Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Rà soát tình trạng doanh nghiệp

TRẦN HỮU 27/02/2017 09:47

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3.2017 Quảng Nam tổ chức tổng điều tra kinh tế (TĐTKT), để đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Doanh nghiệp là đối tượng tổng điều tra kinh tế năm 2017 .  TRONG ẢNH: Một xưởng gia công da giày tại Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ.
Doanh nghiệp là đối tượng tổng điều tra kinh tế năm 2017 . TRONG ẢNH: Một xưởng gia công da giày tại Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ.

Thống kê toàn diện

So với những cuộc tổng điều tra trước đây, số lượng các cơ sở kinh tế trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Không ít doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp giải thể, nhiều đơn vị mới được hình thành, chia tách. Các ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn rất nhiều.  Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng ban TĐTKT năm 2017 cho biết, tổng điều tra lần này sẽ đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở và lao động của các thành phần kinh tế, đơn vị hành chính, sự nghiệp; kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu. Thêm nữa là tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tỉnh, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia. Ngoài ra, bổ sung cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp.

TĐTKT năm 2017 sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Từ ngày 1.3 đối với khối DN và hành chính sự nghiệp; ngày 1.7.2017 đối với khối cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tôn giáo tín ngưỡng. Cuối năm 2017, kết quả sơ bộ sẽ được công bố. Cũng như tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012, TĐTKT năm 2017 sẽ tiến hành khâu rà soát danh sách DN để thống nhất con số giữa các ngành kế hoạch đầu tư, thuế và thống kê liên quan đến số lượng DN theo các tình trạng hoạt động thực tế. Kết quả rà soát rất quan trọng, thể hiện bức tranh về DN. Các nhóm thông tin cơ bản về lao động, kết quả sản xuất kinh doanh sẽ cho biết hiệu quả hoạt động của các khu vực DN nhà nước, ngoài nhà nước, FDI, DN vừa và nhỏ, hợp tác xã. “Khối lượng thống kê lần này đồ sộ, đối tượng rộng nên ngành tham mưu cho Ban Chỉ đạo TĐTKT năm 2017 lập kế hoạch triển khai cụ thể. Thông tin đầu ra phong phú, chi tiết theo ngành, vùng kinh tế và địa phương, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng thông tin. Điểm mới là phản ánh xác thực tình hình ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay” - ông Đào nói. Theo Ban Chỉ đạo TĐTKT 2017, điểm mới là thống kê cũng thu thập thông tin chuyên đề về tiếp cận nguồn vốn của các DN, đổi mới công nghệ của các DN chế biến chế tạo, gia công, lắp ráp hàng hóa với nước ngoài. Những thông tin này sẽ cho thấy bức tranh về hiệu quả hoạt động của DN, hội nhập kinh tế và khả năng cạnh tranh của DN trong nước trước sức ép hội nhập hiện nay.

Số liệu không gặp nhau

Đối tượng DN được điều tra bao gồm các DN hạch toán kinh tế độc lập, chịu sự điều tiết bởi Luật DN; hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã và các DN hạch toán kinh tế độc lập chịu sự điều tiết bởi các luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật Luật sư, Luật Bảo hiểm... Theo ông Đặng Phước Cương - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Tổ trưởng tổ thường trực Ban Chỉ đạo TĐTKT năm 2017, riêng ban chỉ đạo ở cấp tỉnh có 14 người, cấp huyện có 215 người và cấp xã 924 người. Cách thức tiến hành rà soát số lượng DN, hợp tác xã qua nhiều bước. Đầu tiên là sử dụng danh sách DN, hợp tác xã do Tổng cục Thuế cung cấp làm nền, đối chiếu các thông tin chủ yếu có liên quan như tên DN, mã số thuế, địa chỉ, loại hình, ngành kinh doanh chính, tình trạng hoạt động của DN... Tiếp theo là lập danh sách các DN, hợp tác xã trùng tên, trùng mã số thuế, trùng tình trạng hoạt động thì không tiến hành rà soát thực tế đối với các đơn vị này. Bước cuối cùng đối với các DN, hợp tác xã do các cơ quan cung cấp còn có sự khác biệt về tên, mã số thuế, tình trạng hoạt động, thì tổ thường trực chỉ đạo rà soát danh sách DN cấp tỉnh tổ chức rà soát thực tế bằng nhiều hình thức phù hợp.

Theo ông Cương, số lượng DN từ Tổng cục Thuế cung cấp đến nay là 5.659 đơn vị. Trong đó có 5.415 DN đang hoạt động. Số lượng DN do cơ quan thống kê điều tra năm 2016 là 3.846 đơn vị. Năm 2016 có 1.023 DN mới thành lập, trong đó có 991 DN đang hoạt động, 26 DN tạm ngừng kinh doanh, 5 DN ngừng hoạt động chờ giải thể. Điểm đáng chú ý là số DN có danh sách do Tổng cục Thuế quản lý nhưng Tổng cục Thống kê không có (không thu thập được phiếu, không tìm thấy địa chỉ) lên đến 1.286 DN, hợp tác xã. DN có trong điều tra DN năm 2016 nhưng Tổng cục Thuế không có danh sách là 342 đơn vị. Trong đó, 14 DN không thuộc Cục Thuế tỉnh quản lý do đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác, 14 DN đang hoạt động, 314 DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể. Nhiều bất cập đã được lộ diện như nội hàm các chỉ tiêu về tình trạng hoạt động của DN giữa các cơ quan chưa hoàn toàn thống nhất. Đơn cử,  theo cơ quan thuế không có tình trạng DN đang đầu tư, trong khi đó cơ quan thống kê lại bảo có tình trạng DN đang đầu tư đối với một số trường hợp DN đã đăng ký kinh doanh nhưng trên thực tế DN đang đầu tư phần xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị máy móc... trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa phát sinh doanh thu. “Bên cạnh đó, mã danh mục hành chính cấp xã, huyện chưa đồng nhất giữa cơ quan thuế và cơ quan thống kê nên quá trình phân bổ danh sách DN cho các huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh gặp khó khăn” - ông Cương nhìn nhận.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Rà soát tình trạng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO