Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 1: Thách thức từ sự thay đổi

XUÂN HIỀN 20/02/2023 07:25

Chính sách pháp luật với y tế cơ sở và y tế dự phòng là một trong những nội dung được Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề trong thời gian qua. Quá nhiều chính sách chậm thay đổi cũng như chồng chéo, không theo kịp nhu cầu phát triển… dẫn đến thực trạng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí lãng phí của hệ thống y tế cơ sở. Trong khi chính hệ thống này được coi là “mắt xích” đầu tiên và quan trọng nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ứng phó với dịch bệnh. Tạo lập một mạng lưới y tế cơ sở vững chắc để trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho người dân, bắt đầu từ các chính sách, là điều cần thiết.

Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đề xuất chuyển đổi công năng trở thành đơn vị thực hiện công tác dự phòng. Ảnh: X.H
Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đề xuất chuyển đổi công năng trở thành đơn vị thực hiện công tác dự phòng. Ảnh: X.H

BÀI 1: THÁCH THỨC TỪ SỰ THAY ĐỔI

Quảng Nam tiến hành giải thể phòng y tế, sáp nhập bệnh viện huyện để giao đầu mối về trung tâm y tế, cũng như nỗ lực cải thiện hoạt động của trạm y tế. Sau nhiều lần thay đổi mô hình quản lý, cho đến khi Nghị quyết 18, 19 về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, hệ thống y tế cơ sở ở Quảng Nam mới dần đi vào ổn định. Tuy vậy, còn nhiều thách thức đặt ra khi quản lý các mô hình y tế cơ sở hiện tại…

Thay đổi cơ quan quản lý

Tại các cuộc giám sát chuyên đề do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây, đa số địa phương cho rằng, khi Phòng Y tế giải thể và chuyển giao nhiệm vụ cho Văn phòng HĐND - UBND huyện quản lý, thì xảy ra việc thiếu chuyên viên có chuyên môn về y tế. Công việc kiêm nhiệm nhiều nên các chuyên viên phụ trách y tế không có thời gian, chưa toàn tâm, toàn ý tham mưu kịp thời, chất lượng về công tác y tế cho HĐND, UBND huyện. Bên cạnh đó, mô hình y tế cơ sở thay đổi, từ bệnh viện huyện thành TTYT huyện, tổ chức thường xuyên sáp nhập - chia tách - sáp nhập dẫn đến hoạt động không ổn định.

Hệ thống y tế cơ sở được xác định gồm y tế thôn bản, y tế cấp xã, cấp huyện - là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mô hình y tế cơ sở liên tục thay đổi dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý là điều được nhiều địa phương nhận định.

Ông Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang thông tin, năm 2006, TTYT huyện tách thành 3 đơn vị độc lập, bao gồm Bệnh viện huyện Nam Giang, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nam Giang thuộc Sở Y tế quản lý và Phòng Y tế huyện (quản lý các trạm y tế xã), trực thuộc UBND huyện.

Đến năm 2009 Nam Giang nhập Bệnh viện huyện và TTYT dự phòng huyện thành TTYT huyện, các trạm y tế xã giao cho TTYT huyện quản lý, còn Phòng Y tế huyện do UBND huyện quản lý; năm 2020 giải thể Phòng Y tế huyện và giao cho Văn Phòng HĐND - UBND huyện; từ năm 2021 đến nay, TTYT huyện Nam Giang trực thuộc Sở Y tế quản lý.

Nam Giang không phải là địa phương hiếm có của Quảng Nam gặp phải câu chuyện khó khăn về mặt quản lý khi thay đổi mô hình y tế cơ sở.

Tại huyện Đại Lộc, Phòng khám Đa khoa khu vực vùng A Đại Lộc (đóng tại xã Đại Lãnh) trước năm 2019 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và là cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 35 nghìn dân của 5 xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn (Đại Lộc) và Kà Dăng (Đông Giang).

Đây gần như là cơ sở y tế tối ưu hóa nhu cầu của người dân khu vực vùng A Đại Lộc trong điều kiện đường sá cách trở, với diện tích hơn 3.600m2 và trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám chữa bệnh khá tốt.

Tuy nhiên, từ tháng 1/2019, phòng khám được giao về TTYT huyện Đại Lộc quản lý. Rất nhiều vướng mắc đặt ra cho người dân khi đơn vị này chỉ được tổ chức điều trị nội trú 4 giường theo quy định, trong khi cơ sở vật chất tại đây đáp ứng đến 35 giường điều trị.

Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đề xuất chuyển đổi công năng trở thành đơn vị thực hiện công tác dự phòng. Ảnh: X.H
Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đề xuất chuyển đổi công năng trở thành đơn vị thực hiện công tác dự phòng. Ảnh: X.H

Đại diện TTYT huyện Đại Lộc cho biết, trước đây Phòng khám Đa khoa vùng A thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc là cơ sở khám chữa bệnh hạng 2 (thời điểm khi phòng khám vùng A trực thuộc - PV) nên có danh mục thuốc bảo hiểm cũng như các kỹ thuật điều trị hạng 2.

Khi phòng khám thuộc về TTYT huyện, trở thành cơ sở hạng 4 nên phải tuân thủ quy định của tuyến này. Điều đáng nói là cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị tại đây lại trở nên lãng phí khi giao về TTYT quản lý. Từ chức năng nhiệm vụ, kinh phí và thuốc men bị cắt giảm dẫn đến số lượng người dân đến khám chữa bệnh giảm dần.

Hệ thống y tế cơ sở tiếp tục có sự chuyển đổi khi năm 2019, trên tinh thần hai Nghị quyết 18 và 19 về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập do Trung ương ban hành, hệ thống y tế Quảng Nam được sắp xếp và củng cố lại.

Các Phòng Y tế cấp huyện được giải thể để tập trung phát triển đa chức năng cho các TTYT. Sau khi hai nghị quyết này triển khai, Quảng Nam có 19 TTYT là đơn vị tuyến huyện, giảm 18 đơn vị ở tuyến này, đồng thời số đơn vị y tế tuyến xã còn 241 trạm y tế, giảm 15 trạm.

Đại diện Sở Y tế cho biết, việc sắp xếp lại y tế cơ sở thực chất là rà soát một số nơi trước đây còn vướng mắc để tiến hành sáp nhập theo quy định. Trong khi về cơ bản, hệ thống y tế cơ sở trong tỉnh vốn không khác gì so với quy định tại Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Ở quy định này, các TTYT về bộ máy và chuyên môn đều trực thuộc Sở Y tế.

Tiếp tục thay đổi

Mới nhất, ngày 1/2/2023, Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An sáp nhập với TTYT TP.Hội An để trở thành TTYT đa chức năng. Lý do sáp nhập, theo đại diện Sở Y tế, Hội An là thành phố du lịch nên nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh cao.

Do vậy, giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh định hướng mô hình bệnh viện riêng nhằm phát triển cơ sở y tế tại đây lên bệnh viện hạng II và đẩy mạnh mảng dự phòng của TTYT nhằm phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật không những cho người dân trên địa bàn Hội An mà còn quan tâm đến cả khách du lịch.

Từ ngày 1/2/2023, Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An sáp nhập với Trung tâm Y tế TP.Hội An để trở thành trung tâm y tế đa chức năng. Ảnh: X.H
Từ ngày 1/2/2023, Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An sáp nhập với Trung tâm Y tế TP.Hội An để trở thành trung tâm y tế đa chức năng. Ảnh: X.H

“Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai cho thấy Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An khó phát triển lên bệnh viện hạng II, do vậy tỉnh có phương án sáp nhập TTYT và bệnh viện thành TTYT TP.Hội An như mô hình y tế của các huyện khác trên địa bàn tỉnh” - đại diện Sở Y tế nói.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh - Phó Giám đốc phụ trách TTYT Hội An cho biết, đơn vị đang khẩn trương chuyển đổi đầu thẻ khám BHYT cho bệnh nhân từ Bệnh viện Đa khoa Hội An sang TTYT Hội An để mọi quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.

“Có thuận lợi là trước giờ các trạm y tế đều đến Bệnh viện Hội An để lấy thuốc về cấp phát cho người dân nên toàn bộ dữ liệu đều có tại bệnh viện, do đó không có chuyện gián đoạn về khám chữa bệnh ở trạm và bệnh viện.

Tuy nhiên, nếu bệnh viện chuyên về điều trị còn TTYT trước đây chuyên về công tác dự phòng, khi sáp nhập mỗi đơn vị chuyên một mảng nên điều hành quản lý ban đầu hơi khó. Nhân lực phải nhập lại nhiều khoa, cũng phải tổ chức chuyển đổi toàn bộ. Một số bác sĩ đa khoa của TTYT lâu nay quen làm công tác dự phòng, chuyển qua mảng điều trị phải mất một thời gian để làm quen” - ông Nguyễn Hữu Cảnh nói.

Trong khi đó, TTYT TP.Tam Kỳ đang thực hiện cả chức năng điều trị lẫn dự phòng (mô hình Hội An đang triển khai) thì “kêu cứu” vì thu không đủ bù chi. Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc TTYT TP.Tam Kỳ cho biết, hoạt động khám chữa bệnh nội trú tại TTYT TP.Tam Kỳ bị chi phối bởi nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và công lập, dẫn đến khó đảm bảo cân đối thu chi thường xuyên cho hệ điều trị.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, số lượng đầu thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại TTYT thành phố giảm hơn 1/3 so với tổng số thẻ trước đây. Lưu lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đơn vị giảm nhiều nên công suất sử dụng giường bệnh không đạt.

Do vậy, mô hình bệnh viện tại TTYT TP.Tam Kỳ không còn phù hợp. Dự kiến sắp tới, TTYT TP.Tam Kỳ sẽ xây dựng đề án kiện toàn, đổi mới hoạt động theo hướng chỉ làm công tác dự phòng và chuyển chức năng dự phòng về trực thuộc UBND TP.Tam Kỳ quản lý.

Yêu cầu một mạng lưới y tế được xây dựng và hoạt động ổn định theo cơ chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở vừa phát triển y tế phổ cập, vừa phát triển y tế chuyên sâu, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền là điều được đặt ra...

--------------------

Bài 2: Loay hoay nhân lực

Dù triển khai rất nhiều đề án thu hút nhân lực nhưng bài toán hệ thống y tế cơ sở gặp phải vẫn là thiếu bác sĩ tại các trung tâm y tế lẫn các bệnh viện chuyên khoa...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng lực cải thiện y tế cơ sở - Bài 1: Thách thức từ sự thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO