạt lở núi tức thời theo thời gian thực”.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khi nói về việc các em HS đầu tư nghiên cứu và giành được kết quả cao trong 6 năm qua.
“Tôi rất kinh ngạc và khâm phục. Với độ tuổi học trò mà các em đã tiếp cận, nghiên cứu KHKT - chứng tỏ các em có đủ bản lĩnh, tự tin, tri thức. Trong 6 năm qua các em đã có hàng trăm đề tài, dự án. Điều đó nói lên thế hệ trẻ Quảng Nam luôn có chí hướng, niềm khát khao vươn lên, chiếm lĩnh tri thức. Đây là niềm vui và tự hào, rất đáng khâm phục” - ông Lê Trí Thanh bày tỏ.
Nhắn nhủ thêm với gần 100 HS tham dự buổi lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND tỉnh nói “đất Quảng Nam là đất học, đất hành động, kể cả trong chiến tranh, trong hòa bình, lao động sản xuất”. Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ Quảng Nam hôm nay, với khát vọng, tầm nhìn của mình sẽ tiếp bước, viết nên bản hùng ca mới, trang sử mới của quê hương. Trong 3 năm gần đây tỉnh đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, các ngành chức năng, Sở KH-CN và Sở GD-ĐT phải dành sự quan tâm thích đáng hơn đối với các cuộc thi KHKT.
“Làm sao cho các đề tài, dự án này không chỉ đơm hoa mà còn kết trái, đi vào thực tiễn, phát huy được giá trị ứng dụng, thậm chí thương mại hóa được” - ông Thanh nhấn mạnh.
Thành công liên tiếp
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoàng Nam, cuộc thi KHKT cấp tỉnh được tổ chức lần đầu tiên vào năm học 2015 - 2016 thu hút 50 dự án tham gia và tăng dần lên 80 rồi 100 dự án những năm sau. Đến nay, qua 6 năm tổ chức đã có tổng cộng 530 dự án dự thi cấp tỉnh.
Về tham gia cuộc thi KHKT quốc gia, trong 6 năm qua Quảng Nam có 28 dự án dự thi và lần nào học trò xứ Quảng cũng đoạt giải. Trong đó ấn tượng nhất và cũng xuất sắc nhất là thành tích năm học 2015 - 2016 khi có 6 dự án dự thi, mang về 2 giải nhất, 1 nhì, 3 khuyến khích.
Rất tiếc dự án “Thiết bị chuyển đổi văn bản trên máy tính thành chữ Braille cho người khiếm thị” của Võ Trung Thiên Tường (Trường THPT Lý Tự Trọng - Thăng Bình) có tính thực tiễn và nhân văn khá cao nhưng do khả năng tiếng Anh của tác giả có phần hạn chế nên không được lựa chọn đi thi quốc tế.
Tại cuộc thi KHKT toàn quốc năm học 2020 - 2021, Quảng Nam có 2 dự án tham gia tranh tài và đều đoạt giải nhì. Ông Nam cho biết, cả 2 dự án đều được ban tổ chức đánh giá cao, trong đó “Ứng dụng mô hình mã hóa hai chiều và định lý bayes để xây dựng trợ lý ảo giúp học môn ngoại ngữ” của hai HS Nguyễn Thanh Hùng Cường - Huỳnh Phan Nhật Vy (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ) là dự án lĩnh vực phần mềm hệ thống.
Đặc biệt, dự án trên lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường “Xây dựng bản đồ báo sạt lở núi ở huyện Hiệp Đức và các huyện miền núi Quảng Nam - Hệ thống cảnh báo sạt lở núi tức thời theo thời gian thực” của các HS Trần Anh Tuấn - Huỳnh Trọng Nghĩa (THPT Lê Quý Đôn, Tam Kỳ) được các nhà địa chất quan tâm và mong muốn phát triển bởi có tính thực tiễn rất cao.
Giải thích về tên gọi dự án khi dự thi quốc gia khác với lúc dự thi cấp tỉnh, Nguyễn Thanh Hùng Cường cho biết, trước đó dự án chỉ dừng lại “giúp học môn Tiếng Anh” nhưng sau này mở rộng thêm nội dung “học Tiếng Việt dành cho người nước ngoài” nên phải đổi tên thành “học môn ngoại ngữ” cho chính xác.