Trả màu xanh cho sông

BÍCH HẠNH 08/05/2015 08:05

Nhiều địa phương đã nỗ lực trả lại màu xanh cho khu vực hạ lưu các dòng sông, lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường bền vững.

Khôi phục đa dạng sinh học

Những ngày nắng nóng kéo dài, lượng khách du lịch đã đổ về dã ngoại ở vùng sông nước Cẩm Thanh, Cẩm Kim (TP.Hội An) tăng đột biến. Các tour lữ hành, người dân địa phương bắt đầu khai thác lợi thế du lịch không gian xanh của rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh. Từ lâu nơi đây hình thành nên nghề khai thác các sản phẩm cây dừa nước, cải thiện thu nhập cho người dân. Trước hiện tượng nước biển xâm thực vào đất liền mà TP.Hội An là địa phương gánh hậu quả nặng nề nhất, nhiều năm qua, chính quyền đã chủ động khôi phục đa dạng sinh học rừng ngập mặn ở hạ lưu sông Thu Bồn. Tận dụng nguồn vốn của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ, thành phố đã nhân rộng mô hình, vận động nhân dân tham gia trồng mới hàng nghìn cây dừa nước và trồng bổ sung ở các khu vực còn thưa thớt mật độ cây. Ở những vùng cửa sông bị xói lở, diện tích rừng dừa nước được khôi phục và mở rộng lên hơn 50ha. Hội Nông dân xã Cẩm Thanh gần đây chủ trương khuyến khích hội viên làm giàu từ việc khai thác hợp lý rừng dừa nước. Theo người dân địa phương, trồng dừa nước trước hết bảo vệ, ngăn dòng chảy, chống sạt lở đất, làm sạch môi trường và cái lợi lớn hơn là có nguồn nguyên liệu để bán ra thị trường. Điều ngạc nhiên là ở vùng ven biển Hội An không đầu tư âu thuyền tránh bão, nhưng tại khu vực Vạn Lăng xã Cẩm Thanh từ lâu được ngư dân đưa hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ vào rừng dừa neo đậu an toàn.

Rừng dừa nước ở Cẩm Thanh. Ảnh: B.H
Rừng dừa nước ở Cẩm Thanh. Ảnh: B.H

Theo thống kê, hơn 80% số lao động ở xã Cẩm Thanh sống phụ thuộc vào khai thác thủy sản và nghề thủ công tạo sản phẩm từ cây dừa nước cùng các hoạt động phát triển dịch vụ du lịch. Khi Hội An chủ trương phát triển thành phố sinh thái, tận dụng tối đa thế mạnh hình sông và không gian xanh, giá trị của rừng dừa Bảy Mẫu đã được khẳng định rõ. Trong vẻ đẹp cổ kính ở các đường phố, ngôi nhà cổ vẫn có chỗ đứng cho các sản phẩm trang trí từ cây dừa. Độc đáo ở miền quê thanh bình Cẩm Thanh là các ngôi nhà dừa, dù dừa, nhiều trang trí nội thất trong gia đình cũng từ cây dừa. Riêng lĩnh vực trang trí cho các nhà hàng, quán bar từ các sản phẩm của cây dừa nước đã đem về doanh thu hàng năm cho xã không dưới 10 tỷ đồng. Cùng với đó, những mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống trong rừng dừa cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân.

Bình yên rừng ngập mặn

Giai đoạn 2011 - 2015, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, hơn 7,5 tỷ đồng đã đầu tư khôi phục rừng dừa nước Bảy Mẫu. Và mới đây,  Bộ Tài nguyên - môi trường đã quyết định đưa vùng đệm ở Hội An vào kế hoạch trồng rừng ngập mặn giai đoạn 2016 - 2020. Theo chính quyền TP.Hội An, địa phương định hướng phát triển Cẩm Thanh theo hướng làng quê sinh thái đặc thù gắn với du lịch dịch vụ, trong đó ưu tiên bảo tồn và mở rộng diện tích rừng dừa, nhất là tại các vùng ngập nước và vùng bị xói lở. Khi vùng đệm Cẩm Thanh che chắn tốt thì các mục tiêu bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lào Chàm - Hội An sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa quyết định phân bổ 3.000 tỷ đồng cho các địa phương ven biển (trong đó có Quảng Nam) thực hiện các dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu gồm các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn và các dự án cấp bách...

Nằm ở đầu sóng ngọn gió, xã đảo Tam Hải (Núi Thành) thường gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Sau khi đã trồng dặm hơn 2ha rừng dọc cửa sông, chính quyền tổ chức họp dân, bàn bạc thống nhất những quy định bảo vệ rừng cây, khuyến khích ngư dân đánh bắt cá trên sông tham gia giữ rừng. Ở làng chài Cồn Si, người dân rất ý thức giữ gìn cây rừng. Người đánh lưới, hay mò cua bắt ốc ở đây đều tự giác bảo vệ từng thân cây. Bởi đơn giản họ hiểu rằng, nếu không còn đước, mắm thì tương lai làng sẽ bị sông nuốt trôi. Theo Sở NN&PTNT, tỷ lệ cây sống trồng ở khu vực ngập mặn nơi đây chiếm hơn 70%. Vào mùa, chính quyền còn tổ chức cho nhân dân đồng loạt thu nhặt hạt rơi rụng, tiến hành ươm bầu và trồng đại trà. Ngoài các loại cây ngập mặn vài năm tuổi, dọc cửa sông cửa biển này vẫn còn nhiều loại cây trồng ngập mặn to lớn. Chính quyền xã Tam Hải xác nhận, trước đây có nhiều trường hợp phá rừng ngập mặn bị xử lý và thông báo công khai trên đài truyền thanh xã nhưng hai năm gần đây trên địa bàn không xảy ra vụ việc nào.

Tương tự, tại các xã Tam Hòa, Tam Giang (Núi Thành), chính quyền kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng. Ở sát cửa An Hòa, năm 2010 hơn 60ha rừng ngập mặn trồng mới từ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu bây giờ đã phát triển rậm rạp. Nhiều cánh rừng cổ thụ ở thôn Đông Xuân (xã Tam Xuân) còn nguyên vẹn. Quy định bất thành văn ở đây là người dân chỉ được phép lấy củi khô và tỉa cành lá sum sê chắn lối ra vào của ghe thuyền. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ nay đến năm 2020, nguồn vốn cho phát triển rừng sẽ ưu tiên khu vực ven biển. Trước mắt sẽ phủ xanh 30ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh; khi vốn được bố trí, lần lượt những khu vực xung yếu ven biển sẽ được phủ xanh rừng.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trả màu xanh cho sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO