Cuối năm, theo lẽ thường, người ta bắt đầu cuống quýt với những món nợ. Nhỏ như nợ mắm muối ở các tiệm tạp hóa, nhiều nhà cũng phải lo mà trả cho xong, bởi cuối năm là thời hạn ngầm để thanh toán nợ. Những món nợ lớn hơn, ví như vay mượn tiền bạc thì khỏi phải nói, nếu không nhớ thì cũng có người nhắc, nên lo lắng là chuyện hẳn nhiên của nhiều con nợ. Bởi vậy ở thời điểm này, lan man trong các câu chuyện, nhiều người xì xào về nợ nần của Nhà nước, của tư nhân, từ nợ miệng đến nợ tiền bạc, nợ chỉ tiêu, nợ công cán ơn nghĩa... Trả nợ là trách nhiệm, thậm chí trả nợ theo kiểu đảo nợ cũng được ghi nhận là có trách nhiệm với những món nợ nần.
Nhưng cũng có những món nợ mà người vay mượn đã chối bỏ trách nhiệm, như trường hợp của Công ty Vàng Bồng Miêu, dù nợ nần chồng chất vẫn không có mặt tại hội nghị chủ nợ được tổ chức cách đây chưa lâu. Hàng trăm chủ nợ phải làm một việc chẳng đặng đừng là bỏ phiếu đồng ý để công ty này phá sản. Phương án này có vẻ rất thuận lợi đối với doanh nghiệp, bởi tài sản của họ đặc thù của ngành khai khoáng và là tài sản gắn liền trên đất tại mỏ vàng nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ để khai thác vàng, còn nếu khi thanh lý thì giá trị rất thấp. Thậm chí tài sản này còn gây rắc rối cho địa phương trong việc bảo vệ, kể cả bảo vệ khỏi những ảnh hưởng cho môi trường. Lý do này đã khiến nhiều người sốt ruột, nhất là khi xem lại những đoạn video được đăng tải trên mạng: những thỏi vàng đã được công ty lấy đi từ lòng đất, óng ánh.
Mấy hôm nay, tôi cũng sốt ruột khi theo dõi vụ bắt giữ hàng trăm ký chất độc cyanua được chuyển lên để phục vụ việc khai thác vàng. Tình trạng chuyển cyanua phục vụ khai thác vàng đã diễn ra lâu rồi, thỉnh thoảng vẫn được phát hiện nhưng nó cứ vẫn diễn ra như kiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông, có đi xe là có vi phạm. Trong khi thực tế, cyanua là chất cấm, được cho là sẽ đầu độc nguồn nước, ngấm vào đất ở phía thượng nguồn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Và cyanua được chuyển lên vùng tây của tỉnh chủ yếu là để khai thác vàng nên nếu chấp nhận cho tồn tại những bãi vàng với công nghệ khai thác lạc hậu, trái phép thì sẽ còn những vụ vận chuyển tương tự. Trong khi đó, ở vùng tây của tỉnh, nhất là tên địa bàn Phước Sơn hiện có hàng chục điểm khai thác vàng quy mô lớn nhưng chỉ 5 điểm mỏ có giấy phép khai thác. Còn ở khu vực Bồng Miêu thì nạn khai thác vàng trái phép vẫn âm ỉ diễn ra. Bởi vậy, nếu cố ý ghép những tình tiết nợ nần của Công ty Vàng Bồng Miêu với tình hình khai thác vàng hiện nay trên địa bàn tỉnh, ta sẽ thấy được những “khoản nợ” trách nhiệm quản lý vẫn chưa được thanh toán dứt điểm!
C.B.L