Tống Phước Phổ - tấc lòng với tuồng đồ - Bài 1: Nhà cách mạng "nghệ sĩ"

SONG ANH Bài 2: Nửa thế kỷ viết tuồng 12/11/2015 09:30

Khi tuồng đồ xứ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (tháng 6.2015), những người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực này mừng vui khôn xiết khi cái vốn quý, tinh túy của dân tộc được công nhận. Trong niềm vui đó, người xứ Quảng lại chạnh lòng nhớ đến một “cây đại thụ” của tuồng, mà cả cuộc đời ông đã bôn ba, đau đáu và chi li đến từng con chữ với bộ môn này. Ông là Tống Phước Phổ - người cả cuộc đời dành trọn tấc lòng với tuồng đồ.

Từ vùng “địa linh”

Chặng đường nghệ thuật của một nhà soạn tuồng được xem là “đại thụ của ngành tuồng” như Tống Phước Phổ, kế thừa rất nhiều tinh thần từ gia đình, quê hương. Ông sinh năm 1902, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học ở làng An Quán, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Ở vùng đất mà rất nhiều tao nhân mặc khách tìm đến, vấn vương, cũng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhiều bậc anh hùng sĩ tử, hẳn lúc ấy, người thanh niên Tống Phước Phổ đã sớm nhận chân được những tinh hoa “sinh ra từ đất” này. Điện Bàn và Quảng Nam là vùng đất “địa linh”, nơi này đã nuôi lớn nhiều anh tài, hào kiệt làm rạng danh đất nước. Gắn với dòng chảy của Sài Thị giang, sau này là sông Thu Bồn, cảnh quan thoáng đãng… là căn nguyên lý giải về sự ra đời khá sớm của vùng văn hóa. Có người nhắc, Điện Bàn là một vùng đất “có nguồn gốc phát sinh từ sản phẩm phù sa” lại được bao quanh bởi những địa danh cũng nổi tiếng trù phú như Đại Lộc, Duy Xuyên, bởi những nơi có thời nổi tiếng thịnh vượng như Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn - vùng đất ấy chắc phải là nơi tụ hội những tinh hoa của đất trời và của lịch sử.

Ngay ở vùng quê An Quán nhỏ bé của những năm cuối thế kỷ XIX, đầu XX, một lớp người tài hoa đã khơi mở nên những giá trị văn hóa còn hiện tồn đến ngày nay. Đầu tiên, phải kể đến ông tổ của tuồng đồ xứ Quảng, cụ Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh (làm quan chức Tuần vũ, sinh ở làng An Quán, nên người đời gọi là Tuần An Quán - PV). Là một “ông quan viết tuồng” với lối sống thanh bạch cũng như tài năng vào độ bậc thầy, chính ông là người đã truyền cảm hứng yêu mê hát bội đến người cháu Tống Phước Phổ của mình. Sử sách lưu lại rằng, gần như cả thế kỷ XIX, phủ Điện Bàn khi ấy được coi là vùng trung tâm của mọi loại hình văn hóa, với những “sân khấu sáng đèn suốt đêm” - như cách gọi về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật biểu diễn bây giờ. Ngoài cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, những tên tuổi tài năng mà người yêu tuồng cả nước biết như Chánh Đệ, Cửu Thùy, Đội Tảo, Sáu Lai, Phó Sơn… đều sinh thành và lớn lên từ cái nôi này. Riêng kịch tác gia Tống Phước Phổ có hoàn cảnh xuất thân khá đặc biệt. Ông nội Tống Phước Phổ là người học rộng, đỗ đạt cao nhưng đã từ quan để gửi gắm tâm sự phản kháng triều đình trong những vần thơ, câu hát. Mẹ của Tống Phước Phổ là cháu nội của nhà yêu nước Hoàng Diệu. Mồ côi cha từ nhỏ, Tống Phước Phổ sống cùng mẹ trong môi trường thấm đẫm tinh thần yêu nước. Ông cũng là cháu gọi Nguyễn Hiển Dĩnh bằng cậu. Như vậy, ngay từ nhỏ, Tống Phước Phổ đã chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước và nghệ thuật dân tộc.

“Thử đem tiếng nhạc  át lời than”

Những năm 1930, Tống Phước Phổ bắt đầu tham gia cách mạng. Ông từng nhiều lần bị giặc Pháp bắt, giam cầm. Trong bài thơ “Về Quảng Nam bị bắt” sáng tác trong giai đoạn này mà giáo sư Hoàng Chương chép lại, tấm lòng chung thủy với nước non của Tống Phước Phổ được thể hiện khá rõ: “Trước Đảng lời thề ghi nhớ mãi/ trên vai gông tạ ngại ngùng chi/ Cuộc đời cách mạng là như thế/ Lối thẳng đường ngay ta cứ đi”. Thời gian ông hoạt động cách mạng được coi là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất khi thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, đàn áp phong trào yêu nước. Bước chân ông rải khắp từ dải miền Trung đổ về Nam, và Tống Phước Phổ hoạt động cách mạng bằng mọi cách, từ ngòi bút với những câu thơ sắc sảo, những bài báo vạch trần tội ác của giặc, và nhiều nhất là những vở tuồng. Phải nói thêm rằng, hoạt động cách mạng tại miền Nam của Tống Phước Phổ luôn có những người bạn đồng hành. Tại Sài Gòn, ông ở chung nhà cùng Lý Tự Trọng và Phan Bôi. Theo ghi chép lại của báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ, ông Phan Bôi đã có một buổi diễn thuyết trước rất đông thanh niên miền Nam. Cùng thời điểm này, Lý Tự Trọng hoạt động phong trào cách mạng rất hăng say. Tống Phước Phổ chọn con đường hoạt động theo cách của riêng mình - nghiêng về việc thể hiện lòng yêu nước và khơi gợi tinh thần đấu tranh của dân tộc thông qua sân khấu tuồng.

Theo lời GS. Hoàng Chương, thời kỳ 1930 - 1945, nghệ thuật tuồng, cải lương là món ăn tinh thần phổ biến của nhân dân lao động cũng như trí thức ở miền Trung và Nam Bộ. Sức mạnh của những bộ môn nghệ thuật truyền thống đủ làm nên lời hiệu triệu với số đông quần chúng. Trong bài thơ “Đến đoàn tuồng Y Hiệp Ban”, Tống Phước Phổ đã tỏ bày suy nghĩ khi tìm đến bộ môn này: “Đời có khi suy mong lúc thịnh/ Thử đem tiếng nhạc át lời than/ Tấn tuồng kim cổ âu là thế/ Nhân nghĩa rồi ra thắng bạo tàn”. Chính vì chọn đến với nghiệp tuồng bằng cái tinh thần nghĩa, tín của một chàng trai xứ Quảng yêu nước, Tống Phước Phổ đã dày công viết nên những vở tuồng với các nhân vật trí tướng, luôn xả thân vì nước, vì dân. Lịch sử nghệ thuật tuồng gọi tên ông là một nhà viết tuồng lịch sử chuyên nghiệp, hẳn lý do vì vậy.

SONG ANH
Bài 2: Nửa thế kỷ viết tuồng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tống Phước Phổ - tấc lòng với tuồng đồ - Bài 1: Nhà cách mạng "nghệ sĩ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO