(QNO) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mục tiêu tổng quát Nghị quyết Bộ Chính trị đặt ra là phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; hoàn thành xây dựng Chính phủ số.
Trong nghị quyết, Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ những chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm.
Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các cấp, các ngành.
Xác định nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ, tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để người dân và doanh nghiệp là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia:
Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; ngăn chặn các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.
Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hoàn thiện pháp luật, chính sách về tài chính - tiền tệ, thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số.
Tạo lập hành lang pháp lý cho việc triển khai các mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ những chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu:
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia.
Quy hoạch xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung, tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia:
Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống.
Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ những chính sách phát triển nguồn nhân lực:
Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số.
Hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam.
Quy định của Bộ Chính trị cũng nêu rõ chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên:
Tập trung phát triển các ngành như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; GD-ĐT.
Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử; công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, điện tử y sinh.
Bên cạnh những chính sách hội nhập quốc tế phù hợp để Việt Nam chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, quy định của Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải thực hiện các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.