Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện cuộc tổng rà soát chính sách dành cho người có công với cách mạng (gọi tắt là cuộc tổng rà soát). Ý nghĩa của cuộc tổng rà soát mang tính nhân văn, nhận được sự ủng hộ của người dân, tuy nhiên hiệu quả vẫn phải đợi thời gian khẳng định.
![]() |
Cán bộ Đoàn xã Tam Thăng rà soát chế độ chính sách tại nhà bà Nguyễn Thị Chỉnh - người có công giúp đỡ cách mạng. Ảnh: D.L |
Gấp rút ở cơ sở
Số lượng đầu việc của công tác người có công (NCC) dồn vào một lúc quá nhiều, nên hầu như ở các xã đều bị “ngập” trong các hồ sơ chính sách NCC. Ông Nguyễn Văn Anh - cán bộ LĐ-TB&XH xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) cho biết: “Trong năm 2014, bộ phận LĐ-TB&XH của xã phải khẩn trương xác lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, rồi các chế độ khác theo Pháp lệnh ưu đãi NCC mới. Tiếp đến đợt tổng rà soát phải làm khẩn trương từ ngày 27.7 đến hết tháng 8.2014. Dù cán bộ LĐ-TB&XH không trực tiếp thực hiện, nhưng là đầu mối giải đáp thông tin, chính sách để cán bộ rà soát ở các hội đoàn thể nắm và tiến hành rà soát, vì thế tiến độ chậm là điều khó tránh khỏi”. Ông Anh cho hay, toàn xã Duy Nghĩa có 1.220 đối tượng NCC, tổ công tác ở 6 thôn đã rà soát xong, tiến hành niêm yết danh sách công khai, tiếp nhận ý kiến nhân dân rồi mới tổng hợp báo cáo về huyện. Toàn huyện Duy Xuyên, chỉ có xã Duy Thành đã hoàn thành việc rà soát, niêm yết công khai danh sách và báo cáo về huyện xem xét, kết luận. Còn lại các xã khác của Duy Xuyên đã hoàn thành việc rà soát nhưng chưa thể báo cáo kết quả vì đang trong quá trình tổng hợp.
Ở TP.Tam Kỳ, xã Tam Thăng là địa phương có nhiều NCC nhất (1.138 đối tượng) nhưng lại hoàn thành việc rà soát trước tiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban rà soát TP.Tam Kỳ và sự đồng thuận, tích cực từ Ban rà soát cấp xã đến tổ rà soát ở các thôn. Xã Tam Thăng thành lập 9 tổ ở 9 thôn, với sự tham gia của ban quân dân chính, do Trưởng ban Mặt trận thôn làm tổ trưởng. Ở mỗi thôn, Ban rà soát xã cử một đảng ủy viên đứng điểm thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi. Nhờ vậy, những vướng mắc, khó khăn được kịp thời tháo gỡ và đợt rà soát nhanh chóng hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Ánh Hòa - cán bộ LĐ-TB&XH xã Tam Thăng nói: “Tuy số lượng NCC nhiều, nhưng nhờ sự tích cực của các tổ rà soát thôn nên công việc tiến hành thuận lợi. Thêm nữa, những đối tượng NCC của xã đều có sự hợp tác, giúp đỡ cán bộ hoàn thành việc rà soát. Nhìn chung, việc thực hiện chính sách ở Tam Thăng không có sai sót, chỉ những NCC có nhà ở kiên cố nên không được hỗ trợ xây nhà cho rằng họ chưa được hỗ trợ đầy đủ, hoặc thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân liệt sĩ chưa cấp được do đang đợi đính chính thông tin”.
Hiệu quả đến đâu?
Việc tổng rà soát giao cho cán bộ các hội đoàn thể cùng với tổ rà soát ở cấp thôn thực hiện, tổng hợp thì dễ, nhưng cán bộ hội đoàn thể không nắm hết chế độ chính sách nên khó điều tra thông tin. Ở đây, xuất hiện một nghịch lý là cán bộ hội đoàn thể trực tiếp điều tra nhưng lại không được tập huấn, mà cán bộ LĐ-TB&XH tập huấn rồi về truyền đạt lại. Ông Trần Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên cho biết: “Đã xuất hiện nhiều vướng mắc ở cơ sở khiến đợt rà soát còn nhiều thông tin chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Như có nhiều gia đình không chọn được người thờ cúng liệt sĩ để hưởng chế độ thờ cúng mỗi năm 500 nghìn đồng, xảy ra tình trạng thân nhân thứ yếu tranh giành nhau. Việc điều tra thông tin liệt sĩ còn nhiều khó khăn do gia đình để thất lạc giấy tờ, chỉ có cái tên mà không có thông tin về nơi chôn cất, năm sinh và năm hy sinh. Hay về chế độ thẻ bảo hiểm y tế cho con liệt sĩ, nhiều trường hợp do sai sót năm sinh trong hồ sơ liệt sĩ so với chứng minh nhân dân, hộ khẩu nên không được cấp. Ở địa phương hiện có quá nhiều hồ sơ đề nghị đính chính thông tin liệt sĩ, các xã không thể nào làm kịp”. Trong khi đó có nơi làm rất nhanh nhưng lại không đúng. Như ở huyện Đông Giang, cán bộ LĐ-TB&XH một số xã rà soát rất nhanh, đến khi phiếu được nộp lên, Ban rà soát cấp huyện phải trả lại yêu cầu xã thực hiện rà soát lại theo đúng yêu cầu, quy định.
Ông Lê Trung Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Ngay từ đầu triển khai đợt tổng rà soát, Ban rà soát cấp huyện cũng lúng túng. Công việc thường xuyên của ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện chưa xong, tiếp đến tổng rà soát nên việc chồng lên quá nhiều, gây khó cho các xã. Đợt tổng rà soát này, về chủ trương, tinh thần thì ai cũng hoàn toàn đồng ý, vì tính nhân văn và nhằm đảm bảo tính công bằng trong thực hiện chính sách đối với NCC. Nhưng cách làm theo kiểu chính quyền chủ công thực hiện cũng là chủ công rà soát nên kết quả theo yêu cầu đề ra khó đạt được, không thể phản ánh đúng thực trạng”. Theo ông Hoa, đợt rà soát chỉ đơn thuần là những cuộc gặp gỡ tận nhà đối tượng, cách thức là hỏi - đáp chứ không thể đi sâu tìm hiểu cụ thể, nên chắc chắn không thể phản ánh hết được cái đúng và chưa đúng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, danh sách sau rà soát được niêm yết tại nhà văn hóa thôn 10 ngày, nhưng liệu trong thời gian đó, không rõ có người dân nào, đối tượng nào đến xem danh sách niêm yết hay không. Tốt nhất là mang kết quả đưa tận tay đối tượng, ra thời hạn cho họ xem và trả lời, góp ý thì mới biết đúng hay không, nhưng thời gian thực hiện quá gấp gáp, nên điều đó khó thực hiện ở cơ sở.
DIỄM LỆ