(QNO) - Ứng cử viên Rodrigo Duterte tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines vào ngày 9.5 vừa qua.
Ông Rodrigo Duterte tuyên bố thắng cử Tổng thống Philippines (ảnh: wsj) |
Ông Rodrigo Duterte (71 tuổi), thị trưởng kỳ cựu khi lãnh đạo thành phố Davao trong suốt 22 năm qua. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông cam kết tập trung giải quyết nhiều vấn đề được cử tri Philippines quan tâm bao gồm phòng chống tội phạm, tham nhũng, phát triển kinh tế. Trước đây, Philippines được xem là một trong những nền kinh tế yếu kém của châu Á, nhưng hiện nay là một trong những con hổ đang lên của châu lục. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của đất nước khoảng 100 triệu dân này là 6,2%, mức cao nhất kể từ những năm 1970. Theo các chuyên gia kinh tế, thành công đó phải kể đến chiến lược vực dậy kinh tế của đương kiêm Tổng thống Benigno Aquino III, người đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2010, nay sắp hết nhiệm kỳ.
Nhận định mới nhất của Ngân hàng Thế giới trong tháng 4 mới đây, cùng với Việt Nam, Philippines là quốc gia có triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh và khả quan nhất khu vực Đông Á năm 2016. Đặc biệt, tính đến nửa năm đầu 2015, tỷ lệ người nghèo của Philippines giảm xuống còn 26,3% so với 28,8% năm 2006, mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người đã tăng 15,3% trong các năm 2012 - 2015, trong khi lạm phát giảm đã từ khoảng 12% xuống còn 9,5%. Kinh tế tăng trưởng nhanh cùng với con số kỷ lục của 4 triệu việc làm được tạo ra dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III. Nhờ đó, hiện tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp khoảng 6%. Nhưng vấn đề chính được nhiều cử tri quan tâm là tân Tổng thống Philippines cần cải thiện điều kiện làm việc, đời sống của tầng lớp công nhân.
Thách thức được đặt ra cho tân Tổng thống Philippines là làm sao duy trì thành tựu kinh tế nổi bật và tạo động lực cho phát triển kinh tế tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ trong tháng vừa qua, tỷ giá đồng tiền peso của Philippines giảm 1,9% so với đồng đô la của Mỹ. Chỉ số giao dịch trên thị trường chứng khoán Philippines sụt giảm 2,3% trong suốt 3 tuần liên tiếp. Mặc dù tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng nhưng thu hút đầu tư nước ngoài vào Philippines chưa thật sự mạnh như một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Phát biểu trên tạp chí đầu tư kinh doanh Bloomberge, Cố vấn cao cấp Phòng Thương mại Mỹ John Forbes cho biết, một trong những ưu tiên trọng tâm của tân Chính phủ Philippines hiện nay là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay, hải cảng vốn yếu kém, đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của Philippines.
Dù tăng trưởng kinh tế gây sự chú ý, không thể phủ nhận tỷ lệ đói nghèo ở Phillipines hiện vẫn còn rất cao. Philippines là một trong số ít các nước ở châu Á nằm ngoài khả năng đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về giảm nghèo vào năm 2015 (phải xuống mức 17,2%). Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tân Tổng thống Philippines phải gắn kết với việc cải thiện cuộc sống, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo cùng như tạo ra đột phá kinh tế - xã hội, đúng với kỳ vọng và mong đợi của cử tri. Giám đốc điều hành Viện cải cách chính trị và bầu cử Philippines, ông Ramon Casiple nhận định, tăng trưởng kinh tế Philippines hiện nay, rõ ràng nó không phải là vấn đề kinh tế vĩ mô, mà là kinh tế vi mô nhằm đảm bảo lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho mọi tầng lớp nhân dân.
QUỐC HƯNG