HĐND TP.Tam Kỳ có Nghị quyết 03 (25.9.2014) về phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao (TD-TT) giai đoạn 2015 - 2020. Mới đây, HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, điều chỉnh, bổ sung nghị quyết nhằm đưa văn hóa - thể thao phát triển, xứng tầm đô thị tỉnh lỵ.
Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa thể thao Tam Kỳ nhận cờ nhất toàn đoàn Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ VIII. Ảnh: X.P |
Nhiều sản phẩm
Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ VIII vừa kết thúc sau 2 năm diễn ra sôi nổi và đoàn vận động viên TP.Tam Kỳ bước lên bục cao nhất để nhận giải toàn đoàn. Đáng nói hơn, đây là lần thứ 4 liên tiếp Tam Kỳ được vinh danh ở vị trí số một. So với mục tiêu mà Nghị quyết 03 đề ra, thể thao thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như tham gia đủ 15 môn của đại hội, mang về giải nhất ở 5 môn, giải nhì 5 môn và đặc biệt là giữ vững vị trí nhất toàn đoàn đại hội. Đây được coi là “sản phẩm” ấn tượng của thể thao Tam Kỳ trong bối cảnh phong trào thể thao của nhiều địa phương, nhất là Núi Thành, Điện Bàn, Hội An đang được đầu tư phát triển khá mạnh.
Trên lĩnh vực văn hóa, thời gian qua thành phố cũng đã quan tâm đầu tư khá lớn bằng nhiều nguồn lực. Hiện đã hình thành được một số sản phẩm mang thương hiệu Tam Kỳ, trong đó đáng kể nhất là Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Với những sản phẩm như Làng bích họa, Con đường nghệ thuật thuyền thúng đã đưa Tam Thanh trở thành điểm đến của nghệ thuật cộng đồng. Với vẻ đẹp độc đáo của mình, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh được trao giải thưởng Cảnh quan châu Á năm 2017. Song hành với việc xây dựng các sản phẩm mới, thành phố cũng đã làm sống lại nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, như thành lập 13 câu lạc bộ đàn và hát dân ca tại các xã, phường; duy trì các loại hình nghệ thuật dân gian như hát dân ca, bài chòi, hát bả trạo tại xã Tam Thanh, Tam Thăng. Các lễ hội truyền thống được đẩy mạnh như lễ hội kỳ yên tại các đình làng (Tứ Bàn tiền hiền tự sở, Hương Trà, Vĩnh Bình, Thạch Tân, Mỹ Thạch, Phương Hòa), lễ hội cầu ngư nhân ngày Bác Hồ về thăm làng cá (tại xã Tam Thanh). Trong những năm gần đây, thành phố còn tổ chức lễ hội văn hóa du lịch biển Tam Thanh nhằm quảng bá đặc trưng văn hóa miền biển, thu hút được nhiều người dân trong tỉnh và du khách tham gia.
Cần giải pháp đột phá
Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 03, Tam Kỳ đã đầu tư hơn 84 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức các hoạt động; trong đó, ngân sách nhà nước 48 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 36 tỷ đồng. Hầu hết chỉ tiêu của nghị quyết đều đạt hơn 50%, một số hoàn thành 100% nhưng cũng có một số chỉ tiêu đạt khá thấp. |
Dù đạt được một số kết quả tích cực, song sự nghiệp văn hóa - thể thao vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong báo cáo trình tại kỳ họp HĐND thành phố mới đây, UBND thành phố thừa nhận đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao chưa được đồng bộ. Việc xây dựng và khôi phục các sản phẩm văn hóa được quan tâm nhưng chưa phát huy rộng rãi và chưa có sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03, một số chỉ tiêu chậm triển khai, đạt tỷ lệ thấp so với mục tiêu đề ra. Từ đó, UBND thành phố kiến nghị HĐND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như nâng mức hỗ trợ đầu tư xây mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn, khối phố; xây dựng tại xã, phường có ít nhất 1 điểm tập luyện TD-TT. Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao. Chính quyền thành phố cũng đưa ra một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp thời gian đến, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển phong trào. Tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa các nguồn lực, hình thành các sản phẩm văn hóa, thể thao có chất lượng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và du lịch.
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 03, ông Lê Hoài Ngọc - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Tam Kỳ cho rằng, sự nghiệp văn hóa - thể thao thành phố ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng hoạt động, phong trào văn hóa, thể thao nâng cao và tạo ra sức lan tỏa, thu hút nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên, để phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao, xứng tầm với vai trò, vị trí của thành phố tỉnh lỵ, thời gian đến cần có những giải pháp cụ thể mang tính đột phá. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng các sản phẩm văn hóa, thể thao đặc trưng của thành phố và từng địa phương xã, phường gắn với phát triển du lịch. Duy trì và phát huy các sản phẩm văn hóa phi vật thể, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.
XUÂN PHÚ