Cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Trương Vĩnh Ký lẫy lừng, nhiều thành tựu đến mức một chuyện trọng đại như việc ông là tổng biên tập của tờ Gia Định báo – tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên - cũng chỉ là một “vệt mờ” trong dòng chảy lịch sử. Và lịch sử hình như cũng chưa công bằng lắm với ông...
Nhà mồ Trương Vĩnh Ký nhìn từ mặt đường Trần Hưng ĐạoẢnh: TƯỜNG MINH |
Ông tổ nghề báo
Chính xác thì lịch sử báo chí tiếng Việt của Việt Nam phải bắt đầu từ năm 1865, đúng 8 năm sau khi Trương Vĩnh Ký thôi du học trường dòng để làm linh mục ở Pinang (Indonesia), về nước chịu tang mẹ và ở luôn do thời kỳ này Pháp bắt đầu đánh chiếm Việt Nam nên việc cấm đạo Công giáo của triều Nguyễn cũng bắt đầu gay gắt, khốc liệt. Và Chuẩn đô đốc G.Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam kỳ đã mời ông ra làm quan. Nhưng Trương Vĩnh Ký từ chối và xin lập một tờ báo Quốc ngữ mang tên là “Gia Định báo”. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1.4.1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam kỳ. Phải đến ngày 16.9.1869 mới có Nghị định của Chuẩn đô đốc Ohier ký giao “Gia Định báo” cho Trương Vĩnh Ký làm "chánh tổng tài", nay gọi là giám đốc hoặc tổng biên tập và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hằng tháng. Sau, báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo không cố định, khi thì thứ Ba, thứ Tư, lúc lại thứ Bảy. Số trang của Gia Định báo cũng “ngẫu hứng” kiểu lúc 4 trang, lúc 12 trang. Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, thì thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: truyền bá chữ Quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Tờ báo được phát không đến các trường học để học sinh dùng như bài tập đọc, và theo đó đã giúp quảng bá chữ Quốc ngữ trong người dân, khuyến khích tân học, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.
Một chi tiết khá thú vị là ngoài việc được coi là “ông tổ” của nghề báo Việt Nam, nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn là “ông tổ” trái cây ở Cái Mơn (Bến Tre) ngày nay. Chuyện là trong thời gian theo học tại Chủng viện Pinang (Indonesia) từ 1851-1858, mỗi lần bãi trường đáp thuyền về quê, ông thường mua nhiều loại trái cây ngon mà thời điểm đó ở Việt Nam chưa có như sapôchê, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… về biếu mẹ, người thân, lối xóm và sau đó được nhân giống. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân Cái Mơn và Bến Tre lập nhà bia tại nơi ông sinh ra để thờ cúng, tưởng niệm vào năm 1938 ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (gần rạch Cái Mơn), giữa khu vườn sum sê cây trái. Nhà bia có hình tứ giác, chóp hình tháp với 16 trụ cột, không tường, nền tráng xi măng, bên trong chỉ có bia bằng đá xanh cao khoảng 2,5m, phía trên cùng của bia là cây thánh giá. Mặt trước bia được viết bằng 3 ngôn ngữ: Pháp, Hán và Việt, mặt sau được viết bằng tiếng Pháp.
Nhưng đó là chuyện của những năm 1938. Bởi bây giờ nhà bia tưởng niệm này đang bị vây trong khuôn viên Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn. Ngày chúng tôi tìm đến, khu nhà bia bốn bề cỏ mọc um tùm, không có cả một lối đi. Bên trong thì đầy rác và hoang lạnh đến rợn người bởi “lâu lắm chẳng có ai tìm đến” như lời của một cán bộ ở đây.
“Xin hãy thương tôi...”
Rời Cái Mơn, chúng tôi theo dấu chân Trương Vĩnh Ký tìm đến khu nhà ông sống lúc sinh thời và cũng là nơi ông yên nghỉ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng (quận 5, TP.Hồ Chí Minh). Bước vào cổng tam quan được xây dựng theo kiến trúc Pháp ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà hình bát giác, với diện tích khoảng 50m2. Căn nhà xây theo kiểu Pháp, được trang trí với các họa tiết Đông - Tây kết hợp rất hài hòa và mỹ thuật. Trong tám cạnh của căn nhà, ngoài ba cạnh là cửa vào, còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió. Không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt là Trương Vĩnh Ký đang yên nghỉ bên trong căn nhà hình bát giác này. Và chính Trương Vĩnh Ký đã đích thân thiết kế, coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình trước khi ông tạ thế.
Trên nóc nhà mồ còn chạm dòng chữ: “Decembre 1898” (tháng 12.1898) - cũng là năm ông mất. Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), nói lên tâm trạng và ước nguyện cuối đời của Trương Vĩnh Ký. Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Bình Trọng có ghi dòng chữ Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó), nói lên sự đam mê khám phá tri thức lúc sinh thời của nhà bác học họ Trương.
Tìm khóa mở cửa cho chúng tôi vào bên trong nhà mồ là ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, năm nay đã ngoài 60 tuổi. “Lâu lắm rồi không có ai đến viếng” - giọng ông ngậm ngùi như anh cán bộ dưới khu nhà bia Cái Mơn. Ông Đạt tìm chổi quét những chiếc lá úa vàng nằm vương vãi rồi chỉ cho chúng tôi ba phần mộ được lát bằng phẳng với nền nhà, với ba tấm đá khác màu. Mộ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá (không có hoa) đơn giản, trong vòng dây lá đó được khắc vài dòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ J.B Pétrus Trương Vĩnh Ký, (hai chữ J.B là viết tắt tên thánh Jean Baptiste). Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi).
Nằm bên phải mộ Trương Vĩnh Ký là mộ phần của vợ ông - bà Vương Thị Thọ, đã có nhiều chỗ bị tróc hỏng. Nằm bên trái, bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại. Cao phía bên trên phần mộ của Trương Vĩnh Ký, trần nhà mồ được vẽ hình một con lân mã chở hà đồ đang vờn trong vòng tròn mây gió...
Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại, với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng xi măng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Hiện toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà rường cổ được Trương Vĩnh Ký dựng từ năm 1937, đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt và anh trai - ông Trương Minh Tấn. Sân trước được ông Đạt tận dụng làm một quán cà phê kiếm cơm qua ngày. Hỏi chuyện xưa, ông Tấn cười buồn: “Anh em tui cũng chẳng biết gì hơn ngoài những chuyện sách báo đã viết bởi khi anh em tui chào đời, cụ Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ nên mọi chuyện chỉ được nghe ông nội và cha kể lại…”. Và ngay cả những câu viết bằng chữ Latin và chữ Hán chạm khắc trên nhà mồ của ông cố mình, cả hai ông đều lắc đầu không biết…
Một vòng quanh khu nhà mồ, không sao kìm nén được cảm giác bùi ngùi, xót xa khi không thấy bất cứ tấm bảng chỉ dẫn nào cho biết đây vốn là nơi yên nghỉ của Trương Vĩnh Ký - ông tổ của nền báo chí tiếng Việt, một người Việt Nam đã sử dụng thông thạo 26 ngoại ngữ, sẵn sàng hội nhập với thế giới, từng được vinh danh một trong 18 nhà bác học của thế giới trong thế kỷ 19… Không thể không nhớ đến những câu thơ đầy nỗi niềm do chính ông viết trước khi nhắm mắt: “Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai/ Xô đẩy người vô giữa cuộc đời/ Học thức gửi tên con sách nát/ Công danh rốt cuộc cái quan tài/ Dạo hòn lũ kiến men chân bước/ Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài/ Cuốn sổ bình sanh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”...
TƯỜNG MINH