(QNO) - Cử tri Quảng Nam kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Nội dung: đề nghị xem xét chuyển giao công tác giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng từ các ban quản lý và bảo vệ rừng hiện nay về cấp huyện; đồng thời quy rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ rừng, góp phần làm giảm tình trạng phá rừng hiện nay.
Bộ NN&PTNT có văn bản trả lời như sau: việc phân cấp quản lý các ban quản lý rừng đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24.12.2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng; Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9.6.2015 về việc ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ.
Trong đó UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng ở địa phương; trực tiếp quản lý các vườn quốc gia; phân cấp quản lý các khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài, sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan (Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP) và việc phân cấp quản lý đối với rừng phòng hộ (Điều 7 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg).
Về trách nhiệm của UBND các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 8.2.2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó trách nhiệm của UBND cấp huyện được quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định 07/2012/QĐ-TTg.
Đồng thời, ngày 8.8.2017 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó có nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của toàn dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, cụ thể như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; điều tra đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy định, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng…
Q.CHÂU (tổng hợp)