Tổng lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

TRỊNH DŨNG 16/11/2023 06:31

Chính quyền địa phương dựa vào các chính sách, cơ chế từ các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Chính phủ..., tìm mọi phương thức để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước áp lực suy thoái của thị trường.

Một số lĩnh vực như du lịch, sản xuất trên đà phục hồi. Ảnh: T.D
Một số lĩnh vực như du lịch, sản xuất trên đà phục hồi. Ảnh: T.D

Linh hoạt thực thi các chính sách

Sở KH-ĐT công bố chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Quảng Nam 10 tháng qua đã giảm 28,8%. Sự suy giảm đó không hề bất ngờ khi nền kinh tế đã lâm vào cơn khủng hoảng kéo dài. Tuy nhiên, không ít tín hiệu lạc quan xuất hiện khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2023 đã tăng 18,1% so tháng trước.

Cụ thể, ngành kinh tế trọng điểm, động lực của nền kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 12,1% (sản xuất, lắp ráp ô tô tăng 23,3%), sản xuất, phân phối điện tăng mạnh đến 82,4%.

Nhiều doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng mới và công bố triển vọng sản xuất, kinh doanh sẽ khá hơn trong một vài tháng tới. Vốn đầu tư công địa phương quản lý tăng 28% (tăng 67% so cùng kỳ năm 2022).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 26%... Tín dụng tăng trưởng đáng kể khi cuối tháng 10/2023 đã có gần 103 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng “bơm” vào nền kinh tế (tăng 1,2% so đầu tháng và tăng 4,6%).

Số lượng doanh nghiệp mới và tái gia nhập thị trường đã lớn hơn số doanh nghiệp rời bỏ thị trường (1.344/1.070 doanh nghiệp). Chỉ số sử dụng lao động lại tăng 0,3% so tháng trước, được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa trong những tháng cuối năm...

Nhiều đơn vị tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: TD
Nhiều đơn vị tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: TD

Những thống kê ấn tượng khi nền kinh tế chưa thoát khỏi đáy suy giảm có phần rất lớn của chính quyền, cơ quan quản lý trong việc quyết tâm tìm mọi cách giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Công điện số 470 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2023 hay các nghị quyết, chỉ thị khác của Chính phủ là “tấm vé thông hành”, tạo điều kiện mở cho chính quyền và cơ quan quản lý địa phương gia tăng sự linh hoạt “giải cứu” cộng đồng doanh nghiệp.

Không đủ thầm quyền ban bố các chính sách miễn, giảm thuế hay can thiệp vào nhu cầu thị trường, năng lực, chuyện nội bộ của ngân hàng, doanh nghiệp, chính quyền chỉ có thể gia tăng việc thực thi các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế từ trung ương để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Năng lực thừa hành ấy thể hiện rất rõ qua việc chính quyền đã mở rộng việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường trọng điểm nội địa hay khu vực Đông Nam Á.

Giới thiệu sản phẩm truyền thống địa phương thông qua các ngày hội sản phẩm, từ đồng bằng đến miền núi và ngoại tỉnh. Kết nối đưa hàng vào hệ thống siêu thị quốc gia. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia triển lãm, trưng bày, quảng bá sản phẩm, không chỉ nội địa mà còn vươn tới các quốc gia lân cận (Lào, Thái, Campuchia, Trung Quốc...).

Cuộc đua tranh ra biển lớn của doanh nghiệp thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được chính quyền tiếp sức bằng việc mở các lớp tập huấn cập nhật, hướng dẫn tra cứu các quy tắc xuất xứ trong các FTA cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn Quảng Nam.

Doanh nghiệp đói vốn được hỗ trợ tiếp cận các khoản vay hỗ trợ lãi suất hoặc kết nối chương trình ngân hàng – doanh nghiệp. Thực thi các chính sách hỗ trợ về thuế (gia hạn, miễn giảm), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, thông qua hàng hóa nhanh chóng, chính xác, kịp thời theo yêu cầu doanh nghiệp...

Đồng thời mở các chương trình quảng bá, xúc tiến, liên kết phục hồi, phát triển du lịch từ trong nước đến nước ngoài. Giảm bớt sự chồng chéo hay tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX nông nghiệp nông thôn chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ gỗ, cập nhật các dữ liệu chăn nuôi trên phần mềm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lập hồ sơ theo tiêu chuẩn VietGAHP, thiết kế mẫu mã, nhãn mác bao bì, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

Thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của Liên minh châu Âu bằng các lớp tuyên truyền, phát tài liệu về các vùng biển được phép đánh bắt, vùng biển chồng lấn giữa các quốc tế. Cấp đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định, tàu vùng khơi được lắp máy giám sát hành trình theo quy định; được cập nhật vào dữ liệu tàu cá Vnfishbase...

Tiếp tục phục vụ doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói trách nhiệm của chính quyền, các ngành là tận lực hỗ trợ doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, thực thi các chính sách giảm thuế, hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp có đà hồi phục, hạn chế thấp nhất việc suy giảm là điều phải thực hiện ngay.

Hơn lúc nào hết, Nhà nước phải chìa bàn tay ra, can thiệp vào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, giúp doanh nghiệp tìm được con đường ngắn nhất để sống sót và phát triển. Việc này mới chính là thể hiện rõ tinh thần của một chính quyền phục vụ.

Kiến giải của người đứng đầu tỉnh đã buộc các cơ quan quản lý, địa phương tùy theo phận sự để thực thi các chính sách hướng về doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý, địa phương sẽ phải theo dõi chặt các diễn biến, nguyên nhân suy giảm của thị trường, nền kinh tế, dự báo tác động xấu để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất trong thẩm quyền địa phương.

Các cơ quan quản lý vận dụng hết các khả năng để nhận diện, phân tích, định danh những yếu tố bất ổn, đưa ra các chính sách gia tăng cơ hội trụ lại thị trường hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một kế hoạch phát huy hơn nữa vai trò của Tổ công tác 1181, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, chấm dứt sự thiếu phối hợp, né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương.

Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo thực thi đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo các nghị quyết, chính sách hay công điện của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn chuyển đổi số, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, gia tăng phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa các chủ thể OCOP, sản phẩm đặc trưng, doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị, diễn đàn về hợp tác quốc tế, các chương trình phổ biến các FTA, quảng bá thông tin về sản phẩm trên các trang thông tin điện tử cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp của tỉnh.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng đầy đủ các chính sách gia hạn về thuế của Quốc hội, Chính phủ và triển khai thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO