Tổng kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng chai: Đụng đâu sai đó

NGUYỄN DƯƠNG - THÀNH CÔNG 12/09/2016 09:07

Như báo Quảng Nam đã phản ánh, thời gian qua Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh đã kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay sau khi có báo cáo của PC49, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp thành lập đoàn công tác liên ngành, phân chia các tổ tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ cơ sở nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh.

Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh vẫn mắc những lỗi sơ đẳng trong quy trình sản xuất. Ảnh: NG.DƯƠNG
Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh vẫn mắc những lỗi sơ đẳng trong quy trình sản xuất. Ảnh: NG.DƯƠNG

Vi phạm tràn lan

Toàn tỉnh hiện có 144 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đang hoạt động, nhiều nhất là thị xã Điện Bàn với 26 cơ sở, Núi Thành 17, Duy Xuyên 16, Đại Lộc 16, TP.Tam Kỳ 15 cơ sở. Ông Đặng Công Thu - Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, qua đợt kiểm tra phát hiện rất nhiều lỗi vi phạm của các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Trong số 59 mẫu nước kiểm tra chất lượng, chỉ có 11 cơ sở đạt chuẩn; đoàn công tác liên ngành cũng đã xử lý 51 cơ sở vi phạm. “Ở các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật không đảm bảo nên hầu hết xảy ra sai sót. Khâu chiết rót của họ có thể đảm bảo đúng quy trình, nhưng các công đoạn khác như sục rửa bình hay dán nhãn mác lên chai lại không đảm bảo. Nhiều cơ sở còn thực hiện sục rửa bình bằng phương pháp thủ công” - ông Thu cho biết.

Ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ cho hay, qua quá trình kiểm tra tại TP.Tam Kỳ đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm của các cơ sở. “Có những cơ sở mắc những lỗi rất không đáng có như khi đã chiết rót, đóng chai thì quy định phải để cách mặt đất 20cm. Tuy nhiên, họ lại để ở dưới đất, không đảm bảo quy trình. Những lỗi như thế, ngoài nhắc nhở chúng tôi cũng tiến hành xử phạt ở mức thấp để lần sau họ không tái phạm. Cũng cần nói thêm, trong quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều chi tiết khá nhỏ nên hầu như cơ sở nào cũng mắc phải” - ông Đà nói.

Lỗi sơ đẳng cũng phạm

Trong chuyến tham gia cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai tư nhân đóng tại xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, chúng tôi đã chứng kiến sai phạm sơ đẳng nhất của cơ sở này khi họ cọ rửa, súc bình nước bằng… tay. Ông N.V.P., chủ cơ sở này cho biết, quy trình sản xuất là công nghệ do con trai học được khi đang là sinh viên ở Đà Nẵng rồi đưa về đầu tư cho ông bà làm kiếm thêm thu nhập. Cơ sở của ông bà có đầy đủ phòng chiết rót, bình sục ô-zôn để khử trùng, lọc nước trước khi đưa vào bình. Tuy nhiên, ở khâu khử trùng, súc rửa bình, ông N.V.P. không đi theo quy trình công nghệ mà chuyển sang làm thủ công. “Cơ sở có bể sục để khử trùng đấy nhưng không dùng vì cảm giác thấy... không sạch. Nhiều vỏ bình khi khách hàng trả lại có mùi hôi nên vợ chồng tôi phải chà rửa bằng tay mới sạch được” - ông P. biện giải.

Ở nhiều cơ sở khác tại Núi Thành, Điện Bàn, Đại Lộc cũng đều gặp phải những lỗi tương tự. Ông Đặng Công Thu nói, nếu không thực hiện đúng quy trình, những lỗi dù nhỏ đến đâu cũng có thể khiến cho sản phẩm khi đem ra thị trường có nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Ngay cả những cơ sở sản xuất nước đóng chai quy mô lớn với công nghệ hiện đại cũng gặp phải những lỗi sơ đẳng cần chấn chỉnh. “Có cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất khép kín hiện đại, nhưng ở khâu đóng nắp, làm chai thì công nhân vẫn không sử dụng bao tay. Chúng ta phải biết rằng, quy trình khử trùng cho nước đảm bảo nhưng những công đoạn khác thiếu quy chuẩn thì sản phẩm hoàn toàn có thể bị nhiễm khuẩn khi đưa ra thị trường. Vì vậy cần phải kiểm soát thật kỹ” - ông Thu cho hay.

Siết chặt quản lý

Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, những cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, với mức đầu tư chưa cao nên khó đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh. “Trong quy định cũng chỉ nói chung chung về việc xây dựng khu chiết rót hay nhà kho khép kín chứ không quy định cụ thể diện tích bao nhiêu. Thế nên có nhiều cơ sở phòng chiết rót chật hẹp thì khó đảm bảo chất lượng được. Việc hướng dẫn và quản lý thiết bị cũng còn rất mơ hồ, chưa ai giám định thiết bị đó đảm bảo hay không” - ông Cam nói.

Ông Đặng Công Thu cho rằng, thông qua đợt kiểm tra này nhằm siết chặt lại từ công tác quản lý cho đến việc kinh doanh của các cơ sở nước uống đóng chai. Những cơ sở nào hoạt động theo kiểu đối phó, cầm chừng, thì kiến nghị cho dừng sản xuất, bởi khi đưa ra thị trường thì người tiêu dùng không thể nhận biết sản phẩm nào không đạt chất lượng. Đối với những cơ sở đủ tiềm năng, có tâm huyết sẽ chấn chỉnh, tư vấn để họ nâng chất lượng, phục vụ cho người tiêu dùng tốt hơn, có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình... Ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ nói: “Tất nhiên sẽ cần phải kiến nghị dẹp bỏ những cơ sở kém chất lượng, cố tình làm gian dối để trục lợi. Đồng thời vẫn khuyến khích, tạo điều kiện để những doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động. Khi càng có nhiều cơ sở cạnh trạnh nhau thì giá thành sẽ càng giảm, khi đó người tiêu dùng sẽ được lợi hơn. Quan trọng là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn”.

NGUYỄN DƯƠNG - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống đóng chai: Đụng đâu sai đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO