Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng: Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước

HÀN GIANG 16/08/2017 08:38

Thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, Quảng Nam đã lựa chọn được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thành công các phong trào thi đua yêu nước, động viên được sức mạnh toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh họp đề nghị cấp trên khen thưởng và xét khen thưởng các cụm, khối thi đua của năm 2016. Ảnh: HÀN GIANG
Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh họp đề nghị cấp trên khen thưởng và xét khen thưởng các cụm, khối thi đua của năm 2016. Ảnh: HÀN GIANG

“Nuôi dưỡng” phong trào

Qua đợt phát động phong trào thi đua thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7), ông Võ Sinh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Ninh đề xuất UBND huyện xem xét khen thưởng 20 tập thể, 13 cá nhân thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn. Theo ông Võ Sinh, danh sách đề xuất đều là các điển hình trực tiếp tham gia thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa tại cơ sở. Thời gian qua, Phú Ninh đã phát động phong trào mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện nhận giúp đỡ, hỗ trợ một trường hợp gia đình chính sách, thương bệnh binh hoặc thân nhân chủ yếu của liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 300 nghìn đồng; cùng với đó, nhận phụng dưỡng suốt đời một Bà mẹ Việt Nam anh hùng với mức 500 nghìn đồng/tháng. Còn trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, ngoài khen thưởng của tỉnh và trung ương, UBND huyện cũng đã kịp thời khen thưởng 49 tập thể, 58 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần đưa Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015.

Từ thực tiễn của địa phương, ông Võ Sinh nhìn nhận: “Qua 13 năm triển khai Luật Thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đi vào thực chất, huy động được nội lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài khen thưởng theo quy chế, địa phương luôn chú trọng tổ chức khen thưởng đột xuất đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác nhằm “nuôi dưỡng” phong trào. Qua đó tạo động lực khích lệ các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo hiệu ứng lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước tại địa phương”.

Từ năm 2005 đến nay, với các thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, TP.Tam Kỳ nhiều lần được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, của UBND tỉnh; đặc biệt, đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động... Ông Lê Tấn Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ TP.Tam Kỳ chia sẻ, phong trào thi đua yêu nước của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng. Hằng năm, thành phố tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước đến các cấp, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân với mục tiêu phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong năm. Qua đó, khơi dậy được tinh thần thi đua, đem lại hiệu quả tích cực và toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đi đôi với đó là chất lượng khen thưởng được nâng lên. “Thành phố luôn quan tâm sử dụng hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời trường hợp có thành tích xuất sắc trong các mặt công tác. Cùng với đó, việc khen thưởng người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân được thành phố hết sức chú trọng, nhờ vậy, đã có tác dụng động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua” - ông Vĩnh khẳng định.

Đổi mới cách thực hiện

Đẩy mạnh phong trào thi đua chuyên đề
“Thời gian tới, Quảng Nam đẩy mạnh các phong trào thi đua chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề mang tính đột phá như phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của phong trào này là tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn Quảng Nam có cơ sở hạ tầng từng bước hoàn chỉnh theo hướng phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Kinh tế ngày càng phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, có đời sống văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống quê hương, dân tộc, có cảnh quan môi trường trong sạch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu - Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh)

Những năm qua, Quảng Nam đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do trung ương phát động và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua mang yếu tố đặc thù của tỉnh. Theo đó, phong trào thi đua có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, giai đoạn. Việc lựa chọn mục tiêu thi đua ở nhiều ngành, địa phương trên địa bàn được quan tâm hơn, đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, sát đúng với từng địa phương, đơn vị, đảm bảo cho phong trào đạt kết quả tốt, toàn diện trên các lĩnh vực. Qua đó, đã khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, huy động được sức mạnh, nguồn lực của nhân dân góp phần chung tay thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu - Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh, việc triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đã tác động nâng cao chất lượng công tác khen thưởng của tỉnh. Những quy định tiêu chuẩn cụ thể từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng giúp việc bình xét khen thưởng chặt chẽ, khoa học, khắc phục được tình trạng “theo cảm tính”; kết hợp động viên tinh thần với khuyến khích bằng vật chất tương xứng. Đặc biệt, các nội dung quy định tại Điều 101 của luật đã làm phong phú, đa dạng hình thức động viên khen thưởng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh Đinh Văn Thu cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, kiến nghị Trung ương cần hợp nhất các nghị định, thông tư hướng dẫn để dễ tra cứu, áp dụng và triển khai luật được thuận lợi ở cơ sở, vì hiện nay có quá nhiều văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Một số điều khoản trong Luật Thi đua, khen thưởng cần thể hiện cụ thể, rõ ràng, không dùng một số cụm từ chung chung như: “tập thể nhỏ”; “công lao to lớn”; “ưu tiên khen thưởng”,… để tạo thuận lợi và hiểu đúng nghĩa trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở. Ngoài ra, không quy định việc cộng dồn thành tích để được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; thành tích đạt được đến mức nào sẽ khen thưởng ở mức đó...

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng: Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO