Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế 2021 Quảng Nam cho hay các dữ liệu điều tra sẽ đánh giá toàn diện thực trạng, xu hướng, tạo cơ sở xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quý Đạt xung quanh vấn đề này.
* PV:Mục đích của cuộc tổng điều tra kinh tế 2021 là gì, thưa ông?
Ông Lê Quý Đạt: Cuộc tổng điều tra này sẽ đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế, kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ cấu, phân bố của các cơ sở và lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương. Tổng điều tra sẽ tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê (GDP, GRDP) năm 2020 theo đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia. Cuộc điều tra này còn cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội, làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
* PV:Những điểm mới, khác biệt so với các cuộc tổng điều tra trước đây, thưa ông?
Ông Lê Quý Đạt: Cấp tỉnh chỉ thành lập 01 ban chỉ đạo. Nhưng việc điều tra các cơ sở hành chính do Sở Nội vụ chủ trì theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và cơ quan thống kê phối hợp.
Khác với tổng điều tra kinh tế năm 2017, đối tượng khối doanh nghiệp là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập. Còn trong cuộc tổng điều tra này, đối tượng điều tra được xác định là đơn vị cơ sở hay còn gọi là đơn vị ngành kinh tế theo địa bàn. Phương pháp thu thập thông tin sẽ dựa vào khai thác dữ liệu từ hồ sơ hành chính và thu thập thông tin. Cụ thể: đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, sẽ thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế 2021. Điều tra viên cung cấp tài khoản, mật khẩu để đơn vị điều tra đăng nhập vào hệ thống và hướng dẫn người cung cấp thông tin điền thông tin vào bảng hỏi điện tử (web-form). Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thì điều tra viên đến từng cơ sở gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) để phỏng vấn, kết hợp quan sát đối tượng điều tra để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điện tử (CAPI) được thiết kế trên thiết bị điện tử cầm tay.
Những thông tin trên phiếu trực tuyến (web-form) được lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê sau khi doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoàn thành việc cung cấp thông tin. Dữ liệu điều tra được kiểm tra và tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác làm sạch và xử lý, tổng hợp kết quả tổng điều tra. Còn thông tin trên phiếu điện tử (CAPI) được điều tra viên hoàn thành và gửi về máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay sau quá trình điều tra thực tế tại địa bàn. Dữ liệu được kiểm tra, duyệt và nghiệm thu bởi các giám sát viên cấp huyện, thị xã, thành phố, tỉnh. Dữ liệu điều tra này sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung tổng điều tra. Sau đó, dữ liệu sẽ được làm sạch, xử lý, tổng hợp kết quả và được truy xuất và lưu trữ dưới các định dạng Excel, SPSS, Stata để phục vụ phân tích dữ liệu và viết báo cáo kết quả Tổng điều tra.
Đảm bảo thu thập thông tin
* PV:Cách thức thực hiện cuộc tổng điều tra này, thưa ông?
Ông Lê Quý Đạt: Sẽ thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Cụ thể hơn, sẽ điều tra tất cả đối tượng, đơn vị thuộc phạm vi điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về cơ sở. Sẽ điều tra toàn bộ thông tin cơ bản của doanh nghiệp, chi nhánh, sản phẩm vật chất và dịch vụ của địa điểm sản xuất, kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp/chi nhánh. Danh sách và thông tin về các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan Thống kê các cấp phối hợp với cơ quan Nội vụ các cấp thực hiện. Danh sách và thông tin về các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội ngoài công lập và cơ sở sản xuất, xây dựng thuộc các đơn vị này do Cục Thống kê thực hiện. Riêng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sẽ điều tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, giai đoạn 2 sẽ thực hiện chọn mẫu điều tra, số lượng mẫu điều tra đại diện cho tất cả lĩnh vực/ngành hoạt động. Còn điều tra chọn mẫu sẽ được thực hiện nhằm thu thập một số thông tin chi tiết cho từng loại đơn vị điều tra (kết quả sản xuất, kinh doanh thuộc doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, thu thập chi tiết về kết quả sản xuất, kinh doanh cá thể theo chuyên ngành bằng phần mềm thống nhất toàn quốc.
* PV:Cuộc tổng điều tra này chỉ thống kê số liệu hay là đưa ra cái nhìn cụ thể về thực trạng doanh nghiệp?
Ông Lê Quý Đạt: Ngoài việc thu thập số liệu thống kê, kết quả điều tra sẽ đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu chất lượng, hiệu quả. Như thông tin về lao động và thu nhập của người lao động, kết quả, chi phí sản xuất, kinh doanh (tài sản, nguồn vốn, kết quả hoạt động, chi phí sản xuất, kinh doanh, sản phẩm, thuế và các khoản nộp ngân sách, vốn đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D, đổi mới sáng tạo). Thêm thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất, kinh doanh, sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến, năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ sở để hoạch định chính sách
* PV:Theo ông, các dữ liệu này giúp gì cho việc hoạch định chính sách của địa phương?
Ông Lê Quý Đạt: Kết quả tổng hợp từ cuộc tổng điều tra này sẽ giúp cho địa phương, các sở ngành liên quan đánh giá được sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế, kết quả sản xuất, kinh doanh, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo vùng, địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu,… nhằm hoạch định các chính sách phù hợp với từng lĩnh vực.
* PV:Cuộc tổng điều tra kinh tế lớn, rộng như thế này thì liệu số liệu có đủ độ xác thực, tin cậy, có thể đưa ra dữ liệu riêng cho từng ngành để có thể dựa vào đó để hoạch định chiến lược phát triển ngành hay không?
Ông Lê Quý Đạt: Khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian kéo dài, liên quan đến nhiều ngành, cấp. Một ban chỉ đạo, tổ giúp việc với nhiều ban ngành tham gia sẽ tạo sự thuận lợi cho việc tham mưu với trưởng ban chỉ đạo các công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng cuộc điều tra. Tổng điều tra và điều tra thống kê hằng năm nằm trong chương trình điều tra quốc gia đã được ban hành. Các cuộc tổng điều tra định kỳ 5, 10 năm sẽ đánh giá tổng quát, đầy đủ hơn để tính toán và điều chỉnh số liệu của những năm trước đây có tiến hành điều tra chọn mẫu (có sai số cho phép).
Kết quả của tổng điều tra lần này một phần cho phép các ngành sử dụng để nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên phạm vi tổng điều tra chỉ đảm bảo bao quát những chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu các cấp đã ban hành. Các chỉ tiêu chuyên sâu chỉ chọn mẫu điều tra và suy rộng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Do đó, các ngành muốn nghiên cứu chuyên sâu ngoài phạm vi tổng điều tra, cần thiết phải có những tham mưu phù hợp để bổ sung thu thập đầy đủ thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế thuộc phạm vi quản lý của mình.
Kế hoạch của Bộ Nội vụ riêng. Tổng điều tra kinh tế lồng ghép trong tổng điều tra để có sự thống nhất. Ban chỉ đạo chỉ có một ban chỉ đạo tham mưu trực tiếp cho trưởng ban, còn sau này khi tiến hành thành lập tổ giúp việc của sở.
* PV:Không ít ý kiến cho rằng năm 2020 có quá nhiều biến động suy giảm, nhưng lại lấy làm năm gốc so sánh, năm dùng để chuyển đổi số liệu thì có chính xác không, thưa ông?
Ông Lê Quý Đạt: Không cần phải lo lắng, Tổng cục Thống kê sẽ ban hành cách tính toán. Dù có thiệt hại kinh tế hay không thì vẫn phải điều tra “chụp” bức tranh năm 2020, ghi nhận cụ thể, không thể khác được. Sau này dựa vào dữ liệu hàng năm, sẽ phân tích, kể cả chuyển gốc so sánh thì sẽ có phương án tính toán khác trên rổ hàng hóa…