Dự án dò tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ do tổ chức Hành động Bom mìn Đan Mạch (Danish Demining Group - DDG) thực hiện tại huyện Duy Xuyên trong thời gian qua đã góp phần đem lại sự bình yên và an tâm cho người dân sống trên vùng đất tiềm ẩn nhiều nguy cơ do bom mìn sót lại.
Hậu quả nặng nề
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn Quảng Nam hiện có hơn 1 triệu héc ta đất bị ảnh hưởng bởi bom mìn và đến nay, mới có chưa đến 10% diện tích ô nhiễm được rà sạch. Sau chiến tranh, toàn tỉnh có hơn 6.500 người chết và hơn 8.850 người bị thương bởi tai nạn bom mìn. Đó chính là lý do để DDG triển khai hoạt động của mình tại Quảng Nam vào tháng 1.2013 với dự án giáo dục nguy cơ bom mìn nhằm trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh. Tiếp nối thành công của dự án này, từ tháng 9.2014, DDG triển khai dự án rà phá bom mìn tại Duy Xuyên.
xã Duy Nghĩa là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn tồn sót sau chiến tranh. Khảo sát của các đội liên lạc cộng đồng DDG cho thấy, địa phương này có 102 khu vực nguy hiểm và 149 điểm ô nhiễm xác thực. Điểm xác thực là một điểm hoặc một khu vực nhỏ có bằng chứng xác thực là có một hoặc nhiều vật liệu chưa nổ hay bom mìn còn sót lại. Đây thường là một điểm có vật liệu chưa nổ được người dân địa phương phát hiện và chôn lấp sau đó.
Gần 10 năm trôi qua, nhưng người dân thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa vẫn không quên trường hợp tử vong của chồng chị Văn Thị Bông. Trong khi rà tìm phế liệu, chồng chị Bông bị một quả bom sót lại phát nổ và tử vong tại chỗ. Cũng ở xã Duy Nghĩa, năm 1995 xảy ra vụ tai nạn thương tâm đối với anh Phạm Văn Bắc khi anh đang lấy thuốc nổ bên trong một quả bom dài 1,5m. Từ khi anh Bắc qua đời, 6 người con của anh phải nghỉ học sớm để phụ giúp mẹ mưu sinh. Nhiều người dân Duy Xuyên cũng đã phải trả giá đắt, kể cả tính mạng khi kiếm sống bằng công việc rà tìm phế liệu hoặc lấy thuốc nổ từ bom mìn. Những cái chết đau đớn như vậy luôn để lại nỗi ám ảnh và vất vả cho người thân... Vì vậy, khi nghe tin DDG thực hiện dự án dò tìm, xử lý mìn và vật liệu chưa nổ, chị Văn Thị Bông bày tỏ vui mừng cho biết, đây là mong muốn bao nhiêu năm nay của chị và những người dân Duy Xuyên. Còn ông Phan Văn Nhĩ, hàng xóm của anh Bắc chia sẻ: “Từ khi anh Bắc bị tai nạn do bom mìn, người dân trong khu vực làm vườn trong tâm trạng thắc thỏm vì sợ hiểm họa bom mìn, nên khi DDG triển khai dự án, người dân Duy Nghĩa rất mừng, bớt mối lo thường trực lâu nay”.
Đội liên lạc cộng đồng mới phát hiện quả đạn 122mm trong vườn nhà chị Hà (vợ anh Bắc). Bên cạnh là luống rau chị Hà đang canh tác. Ảnh: C.NỮ |
Đất chết hồi sinh
Tính đến thời điểm này, DDG là tổ chức phi chính phủ quốc tế duy nhất triển khai hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo tại Quảng Nam với chi phí gần 850 nghìn USD. Ông Clinton Smith - Giám đốc chương trình DDG cho biết, Duy Xuyên là một trong những địa phương nằm trong vùng chiến sự ác liệt trước đây. Trong quá trình thực hiện dự án giáo dục nguy cơ bom mìn tại đây vào 2 năm 2013 - 2014, DDG đã thu thập được rất nhiều thông tin về bom mìn còn sót lại từ người dân, điều này cho thấy nhu cầu rất cấp thiết về rà phá bom mìn ở Duy Xuyên. Cùng với đề xuất từ chính quyền tỉnh Quảng Nam, DDG đã quyết định thực hiện dự án tại đây để giảm nguy cơ thương vong từ mìn và vật liệu chưa nổ, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của chiến tranh.
Từ khi thực hiện dự án, các đội liên lạc cộng đồng của DDG đã hoàn thành khảo sát tại 36 thôn của 6 xã gồm Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Tân, Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Châu của huyện Duy Xuyên với hơn 47 nghìn người được hưởng lợi. Đồng thời các đội cũng xác định được 156 khu vực nguy hiểm với diện tích 9.492m2 đã được đánh dấu, xác định 321 điểm ô nhiễm xác thực và 549 vật liệu chưa nổ. Đáng chú ý, từ đầu tháng 6.2015 đến nay, 2 đội kỹ thuật DDG đã triển khai hoạt động dò tìm, xử lý và đã hoàn thành 24 nhiệm vụ xử lý các điểm ô nhiễm xác thực, bao gồm cả việc hủy nổ vật liệu chưa nổ tại 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa. Qua đó, rà soát, làm sạch 39 điểm ô nhiễm xác thực, phát hiện và hủy nổ 194 vật liệu chưa nổ, đem lại sự bình yên cho hơn 1.000 người dân trong vùng. “Hoạt động khảo sát sẽ tiếp tục thực hiện tại các xã, thị trấn còn lại của Duy Xuyên, và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Chúng tôi hiểu rằng các huyện khác trong tỉnh cũng có nhu cầu rà phá bom mìn còn sót lại. DDG đang nỗ lực tìm kiếm nguồn kinh phí để mở rộng hoạt động sang các huyện này cùng với sự tham mưu của chính quyền Quảng Nam” - ông Clinton Smith nói.
Rồi đây, với các hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo, hàng nghìn héc ta đất ở Duy Xuyên sẽ được làm sạch, đất lành sẽ được trả lại cho người dân…
CHÂU NỮ