Tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng: Kiên quyết xử lý, tạo dựng niềm tin

TRƯỜNG ĐỒNG 31/03/2017 09:02

THỰC hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 15.11.2006 của Tỉnh ủy, trong 10 năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt và đạt được kết quả tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Khối Nội chính tỉnh ký kết giao ước thi đua năm 2017. Ảnh: X.M
Khối Nội chính tỉnh ký kết giao ước thi đua năm 2017. Ảnh: X.M

Nâng cao nhận thức và hành động

Giai đoạn 2006 - 2016, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác PCTN. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động, chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh mục 26 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có 13 vụ án tham nhũng, 4 vụ án kinh tế và 9 vụ việc, vụ án khác (cố ý đánh người gây thương tích; tàng trữ, vận chuyển cổ vật trái phép; khiếu kiện tranh chấp quyền sử dụng đất... kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm). Đến nay, các cơ quan tố tụng đã tập trung điều tra, truy tố, xét xử kết thúc 13 vụ án tham nhũng, 3 vụ án kinh tế (một vụ án kinh tế vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý).

Để PCTN đem lại kết quả, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, qua đó tổ chức hơn 4.428 lớp với hơn 322.941 lượt người tham gia học tập các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; phát hành 50.464 đầu sách, tài liệu pháp luật về PCTN. Các đơn vị, địa phương của tỉnh còn ban hành 485 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiến hành rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 20 văn bản liên quan đến công tác PCTN ở các đơn vị, địa phương.

Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức lẫn hành động của cán bộ, công chức, viên chức về PCTN. Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng cao; chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức được xây dựng thành nội quy để rèn luyện. Đặc biệt, quần chúng nhân dân đã mạnh dạn hơn trong tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, nhờ đó nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện. Qua công tác thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra PCTN, các cơ quan chức năng đã phát hiện 16 cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật trách nhiệm 16 người đứng đầu cơ quan, đơn vị; các cấp ủy đảng đã xử lý kỷ luật Đảng 20 trường hợp đảng viên có chức vụ, trách nhiệm và liên quan đến sai phạm, tham nhũng. Trong đó, xử lý người đứng đầu tại các huyện Tiên Phước (1 trường hợp), Thăng Bình (1), Hội An (7), Phú Ninh (6), Quế Sơn (1); xử lý kỷ luật Đảng hình thức khiển trách đối với 10 đảng viên, cảnh cáo 7, cách chức 2 và khai trừ 1.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng

Tuy công tác PCTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả, song theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, xảy ra tập trung ở một số lĩnh vực như: quản lý tài chính ngân sách; tài chính ngân hàng; chính sách xã hội; đầu tư, xây dựng cơ bản; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quản lý đất đai... Tính chất, mức độ tham nhũng có biểu hiện phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều cấp. Công tác PCTN còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc, chưa thực sự hoàn thành mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”... Theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khả năng tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Việc thực hiện các quyết định xử lý sau thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật chưa nghiêm, việc thu hồi tài sản phát hiện qua thanh tra chưa đạt yêu cầu, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế còn một số hạn chế, nhất là việc phối hợp trong điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, một số vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung hoặc bị hủy để điều tra lại dẫn đến thời gian điều tra, giải quyết vụ án kéo dài.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức hồi đầu năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, giai đoạn phát triển mới của tỉnh đặt ra nhiều yêu cầu về công tác nội chính và PCTN trên địa bàn. Vì vậy, các cấp ủy cần chú trọng tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nội chính và PCTN, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xem đây là giải pháp quan trọng để xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động với tinh thần vì nhân dân phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp. Cùng với người đứng đầu cấp ủy, cán bộ, công chức các cơ quan nội chính của tỉnh phải gương mẫu thực hiện trước, nghiêm túc nhằm làm trong sạch mình, có như vậy, công tác nội chính và PCTN trên địa bàn mới thật sự hiệu quả. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và các cơ quan nội chính phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, gắn với công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Yêu cầu mà Bí thư Tỉnh ủy đặt ra là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Bởi, theo lời ông Phạm Văn Ngạnh (72 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) rằng: “Những tiêu cực, sai phạm nếu phát hiện ra cần phải khẩn trương xử lý kịp thời, không được nương nhẹ nâng đỡ dù ở cấp nào. Đồng thời phải thu hồi toàn bộ tài sản tham nhũng, bị thất thoát cho Nhà nước. Nếu Đảng không kịp thời có những biện pháp mạnh tay thì lòng tin của nhân dân sẽ bị xói mòn”. Hay tại cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh tại huyện Thăng Bình mới đây, góp ý về công tác PCTN, cử tri đề nghị sử dụng khẩu hiệu “tiêu diệt tham nhũng” để thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với giặc “nội xâm” - tham nhũng, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Không nương nhẹ sai phạm
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành tự kiểm tra nội bộ theo quy định pháp luật về PCTN. Kết quả tự kiểm tra nội bộ từ năm 2011 đến nay, có 5 cơ quan, đơn vị đã phát hiện 8 vụ/16 đối tượng có sai phạm về kinh tế, tham nhũng với tổng số tiền sai phạm gần 1,7 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ/12 đối tượng, xử lý kỷ luật Đảng 4 trường hợp (1 khiển trách, 3 cảnh cáo). Từ năm 2006 đến tháng 6.2016, các cơ quan hành chính có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết 26 đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành vi tham nhũng, qua giải quyết, đã xử lý 30 đối tượng có sai phạm, tham nhũng. Từ ngày 1.1.2007 đến ngày 30.6.2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra đối với 21 tổ chức đảng, 6 đảng viên; giám sát đối với 5 tổ chức đảng, 7 đảng viên có liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác PCTN. Qua kiểm tra, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng, 94 đảng viên, phê bình 1 tổ chức đảng có khuyết điểm, sai phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
Trong 10 năm qua, toàn ngành thanh tra cũng đã tiến hành 1.439 cuộc thanh tra; kiến nghị thu hồi 170,755 tỷ đồng và hơn 9,6 triệu mét vuông đất, đã thu hồi 70,137 tỷ đồng và hơn 3,6 triệu mét vuông đất. Trong đó, phát hiện 30 vụ/60 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng; đề nghị xử lý hình sự 9 vụ/25 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính 21 vụ/35 đối tượng. Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp của tỉnh cũng đã phát hiện, khởi tố điều tra 46 vụ/74 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã kết thúc điều tra 44 vụ/72 bị can; chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 41 vụ/69 bị can; đình chỉ 2 vụ/2 bị can do được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; tạm đình chỉ 1 vụ/1 bị can. Đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý và giải quyết 65 vụ với 112 bị cáo liên quan đến hành vi phạm tội về tham nhũng; trong đó, xử phạt tù giam 44 bị cáo, xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo 19 bị cáo. Tổng thiệt hại từ kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng phải thu hồi là 60 tỷ đồng, đã thu hồi được 30 tỷ đồng.(T.S)

TRƯỜNG ĐỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng: Kiên quyết xử lý, tạo dựng niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO