Ba gói chính sách tài khóa, tiền tệ và gói an sinh, phát tiền cho dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được xem như phương thuốc để cứu nền kinh tế đang đình trệ. Không chỉ vậy, đại dịch đã trở thành phép thử cho khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương. Vai trò của kích cầu kinh tế chỉ thực sự có ý nghĩa khi việc phân bổ các gói hỗ trợ đến nhanh chóng, đúng người thụ hưởng.
TIẾP SỨC
Chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất được xem như liệu pháp tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) “sống sót” qua mùa dịch, chờ đợi phục hồi.
Hỗ trợ trên diện rộng
Theo Nghị định 41 do Chính phủ ban hành ngày 8.4, chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất áp dụng với diện hỗ trợ khá rộng, gần như bao trùm nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (kể cả toàn bộ DN nhỏ và siêu nhỏ, không phân biệt ngành nghề đều sẽ được hưởng lợi).
Ước tính sẽ có đến 98% DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và tiền thuê đất. Không chỉ gia hạn đến 5 tháng, thủ tục hành chính cũng được đơn giản tối đa.
Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (bằng điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn, chậm nhất đến ngày 30.7.2020. Nghị định nêu rõ trong thời gian được gia hạn nộp thuế, căn cứ giấy đề nghị, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn…
Có thể thấy việc ngừng kinh doanh, sản xuất đã dẫn đến việc mất thu nhập cho rất nhiều DN. Các biện pháp của nghị định được thiết kế để DN có thể tồn tại, không phải giải thể vì thiếu nguồn lực tài chính. Chính sách này giúp DN có được dòng tiền cần thiết để chi trả các chi phí kinh doanh thông thường.
Ông Nguyễn Quang Phước – Giám đốc Công ty gỗ Thanh Hà (Hội An) nói DN cầm cự suốt 3 tháng nay. Sự hỗ trợ của chính sách này như một liệu pháp tinh thần, động viên, tiếp sức cho DN. Dù chỉ gia hạn, không phải giảm nhưng chắc chắn chính sách này sẽ hỗ trợ, tạo bước đệm trong giai đoạn khó khăn về tài chính, kinh doanh.
Không thể nhanh
Không như những chính sách khác đều có độ trễ nhất định, phải cần đến thông tư hướng dẫn mới có thể thực hiện được thì chính sách gia hạn này có hiệu lực ngay khi ký. Cục Thuế cho hay hệ thống ngành thuế có đủ dữ liệu để dễ dàng thực hiện việc hỗ trợ theo đúng nghị định đã ban hành.
Cơ quan này đang tiến hành tuyên truyền cho người nộp thuế thực hiện. Nhưng hiện tại chưa thể tính toán được con số cụ thể được gia hạn vì chưa đến kỳ khai thuế. Ngành thuế đang tổng hợp, lên danh sách theo dõi, nhưng phải có tờ khai DN nộp đến mới thống kê được. Ngay cả tiền thuê đất cũng chưa thể tính toán cụ thể vì thuê đất nộp một lần không nằm trong diện này. Còn tiền thuê đất hàng năm cũng chưa thể rút ra được số liệu vì phải tính toán theo từng ngành nghề phù hợp với nghị định.
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay, Cục Thuế đang thống kê, định lượng bao nhiêu DN sẽ được hỗ trợ với số tiền cụ thể. Chỉ có tiền thuê đất ước lượng được mỗi năm chỉ khoảng gần 80 tỷ đồng. “Cơ quan thuế đang tổng hợp. DN thụ hưởng được chắc còn lâu. Không thể nhanh được vì phải thống kê từng tháng một, mỗi tháng bao nhiêu tiền, bao nhiêu DN được gia hạn thuế mới công bố được!” – ông Bốn nói.
Trong một góc nhìn khác, DN không hoạt động thì nền kinh tế sẽ sụp đổ, kéo theo hệ lụy nhiều người không việc làm. Cứu DN là cứu cả nền kinh tế. Vì thế, mọi chính sách đưa ra vào lúc này đều phải nhắm đến mục tiêu cứu DN. Chính sách gia hạn thuế (cuối cùng DN cũng phải nộp) chỉ là bước đệm để DN có thể cầm cự qua những ngày sóng gió, không thể giải quyết triệt để những vấn đề nảy sinh một khi DN không còn đủ sức hoạt động.
Tại sao không nghĩ đến chuyện miễn, giảm thuế để bớt đi gánh nặng chi phí kinh doanh, kích thích sức mua thị trường, giúp DN có thể hướng tới sự phát triển sau đại dịch? Nguồn thu tăng trưởng từ DN chỉ có thể dồi dào khi họ ăn nên làm ra! Ngoài chuyện miễn thuế, giãn thuế đến mức có thể thì các biện pháp khác cũng cần được cụ thể hóa ngay theo hướng giúp DN giải quyết khó khăn, để họ sống sót, khỏe dần lên trong bối cảnh này.
PHÁT TIỀN CHO DÂN
Một gói hỗ trợ an sinh phát tiền cho dân chưa hề có tiền lệ trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở nước ta, hy vọng sẽ hỗ trợ thêm một phần để người dân đủ sức chống chọi, vượt qua đại dịch.
Sẽ có khoảng 20 triệu người trong cả nước được phát tiền theo gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ đồng được Chính phủ quyết định vào chiều 10.4. Có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ và doanh nghiệp (DN) khó khăn tài chính (trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động từ tháng 4 đến tháng 6.2020) được vay tín chấp tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng (không quá 3 tháng), với lãi suất 0%, tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại. Số tiền này sẽ được giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, hiện ngành đã tổng hợp các nhóm đối tượng theo yêu cầu của nghị định. Sẽ dễ dàng xác định được số hộ nghèo, cận nghèo (theo số liệu cuối năm 2019), người có công cách mạng hay người thuộc diện bảo trợ xã hội, nhưng nhóm lao động không ký kết hợp đồng lao động, lao động tự do thì phải được thống kê cụ thể mới có thể trình phê duyệt và chi trả trong khả năng kinh phí địa phương.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH (tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến Chính phủ hôm 10.4), Quảng Nam có khoảng 900.000 lao động/1,5 triệu dân. Hiện có đến 25.650 hộ nghèo, 10.922 hộ cận nghèo, 93.876 đối tượng bảo trợ xã hội và 33.134 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Tính sơ bộ số tiền phải hỗ trợ cho các đối tượng này lên đến hơn 300 tỷ đồng.
Chưa kể đến (chưa thể tính toán được) số lao động tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không lương từ 14 ngày làm việc trở lên (1,8 triệu đồng/người/ tháng), người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không giao kết hợp đồng (lao động tự do) và mất việc làm (1 triệu đồng/người/tháng) và hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh (1 triệu đồng/hộ/tháng), thì lượng kinh phí hỗ trợ sẽ rất lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, chuyện hỗ trợ đã bàn chiều 15.4 nhưng gặp rất nhiều vướng mắc. Tính sơ bộ sẽ hỗ trợ khoảng 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phân bổ sẽ vô cùng khó khi chưa có văn bản hướng dẫn từ trung ương, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của nhiều tổ chức. Khó nhất là làm sao xác định được chính xác lượng lao động tự do hay hộ kinh doanh ai tạm dừng, ai nghỉ, tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu thường trú…
“Tinh thần hỗ trợ càng sớm, càng nhanh, càng tốt. Người dân khó khăn đang chờ đợi. Nhưng cũng phải làm chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, sai địa chỉ, mất đi ý nghĩa chính sách trong khả năng cho phép. Hiện ngân sách địa phương vô cùng khó khăn, nhưng kinh phí hỗ trợ phần lớn chỉ dựa vào ngân sách địa phương, chứ không phải ngân sách trung ương rót về. Rất khó!” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.
THIẾU “GIAO LỘ” VỀ VỐN VAY
Chính sách tín dụng đã ban hành. Nhưng không dễ cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận vì giữa hai phía (ngân hàng và DN) vẫn còn thiếu một “giao lộ” để triển khai rộng rãi các giải pháp hỗ trợ về vốn vay.
“Bốc thuốc” cho DN
Có thể nhận định gói 285.000 tỷ đồng (sẽ nâng lên 300.000 tỷ đồng) dành cho việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất cho vay mới… của ngành ngân hàng được xem như liều thuốc giúp DN có cơ hội trụ lại thị trường, thay vì chấp nhận phá sản, dừng hoạt động vì thiếu nguồn lực tài chính.
Không công bố số lượng khách hàng cụ thể được hưởng lợi từ chính sách này, nhưng gần như hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam đều cho hay mọi khách hàng bị ảnh hưởng đại dịch đều có thể tiếp cận. Ông Nguyễn Hải Hà – Giám đốc Ngân hàng SHB Quảng Nam nói có khoảng 150 khách hàng với tổng dư nợ cho vay gần 300 tỷ đồng bị ảnh hướng Covid-19. Hiện ngân hàng này đã thực hiện việc giảm lãi, hạ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả trợ… theo từng khách hàng cụ thể.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói chưa thể thống kê lượng khách hàng và dư nợ cụ thể hưởng lợi. Hiện chưa tới 50% ngân hàng tại Quảng Nam gửi báo cáo (12/29). Tuy nhiên, hầu hết đều công bố đã thực thi chính sách. Các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận nhiều hồ sơ đề nghị tháo gỡ khó khăn của DN. Chỉ chờ hội sở phê chuẩn thì họ sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới, giảm lãi suất dư nợ hiện hữu và giảm lãi suất cho vay mới...
Không dễ tiếp cận
Độ mở của chính sách được cho là thông thoáng (ngay cả mới đây Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để đóng góp và hạ lãi suất, hỗ trợ DN), nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều khoảng cách. Nhiều DN cho hay ngay sau khi gói tín dụng này được công bố, liên lạc với ngân hàng chỉ nhận được những phản hồi kiểu “chưa có thông tư hướng dẫn” hoặc có thông tư nhưng chưa nhận chỉ đạo nên chưa biết hướng giải quyết”.
Giám đốc Công ty T&H Nguyễn Thanh Hường nói giao thương đình trệ, doanh thu sụt giảm, nhưng DN chỉ có thể tiếp cận khoản vay mới với lãi suất 9% ở một ngân hàng (thấp hơn món vay cũ 0,5%). Còn dư nợ cũ không được giảm lãi.
Theo một phép tính đơn giản, nếu như ban hành quyết định chung là giảm bao nhiêu phần trăm cho dư nợ hiện hữu thì có thể dễ dàng thực hiện. Song, các ngân hàng không thể áp dụng đồng loạt việc giảm lãi suất cho dư nợ cũ hay hạ lãi suất cho vay mới (điều kiện, lãi suất cho vay theo nhiều kỳ hạn khác nhau). Tiêu chí định lượng đầu tiên là DN phải chứng minh được doanh thu, thu nhập giảm do đại dịch mới được hỗ trợ. Điều đáng nói là gói hỗ trợ này các ngân hàng thương mại tự quyết định nên chuyện DN tiếp cận được hay không thực sự là điều không dễ dàng.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Vietinbank Quảng Nam cho biết ngân hàng này đã thông báo giảm lãi suất cho vay. Dư nợ mới đều đã được áp dụng lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất cũ. Ngân hàng vẫn đang tiếp nhận, thu thập hồ sơ khách hàng, nhưng phải thẩm tra, thẩm định kỹ vì DN phải có đủ hồ sơ chứng minh thiệt hại do Covid-19. Nhưng không thể giảm lãi hay hạ lãi suất đều cho tất cả khách hàng vì theo các kỳ hạn khác nhau và tùy từng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện.
Suy cho cùng, gói tín dụng lãi suất thấp không tác động nhiều đến DN. Mối bận tâm của DN là cần được giãn, hoãn các nghĩa vụ liên quan đến việc trả gốc, lãi vay với các khoản nợ cũ, chứ không phải là giảm lãi suất cho hợp đồng tín dụng mới, vốn đã không còn hấp dẫn khi DN không có nhu cầu bởi sản xuất, kinh doanh đã suy giảm đáng kể. Có thể hiểu gói tín dụng từ nguồn vốn ngân hàng thương mại này không phải là lối thoát cho DN bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Họ cần tới các chính sách hỗ trợ khác từ Nhà nước. Tuy nhiên, DN vẫn cần dòng tiền nhằm duy trì sản xuất kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm cơ hội phục hồi.
Không thể buộc ngân hàng từ bỏ lợi nhuận chỉ bằng mệnh lệnh hành chính. Còn DN đã kiệt sức, nhưng phải trình thế chấp tài sản đầy đủ, trình phương án hay hợp đồng bảo đảm trả nợ thì DN sẽ chỉ biết đứng ngoài cuộc. Giao lộ nào cho hai phía?
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC KIẾN NGHỊ, VƯỚNG MẮC
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Nam cho hay đã thành lập đường dây nóng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp (DN), người dân khi tiếp cận chính sách tín dụng.
P.V:Thưa ông, hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam đã thực thi Thông tư 01/2020/TT-NHNN như thế nào?
* Hiện tất cả tổ chức tín dụng trên địa bàn đều đã và đang áp dụng các biện pháp cụ thể, chi tiết với từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng của hội sở chính từng đơn vị. Điển hình như BIDV phân loại thành 2 nhóm khách hàng để áp dụng các hình thức hỗ trợ. Cụ thể, nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề (hàng không, lưu trú, du lịch, giáo dục, ăn uống). Số còn lại chịu tác động gián tiếp.
Các ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… với những món vay hiện hữu. Hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay giảm, hợp lý để khôi phục và phát triển sản xuất.
Việc triển khai chính sách khá thuận lợi. Khách hàng chủ động liên hệ ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục và tiến hành hỗ trợ trong điều kiện, nguồn lực sẵn có của ngân hàng. Nếu khách hàng gặp khó khăn, chưa chủ động tiếp cận ngân hàng thì đến kỳ thu nợ, ngân hàng thương mại sẽ rà soát, đánh giá tình hình trả nợ, khả năng tài chính của khách hàng để có hướng xử lý đối với từng khoản nợ vay.
P.V:Có thể thống kê số DN và dư nợ được hưởng lợi từ chính sách tín dụng này hay không?
* Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm này, 12/29 chi nhánh ngân hàng thương mại báo cáo số liệu thì tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới hơn 968 tỷ đồng ứng với 168 khách hàng. Tổng dư nợ được hỗ trợ theo Thông tư 01 thì ngành dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm tỷ trọng 42%. Trong bất kỳ tình huống nào, hệ thống ngân hàng sẽ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ DN, người dân.
P.V: Không phải khách hàng nào cũng với tay tới được chính sách tín dụng này?
* Chính sách này trao quyền tự chủ cho ngân hàng. Tiền lấy từ tiền túi ngân hàng. Họ sẽ phải cân đối tài chính mới xem xét miễn, giảm bao nhiêu. Ngân hàng sẽ ấn định thống nhất theo ngành dọc (từ trên xuống dưới, từ Bắc chí Nam) tùy theo năng lực tài chính mỗi một ngân hàng, bởi còn liên quan, ảnh hưởng đến lợi nhuận của chính họ. Ví như ngân hàng lớn có thể cho giảm đến 20%, ngân hàng nhỏ giảm 12%... Không bị buộc theo một chuẩn nhất định nào đó.
P.V:Như vậy việc kêu gọi nhiều ngân hàng “hy sinh” tối thiểu 40% lợi nhuận để hỗ trợ DN là khó thực hiện?
* Ngân hàng thương mại là DN. Họ phải tự cân đối. Hiện họ vẫn cho vay mới. Nhưng không nhiều DN vay được vì đầu ra không có.
Có thể hình dung, tới kỳ hạn trả nợ, ngân hàng sẽ thu về số tiền gốc, lãi nào đó. Một khi miễn, giảm cho khách hàng mấy tháng sau mới trả thì như vậy ngân hàng không có dòng tiền chạy về. Số tiền gốc, lãi đó đã bị đóng băng. Nhưng, tiền gửi của khách hàng đến kỳ buộc ngân hàng phải trả, không thể giãn, hoãn. Nếu như đề nghị khách hàng gửi tiền chịu cho ngân hàng hoãn, giãn hoặc giảm lợi nhuận thì quá dễ rồi. Điều này không thể nên các ngân hàng phải tính toán, xem xét. Tuy nhiên, NHNN chi nhánh Quảng Nam đã thiết lập đường dây nóng (ĐT: 0235.3812409, email: quangnam@sbv.gov.vn), thành lập tổ thường trực xử lý (ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc, ĐT: 0905.268.638; ông Võ Tấn Lộc - Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, ĐT: 0935790405 và bà Bùi Thị Nữ - Phó Trưởng phòng tổng hợp, nhân sự và kiểm soát nội bộ, ĐT: 0982821599) để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất, khó khăn vướng mắc của người dân, DN. NHNN Quảng Nam sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện liên quan đến Thông tư 01 của NHNN.