Mỗi chính sách đều có tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, và chính sách về y tế luôn nhận được nhiều sự quan tâm vì liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Từ hàng loạt vướng mắc đang tồn tại trong hoạt động y tế được nhìn nhận qua các cuộc giám sát chuyên đề, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều nội dung nhằm hướng đến phát triển một hệ thống y tế cơ sở vững chắc.
Gỡ từng nút thắt
Ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho rằng, hiện nay việc phân cấp mô hình quản lý y tế cơ sở gây khó cho địa phương rất nhiều.
“Tôi đơn cử ở câu chuyện các trạm y tế của địa phương xuống cấp, bão bay cả mái tôn nhưng địa phương không thể giải quyết được vì không thuộc quyền quản lý của địa phương. Nếu không thay đổi được phân cấp quản lý, tôi nghĩ HĐND, UBND tỉnh nên có thêm nhiều đầu tư thích đáng cho y tế cơ sở” - ông Trần Hải Vân nói.
Chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản đối với khu vực đồng bằng cũng trở thành vấn đề. Tuy nhiên, tháng 4/2022, lần đầu tiên Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em. Đây chính là động thái để tháo gỡ nút thắt cho lực lượng y tế cơ sở khi áp lực công việc quá lớn nhưng thu nhập lại ít ỏi.
Tiếp tục mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, cùng với viên chức y tế dự phòng, kiểm dịch y tế biên giới, người làm chuyên môn y tế tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện được hưởng phụ cấp 100% từ ngày 1/1/2022 - 12/2023. Đến hết năm 2023, các nhóm này lại quay về hưởng mức phụ cấp như Nghị định 56/2011.
Bà Nguyễn Thị Thuyền - Trưởng trạm Y tế xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) nói, với mức phụ cấp tăng 100% như theo Nghị định số 05 thì thu nhập của nhân viên y tế tại trạm tăng đáng kể và sẽ là động lực để mọi người hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc dự phòng tích cực, chủ động và toàn diện.
Ở nhiều nơi, trạm y tế cấp xã đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của y tế huyện, phát huy được vai trò “tuyến đầu” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý, tư vấn sức khỏe cho người dân. Do vậy, tăng thu nhập cho lực lượng này là điều nên chăng để ghi nhận công sức và trách nhiệm công việc của họ. Tiếc rằng chính sách này của Nghị định số 05 chỉ áp dụng đến hết năm 2023.
Được biết, Nghị định số 05/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa chương trình phục hồi y tế trị giá 14 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra và yêu cầu cần phải làm ngay.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV quyết định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó riêng về đầu tư y tế bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng chống dịch của bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành y tế và các đơn vị có liên quan rà soát chính sách, chế độ để thu hút nguồn nhân lực trong phòng chống dịch và khám chữa bệnh. “Hiện nay tại sao y tế cơ sở lại yếu? Vì bác sĩ ngại về trạm y tế xã, về y tế cơ sở. Do vậy, chúng ta phải có chính sách để thu hút họ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề.
Thay đổi chính sách phù hợp thực tế
Thông qua các cuộc giám sát chuyên đề do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức ở địa phương, nắm bắt thực trạng về hệ thống y tế cơ sở, ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Bộ Y tế cần sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT để thống nhất phương thức phù hợp thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 (Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ Y tế đã hết hiệu lực).
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến xã; theo đó giao thẩm quyền cho các địa phương tự cân đối ngân sách được ban hành cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, ưu đãi nguồn nhân lực y tế phù hợp với tình hình địa phương.
Đối với Bộ Nội vụ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kiến nghị cần sửa đổi quy định về định biên biên chế trong Thông tư liên tịch số 08 ngày 5/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cho phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và nhu cầu hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế hiện nay, nhất là các trung tâm y tế đa chức năng, các trạm y tế tại địa phương có quy mô dân số lớn, phù hợp với quy định về tự chủ, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tự đảm bảo chi thường xuyên.
Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó xem xét quy định phù hợp về lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh, hệ điều trị tại trung tâm y tế các huyện, nhất là miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, đề xuất Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu cử tuyển chuyên ngành y, dược đối với khu vực miền núi và bảo đảm bố trí việc làm sau khi ra trường.
Rà soát, điều chỉnh Quyết định số 3427 ngày 13/11/2018 của UBND tỉnh về Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam cho phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cải thiện cả về chất và lượng của y tế cơ sở là yêu cầu tất yếu và cần gấp rút thực hiện, khi nhu cầu theo dõi, điều trị bệnh của người dân ngay từ tuyến này ngày một nhiều hơn. Đây cũng chính là giải pháp giảm những chi phí phát sinh lớn, không chỉ ở vùng khó khăn mà ngay cả tại đô thị đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Củng cố y tế cơ sở trước tiên nhằm bảo đảm cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, giảm quá tải bệnh viện và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Lối mở cho cơ sở y tế tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên
Liên quan đến các vướng mắc về cơ chế tự chủ mà các trung tâm y tế đang thực hiện, tại Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024, có các quy định phần nào tháo gỡ khó khăn.
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi cho phép các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh và được tự chủ trong trong quyết định nội dung chi, đặc biệt là trong quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư cho hoạt động khám chữa bệnh.
Riêng cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Cụ thể, hỗ trợ các mức khác nhau về học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành trên...