Tôn vinh tín ngưỡng dân gian

NGUYỄN PHƯỚC - LÊ QUÂN 11/10/2020 08:16

Thêm một tin vui cho Quảng Nam khi Lễ hội Bà Thu Bồn và Lễ hội Bà Phường Chào - hai lễ hội dân gian truyền thống vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Song hành với niềm vui là trách nhiệm phải bảo tồn và phát huy tốt hơn vốn liếng quý báu này.Cả hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận lần này tại Quảng Nam đều là lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu của dân gian. Quảng Nam xưa có kinh đô Trà Kiệu, có Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương nên ảnh hưởng nhiều sắc thái Chămpa. Cách khu đền tháp Mỹ Sơn không xa là lăng Bà Thu Bồn ở huyện Duy Xuyên và dinh thờ Bà ở Phường Rạnh, huyện Nông Sơn, được các vua nhà Nguyễn sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình có lăng Bà Chợ Được. Các nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ vào mùa xuân với các nghi thức, nghi lễ rước sắc, rước nước, lễ đại tế và các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống của cư dân bản địa.

Nghé chông - hiện vật tế lễ tại Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: L.T.K
Nghé chông - hiện vật tế lễ tại Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: L.T.K

HỘI MIỀN SÔNG MẸ

Lễ hội Bà Thu Bồn có chủ thể là cộng đồng người dân 2 xã Duy Tân (Duy Xuyên) và xã Quế Trung (Nông Sơn). Trải qua bao dâu bể thời cuộc, lễ hội được bảo tồn và thực hành một cách nghiêm cẩn. Đây là lễ hội giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, mối quan hệ giao thoa, đan xen và tiếp biến giữa văn hóa Việt và văn hóa Chămpa trong quá trình người Việt mở mang bờ cõi, lập làng từ thế kỷ 14 về sau.

Cư dân ở lưu vực sông Thu Bồn cho rằng Bà Thu Bồn là hóa thân của Bà Mẹ Xứ Sở - Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc (Bà Chúa Ngọc). Bà Chúa Ngọc đã từng hiện diện chính thức trong Lăng Bà và phía trước lăng còn có cả hai miếu của Nhị vị công tử (cậu Quý, cậu Tài)... Trên bình diện nghiên cứu về văn hóa dân gian, có thể nhận thấy Bà Thu Bồn giữ được tính chất của tín ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy, với lễ rước nước trong Lệ Bà Thu Bồn, gắn liền và xâu chuỗi mối quan hệ từ rất lâu đời giữa lăng Bà Thu Bồn và dinh Bà Phường Rạnh nói riêng, cùng như giữa hai cộng đồng cư dân Thu Bồn - Trung Yên dọc lưu vực sông Thu Bồn.

Xưa nay, dù ở hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn nào đi nữa thì một phẩm vật cúng tế tối thượng luôn được cộng đồng cư dân đặc biệt coi trọng, thậm chí phải chọn lựa, kiếm tìm suốt hàng tháng trời để dành cho lễ tế, đó chính là nghé chông. Đây là vật hiến sinh đặc biệt quan trọng, không thể thiếu, là yếu tố tiếp biến văn hóa giữa hai cộng đồng Việt và phi Việt trên vùng đất Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Nghé chông trong vai trò là vật hiến sinh thiêng liêng, quyết định sự thành công viên mãn của lễ nghi - lễ hội, khi khấn nguyện, dâng cúng lên Bà với ý nghĩa thể hiện khát vọng phồn thực, cầu mùa cao cả cho cuộc sống cộng đồng, đặc biệt là ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên và xã Quế Trung, Nông Sơn) thu hút đông đảo sự tham gia của cư dân địa phương. Ảnh: L.T.K
Lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên và xã Quế Trung, Nông Sơn) thu hút đông đảo sự tham gia của cư dân địa phương. Ảnh: L.T.K

Tại Lệ Bà ở làng Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên), rước sắc là nghi lễ truyền thống được toàn thể dân làng đặc biệt chú trọng, nhằm cung thỉnh sắc phong của Bà từ gia đình ông Thủ sắc về Lăng Bà. Tại làng Trung An (xã Quế Trung, Nông Sơn), để đảm bảo nghi thức uy nghiêm, lễ “rước sắc nhập Dinh” mô phỏng lại cảnh quan quân triều đình nhà Nguyễn về tuyên chỉ sắc phong, có nhạc cụ, lọng, cờ, chinh cổ đi kèm. Những người khiêng kiệu sắc được dân làng tuyển chọn là những thiếu nữ xinh đẹp, chưa chồng, để bày tỏ lòng thành kính một mực hướng về Bà. Dân làng trong trang phục truyền thống, đàn ông áo dài khăn đóng, phụ nữ áo dài nón lá chỉnh tề cùng tham gia đoàn rước sắc.

Chính thức từ rạng sáng ngày 12.2 âm lịch, sau khi đại lễ chánh tế Lệ Bà Thu Bồn kết thúc thì khắp trong sân ngoài bãi, trên bến dưới thuyền, các hoạt động hội hè, trò chơi dân gian khác mới được bắt đầu, đáng chú ý là lễ hội đua thuyền mừng Lệ Bà trên sông Thu Bồn, hát tuồng, hô hát bài chòi trong khuôn viên lăng Bà cùng nhiều hoạt động đặc sắc khác ...

Có thể nhận thấy sức sống dân gian truyền thống bền chặt, mạnh mẽ của lễ hội đua thuyền trên sông Thu Bồn qua nhiều giai thoại, truyền thuyết và niềm tin/tín ngưỡng dân gian truyền thống. Trong Lệ Bà Thu Bồn truyền thống, theo ký ức của các bậc cao niên, không thể không có nghé chông, tuồng Bà ở phẩm vật dâng cúng trong lăng Bà, thì trên bến dưới thuyền, lại không thể vắng bóng lễ hội đua thuyền, gắn liền môi trường sông nước dọc lưu vực sông Thu Bồn. Lệ Bà Thu Bồn thường niên quy tụ nhiều đội tuồng, nghệ sĩ tuồng nổi danh đất Quảng, nên lại càng có sức hấp dẫn đối với đông đảo bà con trong vùng tham gia dự hội, thưởng thức di sản nghệ thuật diễn xướng đặc trưng của vùng văn hóa dân gian xứ Quảng.

Các hoạt động lễ hội Bà Thu Bồn tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân và làng Trung An, xã Quế Trung là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngường thờ Mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Lễ hội đã giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian, mang giá trị nhân văn cao cả tiêu biểu trong đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng duyên hải miền Trung.

HỘI LÀNG MỸ PHIẾM

Lễ hội Bà Phường Chào đã tạo ra bức tranh đa sắc màu về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Nam với chủ thể văn hóa là cộng đồng nhân dân xã Đại Cường (Đại Lộc).

Lễ cúng tế tại Lăng mộ Bà Phường Chào tại Ái Nghĩa, Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lễ cúng tế tại Lăng mộ Bà Phường Chào tại Ái Nghĩa, Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Vu Gia, Bà Phường Chào thuộc vào hệ thống thần linh chính thống. Nhiều tư liệu liên quan cho phép nhận định Bà là một nữ thần Chăm được Việt hóa ở mức độ cao và có những điểm tương đồng với Bà Thu Bồn (Bô Bô phu nhân). Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong thần hai lần. Trong lịch lễ nghi cúng tế cũng như lễ hội của người dân nơi đây, Lệ Bà Phường Chào đã trở thành lễ nghi thiêng liêng, lễ hội trọng đại, quy mô nhất trong năm của cả một vùng đồng bằng và trung du Đại Lộc, được đông đảo nhân dân khắp nơi hành hương về dự lễ.

Bà Phường Chào, theo tư liệu được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, có tục danh là Nguyễn Thị Của, sinh ra ở châu Phiếm Ái, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Đại Cường, Đại Lộc). Tương truyền, sau khi hạ thế, linh hồn Bà Phường Chào chu du khắp bốn phương trời và hiển linh để trừng phạt bọn quan tham sâu mọt hại dân, cho thuốc cứu độ chúng sinh, đặc biệt Bà rất yêu thương dân nghèo.

Năm Tự Đức thứ 5 (1853), Bà vân du qua thôn Phước Ấm (xã Bình Triều, Thăng Bình). Nơi đây vốn là rừng cây rậm rạp, nhà cửa thưa thớt nhưng cảnh trí hữu tình, trên có rừng, dưới có sông, núi Ngọc Châu hoàn tả hữu. Bà nảy sinh ý muốn tụ tập người lập chợ nhằm giúp dân địa phương đỡ vất vả, khỏi phải qua sông lụy đò sang chợ Trà Đỏa (Bình Đào) để mua bán. Chẳng mấy chốc, thôn vắng trở thành chợ búa thịnh vượng, nhà quán xây dựng như nơi đô hội. Sông Trường Giang ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai… Dân chúng gọi đó là Chợ Được (hàm ý: cầu chi cũng được!) hay còn gọi là Chợ Bà. Nhớ ơn Bà, người dân lập dinh Bà Chợ Được. Hằng năm, ở khu vực Chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình), lễ hội rước cộ Bà Chợ Được được tổ chức rất trang trọng, diễn ra ngày 11 tháng Giêng âm lịch - ngày người dân Chợ Được đón nhận sắc phong thần cho Bà.

Tại Mỹ Phiếm, việc chuẩn bị cho đại lễ Lệ Bà Phường Chào được toàn thể dân làng và các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chuẩn bị từ rất sớm. Của ít lòng nhiều, người dân đồng tình đóng góp công sức, của cải vật chất, dâng lễ vật trong Lệ Bà. Bà con tiến hành nhiều phiên họp để thảo luận, bàn bạc, phân công làm những công việc cụ thể, từ chuyện vệ sinh môi trường, dọn dẹp cảnh quan đường sá, trong khuôn viên Dinh Bà Phường Chào, trên bến dưới thuyền... cho đến lễ vật cúng tế, lễ nghi thờ tự. Tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của lễ hội như cách thức tổ chức, phương thức huy động kinh phí, bầu các ban chuyên môn một cách cụ thể, đặc biệt là bầu các vị chánh tế, bồi tế, lễ sinh...

Bên cạnh lễ hội Bà được tổ chức hằng năm tại làng Mỹ Phiếm thì lễ hội Bà cũng được cộng đồng địa phương quan tâm và 3 năm cho tổ chức lớn một lần, phần lễ có thêm cầu “quốc thái dân an” và rước kiệu Bà. Lễ hội Bà Phường Chào không chỉ có phần lễ tế trang trọng và linh thiêng mà ở cả phần hội cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi, được mọi tầng lớp nhân dân trong làng nô nức đợi chờ và hưởng ứng các trò chơi: đua thuyền, các hoạt động thể thao, hô hát bài chòi, hát bội, thả hoa đăng và chương trình văn nghệ do chính làng tổ chức. Trò chơi trong phần hội, vừa có tính kế thừa trò dân gian truyền thống vừa có cải biến những trò mới phù hợp với tính cộng đồng.

Sau phần nghi lễ Bà thì tối đến dân chúng có dịp đi xem hát bội. Hát bội vẫn được xem là bộ môn diễn xướng đậm chất nghệ thuật được dân gian ưa thích về lối diễn xuất, về điệu bộ đầy chất nghệ thuật, gắn liền với nội dung tích tuồng đầy ý nghĩa về trung hiếu tiết nghĩa, được biểu diễn để phục vụ dân làng và khách thập phương, phù hợp với truyền thống văn hóa giáo dục đạo lý làm người của phương Đông. Đây là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong những dịp lễ hội quan trọng.

Tiếp đến ngày thứ hai của lễ hội là hoạt động đua thuyền. Hội đua thuyền trên sông Vu Gia đã thành lệ hằng năm, có sức hấp dẫn và thu hút nhiều người xem nhất. Hội đua thuyền gắn với việc thờ thần nước, tín ngưỡng phồn thực, của quan niệm lưỡng hợp: âm và dương. Hội đua được tiến hành ở khúc sông đã chọn trước, có đặt bàn án, che rạp, cắm cờ quạt phất phới, cùng với những sắc màu trong trang phục của mỗi đội. Bên cạnh đó còn có hội thi nấu cơm là trò chơi kết hợp cả nam và nữ, xem hô hát chơi bài chòi.

Lễ hội Bà Phường Chào thường được kết thúc với màn thả hoa đăng trên sông Vu Gia như lời tri ân với tổ tiên và ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

NÂNG TẦM LỄ HỘI

Mong muốn hai di sản lễ hội dân gian sẽ nâng tầm về quy mô cũng như phổ quát hơn với tư cách là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, các địa phương đang vạch ra nhiều kế hoạch để bảo tồn và phát huy.

Rước sắc trong Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Rước sắc trong Lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đây cũng chính là ý hướng Sở VH-TT&DL yêu cầu các địa phương Duy Xuyên, Đại Lộc và Nông Sơn tập trung trong thời gian tới. “Các địa phương liên quan tới quản lý và bảo tồn hai di sản này phải xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản” - đại diện Sở VH-TT&DL chia sẻ.

Khẳng định nếu được mở rộng về quy mô, với các hoạt động phong phú và sinh động hơn về phần hội, công tác quảng bá được chú trọng thì lễ hội Bà Thu Bồn cũng như lễ hội Bà Phường Chào sẽ tạo được dấu ấn. Bởi chính những yếu tố văn hóa phi vật thể đậm chất dân gian và sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế. Bà Lưu Thị Hiền Phương - Trưởng Phòng VHTT huyện Duy Xuyên cho biết, ở Duy Xuyên có một số lễ hội truyền thống, trong đó lễ hội Bà Thu Bồn có sức thu hút rất lớn đối với người dân địa phương lẫn du khách. “Trong quy hoạch chung, huyện chủ trương phát triển, nâng tầm lễ hội để mọi người khắp nơi đều được biết và đến tham dự. Duy Xuyên đã có kế hoạch xây dựng vùng này trở thành một vùng du lịch tâm linh, gắn với di sản Mỹ Sơn” - bà Lưu Thị Hiền Phương nói. Các địa phương này kỳ vọng với sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, việc mở rộng về quy mô, làm phong phú và sinh động hơn về nội dung và hình thức, công tác quảng bá được chú trọng thì lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam sẽ tạo được dấu ấn bởi những yếu tố văn hóa phi vật thể đậm chất dân gian. Hiển nhiên đây sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, nhất là du lịch ở địa phương và trong vùng.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia văn hóa, các lễ hội đã giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn. Điều này cũng là cú hích góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh ở Quảng Nam. Ông Phan Vân Trình - Giám đốc Trung tâm VH - TT - TT huyện Đại Lộc cho biết, từ hơn 5 năm nay, địa phương đã xác định phát triển lễ hội Bà Phường Chào trở thành lễ hội đặc trưng của huyện. “Trước nay lễ hội chỉ ở quy mô của một làng thuộc xã Đại Cường, từ năm 2017 đến nay UBND xã đứng ra tổ chức lễ hội và huyện muốn biến lễ hội này thành một lễ hội tâm linh trong các loại hình du lịch của huyện. Rất mừng là sau 4 năm, lễ hội đã được đưa và danh mục di sản quốc gia” - ông Phan Vân Trình nói.

Sắp đến, lễ hội Bà Phường Chào sẽ được đầu tư với quy mô lớn hơn để trở thành một điểm nhấn của du lịch cộng đồng, là một lễ hội của toàn dân. Huyện Đại Lộc đang tính toán việc sưu tầm, phục dựng một số nghi lễ thất truyền trong lễ hội phụng thờ Bà Phường Chào, cũng như kiên quyết loại bỏ những yếu tố đi ngược với thuần phong mỹ tục của địa phương như mê tín, dị đoan, bói toán, rút thẻ, thương mại hóa hàng hóa, đồ lễ... trong không gian của khu di tích lăng mộ Bà Phường Chào. Ông Phan Vân Trình cho biết thêm, tuyên truyền trong cộng đồng cư dân về tục thờ Bà Phường Chào, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố phi vật thể như phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để cộng đồng cư dân, đặc biệt là khách du lịch biết đến là những phần việc phải làm kể từ bây giờ. Ngoài ra, tổ chức xuất bản ấn phẩm là tờ gấp, sổ tay du lịch giới thiệu hình ảnh và thông tin về thân thế, công trạng của Bà Phường Chào và di tích, lễ hội phụng thờ Bà..., phát hành tại di tích lăng dành cho cộng đồng và khách du lịch viếng thăm.

Lễ hội là niềm tự hào, là ký ức, để người ở vùng xuôi đến miền ngược kết nối với quá khứ. Dù là lễ hội nhỏ gắn với một cộng đồng làng, hay lễ hội được nâng tầm cấp quốc gia, hội làng truyền thống luôn là dịp để người dân thể hiện sự tôn kính với các bậc tiền nhân, những anh hùng hay thần thánh có công với vùng đất, đất nước. Như một mạch nguồn văn hóa, lưu giữ lễ hội cũng chính là bảo vệ bản sắc văn hóa trước bao nhiêu dòng chảy, trào lưu. Nhưng như một chuyên gia từng nói, “truyền thống có một đặc điểm là rất bền vững nhưng cũng rất mong manh. Nếu không có nhiều phương thức bảo tồn truyền thống, di sản, nó sẽ bị rơi về phía mong manh”. Làm cách gì để lễ hội vẫn giữ được vẹn nguyên bản sắc vừa thu hút du khách, là nhiệm vụ đầy thách thức sau khi di sản được nâng tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôn vinh tín ngưỡng dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO