Trả lời kiến nghị cử tri về giáo dục

TÂY BÌNH (tổng hợp) 18/04/2017 08:31

Nhiều kiến nghị của cử tri Quảng Nam liên quan đến giáo dục từ bậc mầm non đến THCS được Bộ GD-ĐT trả lời cụ thể bằng văn bản.

Cụ thể, cử tri tỉnh đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16.3.2015 (viết tắt: Thông tư 06) quy định về danh mục khu vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo hướng tăng số người thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ không quá 3 người, việc bố trí 2 người trong 4 vị trí việc làm như hiện nay là không phù hợp. Đồng thời xem xét bố trí kinh phí để hợp đồng lao động nấu ăn cho các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 06.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ ban hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo đó quy định cụ thể: nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ, trên cơ sở mô tả khung năng lực của các vị trí việc làm (trong đó có công việc phục vụ), căn cứ vào khối lượng, tính chất công việc vị trí việc làm này đều phải thực hiện kiêm nhiệm để phù hợp với tình hình thực tiễn trên tinh thần tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Việc chế độ chi trả cho nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non được thực hiện theo hợp đồng lao động. Các trường mầm non căn cứ vào khối lượng công việc để xác định mức lương cho nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non. Về nguồn kinh phí trả lương cho nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non công lập sẽ do ngân sách địa phương chi trả theo phân cấp quản lý hiện hành. Bộ GD-ĐT đề nghị Đoàn ĐBQH Quảng Nam giám sát và yêu cầu UBND tỉnh căn cứ quy định nêu trên và khả năng ngân sách của địa phương để chỉ đạo và tổ chức thực hiện Thông tư 06.

Về kiến nghị xem xét, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS là người dân tộc thiểu số có thêm một năm củng cố kiến thức trước khi bắt đầu học THPT, nhằm rèn luyện kỹ năng nghe, nói tiếng Việt, cải thiện chất lượng học tập của người dân tộc thiểu số, Bộ GD-ĐT cho rằng điều này không cần thiết. Theo quy định của Luật Giáo dục, học sinh tốt nghiệp THCS là đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Sau 4 năm học cấp THCS (9 năm học kể cả cấp tiểu học), học sinh được nhiều lần đánh giá thường xuyên, định kỳ… trong đó có kỹ năng nghe, nói tiếng Việt. Như vậy, nếu học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS là đã đủ kiến thức, kỹ năng để học tập ở cấp THPT.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng trả lời cử tri việc kiến nghị Nhà nước có chính sách miễn học phí đối với học sinh bậc mầm non và THCS. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Quốc hội (hiện nay đang báo cáo Chính phủ phê duyệt), trong đó đề xuất nhiều phương án liên quan. Cụ thể, thực hiện chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2018. Miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS từ năm 2020. Đối với các cấp học chưa được miễn học phí theo lộ trình trên thì vẫn thực hiện cơ chế thu học phí và thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo, học sinh dân tộc như quy định hiện nay.

TÂY BÌNH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trả lời kiến nghị cử tri về giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO