Tổng đốc Hoàng Diệu trừ tệ nhũng nhiễu

LÊ THÍ 10/03/2019 07:22

Cuối năm 2018, đầu năm 2019 dư luận phẫn nộ chuyện “bảo kê” ở chợ đầu mối Long Biên Hà Nội. Nhưng sẽ không ngạc nhiên lắm khi biết cách đây 138 năm Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu đã từng đau đầu và quyết tâm trị đến tận gốc tệ nạn này!

Tổng đốc Hoàng Diệu.
Tổng đốc Hoàng Diệu.

Hai lần làm quan trên đất Bắc

Danh sĩ Hoàng Diệu (1829 - 1882) có 29 năm làm quan, bắt đầu từ 1853 sau khi đỗ Phó bảng với chức vụ Kiểm thảo Viện Hàn lâm ở Huế và kết thúc năm 1882 ở Hà Nội với chức Tổng đốc Hà Ninh. Trong 29 năm đó Hoàng Diệu đã có 11 năm với 2 lần (từ 1868 - 1877 và từ 1880 - 1882) phục vụ trên đất Bắc và ông đã hy sinh đền nợ nước tại thành Hà Nội, để lại hai câu thơ nhớ đời: Trời cao, bể rộng, đất dày/ Núi Nùng, sông Nhị, chốn này còn ghi… (Chính khí ca)!

Lần thứ nhất, vào năm 1868, khi đang làm Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên) Hoàng Diệu được điều ra Bắc giữ chức Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên) rồi Lạng Giang (Bắc Giang). Năm 1874 ông chuyển qua làm Án sát Nam Định rồi Bố chính Bắc Ninh. Mãi đến tháng 7.1877, ông mới được điều về kinh giữ chức Thự  Hữu Tham tri bộ Hình. Trong 9 năm làm việc tại đây ông đã lập nhiều chiến công, dẹp trộm cướp và an dân. Ở đâu ông cũng được sĩ dân quý mến nhờ đức liêm chính, công bằng và thương dân như con. Đến vua Tự Đức cũng phải từng thốt lên: “Chăm lo cho dân Bắc Hà, không ai hơn Hoàng Diệu”! Tại đây ông đã nhiều lần được triều đình khen thưởng.

Lần thứ 2, vào đầu năm 1880, trong lúc tình hình Bắc Kỳ vô cùng rối ren. Giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tìm mọi cách để chiếm trung du, còn người Pháp sau Hòa ước 1874, đã ổn định ở Nam Kỳ, tìm mọi cách để gây hấn nhằm đánh chiếm Bắc Kỳ, kiểm soát tuyến đường thủy trên sông Hồng với âm mưu tiếp cận thị trường nam Trung Hoa. Trước thái độ thủ hòa, nhu nhược của Trần Đình Túc, vua Tự Đức quyết định cử một người có dũng khí, được sĩ phu và dân chúng Bắc Kỳ tin yêu để đảm nhận chức vụ Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình), yết hầu của cả xứ Bắc Kỳ. Suy đi tính lại nhà vua thấy để đảm nhận trọng trách này không ai hơn Hoàng Diệu người mới từ Bắc Kỳ về kinh ngồi chưa ấm ghế Tham tri ở bộ Hình rồi bộ Lại.

Chuyện kể, trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Hoàng Diệu được về quê thăm mẹ. Ông đã đi bộ từ Xuân Đài xuống làng Đông Bàn để gặp Phạm Phú Thứ, đang về nghỉ hưu tại đây. Hai cụ đã bàn chuyện thời sự suốt buổi sáng. Dùng cơm trưa xong, khi chia tay hai cụ đã bái biệt nhau. Là hai người hiểu “thế nước” hơn ai hết, hai cái lạy như là lời chào “vĩnh biệt” nhau của hai danh sĩ đất Quảng!

Quyết trừ tệ nạn nhũng nhiễu

Đến Hà Nội, ngoài việc lo bố phòng để chuẩn bị chống Pháp, Hoàng Diệu tập trung vào việc “an dân” với nhiều việc làm cụ thể, trong đó nổi bật là ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ. Tình trạng này xảy ra do bọn quan lại, tổng lý ở các địa phương cấu kết, dung dưỡng, bảo kê cho bọn vô lại và phu điếm.

Việc an dân ở Hà Nội của Tổng đốc Hoàng Diệu được thể hiện rất cụ thể trong Lệnh cấm trừ tệ (nguyên văn chữ Hán là Thân cấm khu tệ).

Trong lệnh cấm trừ tệ được Tổng đốc Hoàng Diệu ban bố ngày 12 tháng 4 năm Tự Đức thứ  34 (16.5.1881) cho biết: “Lý dịch các thôn phường có khi dung dưỡng bọn vô lại, cho chúng ứng trực ở điếm canh, chẳng những chúng tuần phòng bất lực mà khi nhà dân các phố có việc đưa ma, chôn cất, bọn chúng đóng ở các nơi trong hạt đều sách nhiễu tang gia, không kể xa gần, đông người hay ít người, sinh sự bắt ép giá cả, ai không chịu thì chúng cản trở việc tống táng…

Lại như bọn ở trại Dưỡng Tế, nhân các buổi cưới xin tang ma tụ tập nhau lại nhũng nhiễu các phố và thường ngày ra các thuyền bè ngoài bến sông, cùng các hàng quán ở chợ, lộng hành ăn cắp, cướp giật. Tệ hơn nữa, đến cuối năm vào nhà người ta đòi dăm ba quan, không đưa thì sinh sự vu vạ…”.

Trong Lệnh cấm trừ tệ cũng nêu một số sự việc tiêu biểu về hành động “bắt ép” tống tiền của bọn phu điếm gây đau khổ cho người dân, cụ thể như:

- Một gia đình nghèo ở phố hàng Bạc có đứa con 6 tuổi chết, bọn phu điếm bắt phải thuê 8 người khiêng và trả 24 quan, gấp 15 lần thời giá (đáng ra chỉ cần 4 người khiêng với giá chỉ 1,6 đồng).

- Một người nghèo tên Tuế làm nghề thợ sơn ở thôn Thuận Mỹ có vợ chết bọn phu điếm đòi phải thuê 8 người khiêng với giá 30 đồng (đúng giá chỉ 3,2 đồng). Tên Tuế không đủ tiền nên phải “xin đi làm thợ sơn nhận tiền công trước 10 năm để đưa cho bọn phu điếm”.

Quan Tổng đốc cho rằng: “Tình tệ bọn phu điếm gây ra không kể hết được, gây cho dân lành bao nỗi khốn khổ, mà xét đến gốc rễ là tại bọn lý dịch mà ra”. Vì vậy, ông ra các quy định cụ thể để ngăn chặn:

- Từ nay hễ có việc tống táng thì để tang chủ tùy nghi mà làm, nếu có người ngoài đến giúp thì càng tốt. Còn nếu thuê người thì theo thời giá mỗi người chỉ giá 4 – 5 tiền/lượt hoặc 7 tiền/ngày, thuê cho công bằng và hợp lý.

- Thói sách nhiễu của phu điếm và Dưỡng Tế phải cấm hẳn và quan sở tại phải cho sửa đổi lại phong tục.

- Lệnh đã được ban ra nếu sau này “chỗ nào tình tệ vẫn còn như cũ, phát giác được thì từ bọn can phạm cùng tổng lý bị trừng trị nặng, huyện nha sở tại cũng khó mà chối cãi được lỗi của mình”.

Quan Tổng đốc họ Hoàng cũng ra lệnh cho quan tri huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận phổ biến rộng rãi văn bản về Lệnh cấm trừ tệ cho toàn dân biết để thi hành bằng cách khắc dựng một tấm bia bằng đá lớn trước nha môn và sao lục nhiều bản giao cho thân sĩ trong địa phương. Nhờ việc làm này của Tổng đốc Hoàng Diệu mà tệ nạn nhũng nhiễu được khắc phục nhanh chóng. Nhân dân Hà Nội rất biết ơn ngài Tổng đốc liêm chính người Quảng!

Hiện nay toàn văn Lệnh cấm trừ tệ của Tổng đốc Hoàng Diệu ngày ấy vẫn còn trên một tấm bia áp vào tường thành tại Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu ở Hà Nội. Tấm lòng vì nước vì dân và hành động quyết liệt chống nạn quan chức nhũng nhiễu của vị Tổng đốc họ Hoàng cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng đốc Hoàng Diệu trừ tệ nhũng nhiễu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO