Gần 20 năm cùng Báo Tiếng Dân cho ra đời 1.766 số báo, mỗi bài báo của Huỳnh Thúc Kháng đều thể hiện sự uyên thâm, sắc sảo, tinh đời, toát lên khí phách khảng khái, bất khuất trước khó khăn gian khổ và tấm lòng làm nghề báo vì lợi ích xã hội. Tên tuổi cụ Huỳnh Thúc Kháng còn được tôn vinh trong bước đường phát triển của báo chí Việt Nam.
1. Huỳnh Thúc Kháng - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, đại khoa Tiến sĩ Nho học, nhà Duy tân, nhà cách mạng công khai, nhà báo lẫy lừng. Dù ở cương vị nào, cụ Huỳnh vẫn giữ trọn tiết tháo của một kẻ sĩ, chỉ biết tận tâm tận lực với quốc gia đại sự.
Sự nghiệp báo chí của cụ Huỳnh Thúc Kháng gắn liền với Báo Tiếng Dân, ngọn cờ đầu của dòng báo chí yêu nước ở miền Trung và của cả nước. Gần 20 năm xuất hiện trên diễn đàn báo chí, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện là một nhà ngôn luận sắc sảo, một cây bút với tinh thần khảng khái, một nhà báo với tư tưởng chính trực, bất khuất trước những chính sách hà khắc của chế độ thực dân, phong cách viết và cách đưa tin “rất Huỳnh Thúc Kháng”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hết sức khó khăn, Huỳnh Thúc Kháng còn thể hiện vai trò là một người tổ chức, quản lý tài ba của một tờ báo.
Với những hoạt động không biết mệt mỏi, Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn và toàn diện đối với báo chí Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp. Báo Tiếng Dân “là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Tuy ra đời trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng Báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung Kỳ”. Bên cạnh đó, những dấu ấn trong sự nghiệp báo chí của Huỳnh Thúc Kháng cũng để lại nhiều bài học cho sự phát triển của báo chí Việt Nam sau này.
Không chỉ là hiện thân của một chiến sĩ xã hội, một nhà yêu nước chân chính trên cương vị Chủ nhiệm Báo Tiếng Dân mà sức ảnh hưởng to lớn và lan tỏa trong sự nghiệp báo chí của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn để lại những di sản tinh thần to lớn đối với sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện đại.
2. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, để phát huy vai trò “chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân” của các nhà báo và thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cuối năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh mở trường dạy làm báo, coi đó là một trong những việc cấp bách phải làm. Theo đó, sáng 4.4.1949, tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Ý nghĩa của việc lấy tên cụ Huỳnh Thúc Kháng để đặt cho tên trường dạy làm báo đầu tiên của cả nước là để nhớ ơn và noi gương vị lão thành ái quốc, cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu tấm gương cho các học viên về một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả.
Dù trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn thiếu thốn, nhưng vinh dự được là những người học trò đầu tiên của cơ sở đào tạo báo chí mang tên cụ Huỳnh và tiếp thu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã nỗ lực học tập, rèn luyện và sau ngày tốt nghiệp họ đã góp phần làm rạng danh truyền thống báo chí cách mạng, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.
Từ mốc son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay cả nước đã có hàng chục cơ sở đào tạo báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sĩ.
3. Ngày 4.4.2019, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Với việc trở thành Di tích lịch sử quốc gia, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của nền báo chí cách mạng Việt Nam, là điểm đến cho những người làm báo, công chúng báo chí trong cả nước tới thăm.
Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Nam phát động Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng nhằm tôn vinh nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn, nhà báo tài năng, một người con của quê hương Quảng Nam. Đồng thời ghi nhận, biểu dương, động viên báo chí và người làm báo chung tay vì sự phát triển của Quảng Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử, truyền thống và những bước phát triển của tỉnh đến với công chúng trong và ngoài nước.
Có thể nói, việc Chính phủ quyết định lấy tên cụ Huỳnh Thúc Kháng để đặt cho trường đào tạo báo chí đầu tiên của cả nước, cũng như việc UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Giải thưởng báo chí mang tên Cụ đã cho thấy sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của sự nghiệp báo chí của Huỳnh Thúc Kháng.