Trà Nhiêu không xa Hội An, không nằm tách biệt, không đò giang cách trở, cảnh vật yên bình. Vậy mà bao năm nay, làng du lịch sinh thái cộng đồng này vẫn “ngủ quên” giữa bao đưa đẩy, phát triển…
Đường vào Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu.Ảnh: SONG ANH |
Cây cầu Cẩm Kim hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều người đặt kỳ vọng vào sự phát triển của những vùng lân cận Hội An. Trà Nhiêu không là một biệt lệ. Nhưng rất khó khăn cho người quê xứ này khi phải chật vật tìm đường sống từ nguồn du lịch. Âu là điều tất yếu, khi không có sự hỗ trợ từ những người làm du lịch chuyên nghiệp…
Dưới bóng làng xưa
Ông Trần Duy Năm nói: “Tỉnh mình có nhiều làng du lịch cộng đồng, nhưng lại không xây dựng quy chế ràng buộc nghĩa vụ giữa các công ty lữ hành và làng quê. Bao nhiêu cơ sở hạ tầng của Trà Nhiêu đã xuống cấp nhưng vẫn chưa có tiền để sửa chữa, xây dựng. Hãng lữ hành nếu có tâm thì đóng góp lại cho làng vài đồng, không thì im re vậy đi. Thiếu cả một người chuyên trách làm phần việc liên kết giữa du khách, hãng lữ hành và người làng. Ban điều hành thì cũng chỉ là dân đứng ra làm với nhau, đâu ai có kinh nghiệm làm du lịch, rồi còn bị chi phối đủ điều. Chỉ có một người thường trực chuyên trách do Sở VH-TT&DL đưa về làm thì mới có cơ may vực dậy du lịch ở làng”. |
Tháng 7.2010, Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) chính thức ra mắt mô hình làng du lịch sinh thái cộng đồng. Đường sá được cải tạo, rào kẽm gai được thay bằng hàng chè tàu. Làng xanh từ lối dích dắc dẫn vào cho đến không gian bên trong. Mọi thứ đã sẵn sàng cho những cuộc tiếp đón khách tham quan. Ông Trần Duy Năm - nguyên Trưởng ban Chủ nhiệm Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu nhớ lại, lúc đó người dân hoan hỉ sắm đủ thứ để chuẩn bị làm du lịch, như người ở phố Hội vậy. “Hồi đó có tới 80 hộ được cử đi tập huấn do Sở VH-TT&DL tổ chức. Rồi người làng hùn nhau thành lập các nhóm ngành nghề thủ công để làm thêm mục du lịch trải nghiệm. Nhưng cuối cùng bỏ hết. Đâu chừng hoạt động được gần một năm, bao nhiêu hãng lữ hành tới thử nghiệm, rồi cũng lắc đầu vì quá ế khách. Dân cũng chẳng còn mặn mà” - ông Năm nói. Nhưng không phải Trà Nhiêu lên làng du lịch thì mới đẹp. Căn cốt của làng đã hữu tình tự thuở xa xưa.
Ông Trần Toàn, người cao tuổi nhất làng, vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ lại những chuyện ngày xưa. Ông nói, xưa làng này đẹp nhứt nhì sông Bàn Thạch, chiếu cói cũng từ đây mà ra. Làng chỉ thuần làm nông nghiệp, rồi một ít làm lưới sông, đi biển. Thời của dinh trấn Thanh Chiêm, Trà Nhiêu là một cái tên đặc biệt. Ra đời trước cả thương cảng Faifo (Hội An), một phần lịch sử của làng gắn liền với những cuộc giao thương quốc tế. Vị trí thương cảng được chuyển đổi từ thế kỷ XVI, Trà Nhiêu cũng trở nên vắng bóng trong lịch sử thương mãi nước Việt từ đó. Vết dấu xưa không còn.
Thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Trà Nhiêu trở thành ngôi làng ác liệt trong chiến chinh. “Làng kháng chiến”, khu dồn Xuyên Long, đủ để gợi nhắc về hành trình của làng thời kháng chiến. Và còn mang cả những đặc trưng của một ngôi làng ở vùng cửa sông, cửa biển. Có rừng dừa ngập nước xanh mướt một khoảng trời. Bao bọc, len lỏi khắp các ngõ ngách sông nước. Hệ rừng dừa ngập nước Trà Nhiêu đủ làm nên một loại hình du lịch riêng biệt, nếu biết cách khai thác. Không chỉ vậy, những gì hiện ra ở làng đủ ghi sâu vào mắt nhìn người đến thăm về một khung cảnh làng Việt bình yên. Nhà nào cũng đầy bóng cau. Nhà nào cũng sẵn sàng mở cửa cho người viếng thăm.
Và Trà Nhiêu còn khiến người ta phải xao xuyến hơn thế, khi nhìn những đôi tay thoăn thoắt trên các khung dệt chiếu. Đủ sắc màu nhuộm thêm cho nắng ươm. Từ dừa nước, những sản phẩm nghệ thuật ra đời. Trà Nhiêu đủ điều kiện để trở thành nơi hấp dẫn với du khách ưa trải nghiệm những điều mới lạ, hoặc chọn nghỉ dưỡng sau những ngày lao động mệt nhọc. Thế nhưng, mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại. Dưới bóng những ngôi nhà làm theo lối nhà vườn, người trẻ đi hết, chỉ còn bóng người già loanh quoanh, đuổi mấy con gà, tưới mấy vuông rau, luống hoa…
Sử dụng miễn phí cảnh quan
Dân ở làng đã quá quen với việc mỗi trưa có đoàn khách qua đây, ầm ĩ một chặp, kéo đến cuối làng ăn uống ở nhà hàng, rồi đi. Không mua quà lưu niệm. Không tham gia các hoạt động du lịch của làng. Họ đang “xài miễn phí” cảnh quan mà người làng đã tạo dựng. |
Ngay cả ông trưởng thôn Trà Đông, ông Dương Văn Trường cũng đành ngậm ngùi lắc đầu khi nhìn những đoàn khách - mà theo ông là người Trung Quốc kéo vào làng ăn trưa, rồi đi. Hàng ngày, làng tiếp phải đến hơn chục khách như thế. Và Trà Nhiêu chỉ là một điểm dừng chân vào buổi trưa cho tour khách này. “Công ty Phú Vinh thuê lại nhà điều hành để khai thác. Do thấy cũng để không nên chính quyền quyết định cho họ làm” - ông Trường nói. Mỗi năm, phí thuê nhà chỉ có 10 triệu đồng, bình quân mỗi tháng chưa đến 1 triệu đồng. Nhưng vì cũng không sử dụng, nên coi như khoán trắng cho công ty này. Dân ở làng đã quá quen với việc mỗi trưa có đoàn khách qua đây, ầm ĩ một chặp, kéo đến cuối làng ăn uống ở nhà hàng, rồi đi. Không mua quà lưu niệm. Không tham gia các hoạt động du lịch của làng. Và dĩ nhiên, công ty này sau khi đã trả mỗi năm 10 triệu đồng để “thuê mặt bằng”, thì họ không hề đóng góp thêm một khoản nào để duy trì và phát triển các hạng mục của làng. Họ đang “xài miễn phí” cảnh quan mà người làng đã tạo dựng. Dân biết. Những người trong Ban điều hành nắm rất rõ điều này. Nhưng đành đứng nhìn, bởi không có điều khoản nào ràng buộc họ phải đóng góp để bảo tồn cảnh quan làng quê. Càng không có ai quy định họ phải sử dụng hoặc mua bán dịch vụ ở địa phương.
Cầu tre vào khu rừng dừa nước của làng Trà Nhiêu đã xuống cấp. |
Để năm 2010 ra mắt mô hình làng du lịch sinh thái cộng đồng và chính thức đón khách, từ năm 2008 Trà Nhiêu đã được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch bài bản. Sau một thời gian giao cho làng tự quản không có hiệu quả, đến tháng 7.2013, hãng lữ hành quốc tế Lê Nguyễn chính thức tiếp quản mọi hoạt động du lịch của làng. Các dịch vụ du lịch được nêu ra khi ấy gồm: cụm lưu trú homestay; tour du lịch khám phá sông nước; khu du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ dệt chiếu, đan lát; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng làng quê… Tuy nhiên, đâu chừng gần một năm, Lê Nguyễn tự rút lui vì không thể kéo khách về. Ông Trần Duy Năm nói, đã huy động dân cùng làm nhưng đúng là không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào du lịch. Nghề đan lát chiếu cói không đủ sức nuôi sống dân. Trong khi đó hàng thủ công mỹ nghệ từ chiếu cói thì giá thành lại quá rẻ, cũng ít người mua. Mà dân làng cũng không thể ở nhà đợi từng người khách vào làm nghề với họ. Mặc nhiên người trẻ kéo nhau đi làm công nhân, làm phục vụ cho các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Hội An.
Điều duy nhất sau khi Trà Nhiêu “lên đời” làng du lịch sinh thái cộng đồng, là ý thức người dân tại đây về việc gìn giữ cảnh quan đã nâng lên đáng kể. Mọi không gian đều được làm theo nguyên tắc thoáng đãng, xanh tươi. Ngay cả tiếng ồn cũng được giảm thiểu. Hơn 50% số dân của làng làm nghề biển. Sau những chuyến đi biển xa gần, họ về lại làng, và vẫn không hay biết, hay chẳng hề để tâm đến những bận bịu của một ngày làng du lịch mà vắng khách. Và hình như đa số người ở Trà Nhiêu bây giờ cũng vậy, họ đã quên mình từng được chọn để làm du lịch cộng đồng?
Ghi chép của SONG ANH - PHAN VINH