Giải thưởng Khoa học của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về “Đổi mới, nghiên cứu và giáo dục” (ASPIRE) năm 2013 vừa được trao cho nữ tiến sĩ Carissa Klein của Australia.
Công trình khoa học của Carissa Klein đề cập vấn đề phát triển đại dương bền vững, cân bằng việc bảo tồn đa dạng sinh học trước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia trong khu vực. Bộ trưởng Nghiên cứu và công nghệ của Indonesia, ông Gusti M.Hatta - người trao Giải thưởng ASPIRE 2013 cho Carissa Klein cho biết, chủ đề của cuộc thi năm nay “Phát triển đại dương bền vững” là ý tưởng đề xuất của Indonesia. Qua đó, mong muốn các nước thành viên của APEC chủ động phát huy giá trị cũng như thực hiện giải pháp bền vững để phát triển kinh tế xã hội đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nhà khoa học giữa các nước thành viên APEC.
Carissa Klein (phải) trong lễ nhận Giải thưởng ASPIRE 2013. Ảnh: APEC |
Theo các chuyên gia khoa học, trước những lo ngại về tình trạng khai thác quá mức các nguồn hải sản, nạn ô nhiễm cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học biển và đại dương, năm nay mạng lưới bảo vệ đại dương toàn cầu tiếp tục phát đi thông điệp đến tất cả các quốc gia trên thế giới “Cùng chung sức - chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”. Ông Dmitry Lisitsyn - Chủ tịch tổ chức bảo vệ môi trường vùng Viễn Đông từng nhận xét: “Tất cả sự sống xuất phát từ biển và chúng ta chịu trách nhiệm trước biển về sự sinh tồn của chính mình; đương nhiên phải giảm độ ô nhiễm. Cần hạn chế cả khẩu vị về hải sản và có thái độ trân trọng chăm sóc đối với vùng biển của chúng ta”. Theo các nhà khoa học, khí thải cac-bon, tình trạng lạm dụng phân bón và khai thác cá quá mức cùng những tác động khác của con người lên đại dương có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại 2 nghìn tỷ USD và nếu giảm thiểu các tác hại tới đại dương, khoản tổn thất này có thể giảm khoảng 600 triệu USD/năm.
Carissa Klein cho biết, hiện nay cô tập trung chủ yếu nghiên cứu bảo tồn khu vực Tam giác San hô (Coral Triangle) với sự hợp tác của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã quốc tế. Khu vực này trải dài trên một diện tích rộng lớn thuộc vùng biển của 6 quốc gia Đông Nam Á, nơi được công nhận là vùng có hệ sinh thái và sinh học phong phú, đa dạng bậc nhất thế giới, được so sánh như “rừng Amazon dưới nước”. Tuy nhiên, theo báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, trước tình trạng khai thác quá mức, khai thác tận diệt, hủy diệt nguồn hải sản, ô nhiễm đại dương, vấn đề biến đổi khí hậu đang đặt Tam giác San hô trước những mối đe dọa diệt vong, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của hơn 100 triệu người trong khu vực này.
Giải thưởng ASPIRE trị giá 25 nghìn USD được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh tài năng năng khoa học trẻ (tuổi dưới 40) của các nền kinh tế trong khu vực, có những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ tiêu biểu được công bố quốc tế hay có những đóng góp tiêu biểu, thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là tăng trưởng xanh, thông qua việc sáng tạo và chia sẻ các tri thức, nghiên cứu phát triển công nghệ và đổi mới.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)