(QNO) - Sáng nay 18.5, Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch HĐBCQG chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch HĐBCQG cho biết, chỉ còn 5 ngày nữa đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để đảm bảo ngày bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hội nghị được tổ chức nhằm tổng rà soát lần cuối về công tác chuẩn bị bầu cử. Qua đó HĐBCQG kịp thời lắng nghe kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương nhằm chuẩn bị chu đáo nhất để ngày bầu cử thực sự là ngày hội non sông, ngày hội toàn dân.
Hơn 69 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng HĐBCQG cho biết, cuộc bầu cử đang được các cấp, các ngành và tỉnh thành triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp và nghị quyết của HĐBCQG.
Trong 866 ứng cử viên ĐBQH, người ứng cử là phụ nữ chiếm tỷ lệ 45,38%; dân tộc thiểu số 21,36%; ngoài Đảng 8,55%; tái cử 23,56%; trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 25,87%. Người ứng cử cao tuổi nhất là 77 tuổi, trẻ nhất là 24 tuổi. Về trình độ chuyên môn, trên đại học 65,01%; đại học 33,83%; dưới đại học 1,16%.
Công tác nhân sự ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổng số người chính thức ứng cử ĐBQH khóa XV đến thời điểm này là 866 người, đạt tỷ lệ 1,73 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu.
Đối với HĐND cấp tỉnh, tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người, đạt tỷ lệ 1,66 lần (trong đó có 18 người tự ứng cử). Ở cấp huyện, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người, đạt tỷ lệ 1,66 lần (trong đó có 29 người tự ứng cử). Ở cấp xã, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người, đạt tỷ lệ 1,67 lần (trong đó có 213 người tự ứng cử).
Ủy ban Bầu cử các tỉnh thành đã chỉ đạo việc lập và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn, phân loại cử tri được quyền bầu cử và các trường hợp không được tham gia bỏ phiếu. Theo thống kê, toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo chỉ đạo của HĐBCQG, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử.
Tính đến 17 giờ ngày 14.5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐBCQG tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên. Qua phân loại có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử ĐBQH; 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp và nhiều đơn có nội dung khác. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi HĐBCQG chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước.
Chuẩn bị chu đáo cho ngày bầu cử
Theo HĐBCQG, trong công tác chuẩn bị bầu cử, nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Đồng thời áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19…
Từ nay đến ngày bầu cử (23.5), trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, HĐBCQG đề nghị Ủy ban Bầu cử các tỉnh thành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 45 ngày 20.6.2021 của Bộ Chính trị, các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo và văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử. Đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hoàn thành tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của người ứng cử, bảo đảm để các ứng cử viên được tiếp xúc, truyền tải đầy đủ chương trình hành động và thông tin về bản thân tới cử tri và nhân dân nơi ứng cử. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử, bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, đặc biệt về ý nghĩa của cuộc bầu cử, ngày bầu cử, danh sách người ứng cử, cách thức bỏ phiếu... Tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là cử tri bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ.
Rà soát kỹ các phương án bảo đảm an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ. Kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử.
HĐBCQG yêu cầu công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử ĐBQH khóa XV trong cả nước chậm nhất 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách người trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 chậm nhất 10 ngày sau ngày bầu cử.
Công tác chuẩn bị là yếu tố quan trọng
Qua tổ chức bầu cử sớm ở 6 xã biên giới của Nam Giang, để tổ chức tốt cuộc bầu cử sắp tới trong toàn tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh cho rằng công tác chuẩn bị phục vụ bầu cử là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho cuộc bầu cử thành công. Vì thế công tác chuẩn bị phải được tổ chức thật chu đáo, như tập huấn, thông tin tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất… Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục trước ngày bầu cử; rà soát, kiểm tra kỹ số lượng và danh sách cử tri, không đề xảy ra trường hợp trùng tên cử tri, sai sót về ngày, tháng, năm sinh…