Tổng lực trợ giúp nền kinh tế và an sinh xã hội

TRỊNH DŨNG 10/04/2020 16:10

(QNO) - Ngày 10.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương, bàn giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ người lao động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phác thảo kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì tại đầu cầu Quảng Nam.

Quang cảnh trực tuyến
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Quảng Nam. Ảnh: T.D

Tăng trưởng GDP thấp nhất 10 năm qua

Nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho thấy tác động của đại dịch đã khiến tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP) quý I chỉ tăng 3,82% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 đến nay.

Theo ông Dũng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2020 khó có thể đạt được. Nếu kiểm soát dịch trong quý II, tăng trưởng GDP dự bảo chỉ đạt khoảng 5,32%; còn nếu dịch kéo dài đến hết quý III, tăng trưởng được dự báo chỉ 5,05%. Có đôi chút lạc quan khi mức tăng GDP dù thấp nhưng là mức tăng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường và thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn dến nhiều hệ lụy kinh tế, bất ổn xã hội. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế sẽ bị đổ gãy và dễ bị âm trong phát triển.

Có thể thấy, những gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực đã trở thành “cú hích” cho nền kinh tế. Đó là gói hỗ trợ tiền tệ (300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tài khóa (185.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng) và gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, nền kinh tế đang bị chao đảo, suy giảm nghiêm trọng.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra con số gần 3.500 doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay sau hàng thập kỷ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, gần 85% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Hiện có 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

“Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây. Khó khăn chồng chất trên vai doanh nghiệp. Ảnh hưởng nền kinh tế sẽ còn kéo dài, khó có thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc” - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nói.

Hành động nhanh, ngay và cấp bách

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi sự lây nhiễm cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi.

Theo Thủ tướng, sẽ có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Gói chính sách tiền tệ (hơn 300.000 tỷ đồng) sẽ giúp doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất. Sẽ phải tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay (cả khoản vay hiện hữu và vay mới). Ngành ngân hàng phải đồng hành doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Một khi kinh tế khó khăn, cần tập trung hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách tài khóa với gói giãn, hoãn thuế 185.000 tỷ đồng và 98% doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

“Tinh thần chung là càng khó khăn, càng tập trung cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau đại dịch” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sẽ có gói hỗ trợ từ tín dụng, đến miễn giãm hoãn thuế cho các doanh nghiệp và mở rộng gia tăng giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, sẽ có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho mua ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
Sẽ có gói hỗ trợ từ tín dụng đến miễn giãm hoãn thuế cho các doanh nghiệp và mở rộng gia tăng giải ngân đầu tư công. Ảnh: T.D

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau hội nghị này sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự cần phải được hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm, càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của đại dịch đến đời sống kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, không để dồn vào cuối năm. Nếu đến tháng 9.2020, không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này. “Hàng chục triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống” - Thủ tướng nói.

Trong một diễn trình khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ giảm các loại phí, giá dịch vụ, mở rộng đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất… Gia tăng xuất nhập khẩu, thương mại nhưng bảo đảm an ninh lương thực trên hết. Sẽ xem xét, quyết định giảm chi phí người nộp thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, cho chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong khoảng thời gian 5 tháng (đến hết quý II).

Một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch, giải ngân vốn đầu tư trong bối cảnh nguồn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút. Sẽ đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, sửa đổi cơ chế chưa phù hợp, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.

“Giải ngân hết nguồn lực đầu tư công năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư toàn xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả giải ngân sẽ được lấy làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu…” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án. Sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tổng lực trợ giúp nền kinh tế và an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO