Tổng đốc Hoàng Diệu qua Mộc bản triều Nguyễn

THƠM QUANG 14/11/2019 10:32

Hoàng Diệu được đánh giá là vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng vì nước vì dân và từng lập được nhiều quân công. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được ghi dấu trong các bộ chính sử của triều Nguyễn như Quốc triều đăng khoa lục, Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện... thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 31 ghi chép về lời dụ của vua Tự Đức trước sự hy sinh của Hoàng Diệu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 31 ghi chép về lời dụ của vua Tự Đức trước sự hy sinh của Hoàng Diệu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Thân thế, sự nghiệp

Hoàng Diệu, tên chữ là Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai. Ông sinh năm Nhâm Thìn 1832 (theo Quốc triều đăng khoa lục, quyển 2 mặt khắc 13), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước (nay là thị xã Điện Bàn). Thân phụ của Hoàng Diệu tên là Hoàng Văn Cự, còn thân mẫu là Phạm Thị Khuê. Ông bà sinh được 11 người con, trong đó có 6 người đỗ đạt: 1 Phó bảng, 3 Cử nhân và 2 tú tài.

Ở trường thi Thừa Thiên, khoa thi Hương năm Mậu Thân (1848), Hoàng Kim Giám và Hoàng Kim Tích cùng thi đậu Cử nhân. Bấy giờ, Chánh Chủ khảo - Tham tri bộ Binh là Hoàng Tế Mỹ thấy bài văn của hai anh em có điểm giống nhau nên ngờ vực bèn tấu trình lên vua. Vua Tự Đức cho phúc hạch lại, mỗi người ngồi một phòng ở tả vu và hữu vu điện Cần chánh. Sau khi xét duyệt, vua Tự Đức phê rằng: “Văn hành công khí, quý đắc chân tài, huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”, nghĩa là “Sự hành văn là việc chung, cốt để chọn nhân tài, anh em đồng khoa là việc tốt đẹp”.

Năm Tự Đức thứ 6 (1853), lúc 22 tuổi, Hoàng Diệu dự thi Hội và đậu Phó bảng. Mộc bản sách Quốc triều đăng khoa lục, quyển 2, mặt khắc 13 còn ghi như sau: “Hoàng Kim Tích (sau đổi thành Hoàng Diệu); đỗ Cử nhân khoa thi năm Mậu Thân (1848); đỗ Phó bảng năm 22 tuổi. Làm quan tới chức Tham tri, lãnh chức Tổng đốc Hà Ninh;  vì thành bị vây hãm nên ông tuẫn tiết; sau được truy thụ”.

Ông là em của Cử nhân Hoàng Kim Giám; anh của Cử nhân của Hoàng Kim Bảng, Cử nhân Hoàng Kim Vỹ.

Sau khi đỗ Phó bảng, Hoàng Diệu giữ chức Kiểm thảo Hàn lâm viện rồi nhậm chức tại các huyện Bồng Sơn, Tuy Viễn (Bình Định), Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Sau đó, ông lần lượt được cất nhắc và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như: Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chính, Tham tri bộ Hình rồi chuyển sang bộ Lại kiêm quản Đô sát viện, Tổng đốc.

Dù làm quan ở đâu, Hoàng Diệu vẫn giữ lòng trong sạch, khiêm trung. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 38, mặt khắc 2 có chép: “Phàm có việc thuyên chuyển, đề cử đều một lòng công bằng, người ta đều khen là liêm chính”.

Yêu quê hương đất nước

Năm Mậu Dần (1878), ở Quảng Nam xảy ra lũ lụt lớn, dân các phủ huyện lâm vào cảnh bệnh tật, chết đói, trộm cướp. Vua Tự Đức đã lập tức sai Hoàng Diệu sung làm Khâm sai cầm cờ tiết có bốn chữ “tiện nghi hành sự”, đến tỉnh Quảng Nam cứu giúp. Hoàng Diệu vào bệ kiến từ biệt vua, xin ra sức cứu giúp và vỗ yên dân chúng. Cùng năm đó, tỉnh Quảng Nam lại tiếp tục bị bão lụt nặng. Vua Tự Đức lại tiếp tục khâm sai Hoàng Diệu phân phái đi chẩn cấp và phát tải 5 thuyền gạo mỗi thuyền 70 - 80 phương hoặc 50 - 60 phương phát ra bán, cho dân thế chấp đồ đồng để lĩnh gạo sinh sống.

Không chỉ đối với người dân quê hương Quảng Nam, Hoàng Diệu mới dành tình cảm đặc biệt, mà khi làm quan ở đâu, ông cũng hết mực yêu thương con người. Năm 1868, Hoàng Diệu ra Bắc làm Tri phủ Đa Phúc, rồi Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, Bố chính Bắc Ninh. Ở đâu, Hoàng Diệu cũng chăm lo đến sự sống của người dân, dốc tài lực để làm yên dân trong hạt. Có lần vua Tự Đức ban lời khen rằng: “Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài Hoàng Diệu, không ai hơn”.

Tuẫn tiết vì thành Hà Nội

Năm Canh Thìn (1880), Hoàng Diệu được thăng chức Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu là Hà Nội và phụ cận. Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào việc tu bổ thành lũy, chuẩn bị lực lượng, kinh lý, biên phòng. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 38, mặt khắc 2 cho biết: “Tổng đốc Hà Ninh, cùng với quyền Tổng đốc tỉnh Sơn Tây Nguyễn Hữu Độ dâng sớ nói về việc sửa sang biên phòng, lại cùng với Nguyễn Đình Nhuận mật tâu về chước phòng bị sẵn”.

Tháng 3, năm Nhâm Ngọ (1882), tàu binh lớn của Pháp áp bờ, lính Pháp hàng ngày mang khí giới đi lại ngoài thành, phao ngôn là vào thành đóng quân. Hoàng Diệu cho phòng bị nghiêm cẩn. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 16, 17 khắc ghi sự việc như sau: “Người Pháp hạ thành Hà Nội, Tổng đốc là Hoàng Diệu tự tử. Lúc bấy giờ người Pháp phái tàu binh đến thêm ở Cơ Xá và hằng ngày khiêu khích. Phái viên nước Pháp, hằng ngày đem quân đeo khí giới đi lại ở ngoài thành, nói phao là vào đóng trong thành, Hoàng Diệu phải phòng bị nghiêm ngặt. Phái viên nước Pháp tất muốn đều triệt bỏ cả. Diệu không nghe. Sáng sớm ngày mùng 8, người Pháp cho đưa chiến thư, Diệu ủy án sát Tôn Thất Bá ra ngoài thành để thương thuyết, Bá vừa ra khỏi thành, quân Pháp đã bắn ngay, Diệu cùng Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chia đường đốc thúc quân lính chống đánh rất lâu, quân ta và quân Pháp đều bị thương và chết. Chợt thấy kho thuốc súng phá, quân ta rối loạn, quân Pháp bắc thang lên thành, thành bèn bị mất (chống nhau từ giờ Mão đến giờ Mùi mới mất), Diệu đi lẫn vào trong đám quân hỗn loạn, một mình đến trước đền Quan Công (ở ngoài tường ngăn trong thành), thắt cổ ở dưới gốc cây to”.

Vinh danh sử sách

Trước sự hy sinh của Hoàng Diệu, một con người trung quân ái quốc, vua Tự Đức đã xuống dụ cho quần thần trong triều, mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 67, mặt khắc 31 có chép lời dụ: “Vừa rồi Hà thành có việc, Hoàng Diệu thề quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng, các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước, thế mà hết lòng trung chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Trẫm rất thương tiếc, sai quan tỉnh Quảng Nam ban tế một tuần để yên ủi hồn trung một chút và cấp tiền 1.000 quan để nuôi mẹ viên ấy và chi việc đám ma”. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), ông được đưa vào thờ ở đền Trung nghĩa để biểu dương.

Sau này khi nói về công lao của Hoàng Diệu, vua Tự Đức đã từng luôn ngợi ca với quần thần rằng: “Hoàng Diệu tử tiết để tận trung thật khác người”.

Có thể nói, Hoàng Diệu là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thà chết chứ không chịu cúi đầu “Khảng khái như ông được mấy người?”. Ông xứng đáng là bậc anh hùng của dân tộc, sống mãi cùng non sông đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng đốc Hoàng Diệu qua Mộc bản triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO