Trả nợ biển khơi

PHAN VINH 20/09/2017 14:38

(QNO) - Anh 37 tuổi, thoạt nhìn ngỡ đã ngoài 50 vì những nếp nhăn ở khuôn mặt, vài sợi bạc trên mái đầu và nước da đen sạm. Duy chỉ có đôi mắt vẫn trẻ, vẫn khao khát được giúp người, giúp đời...

Từ năm 2015 đến nay, anh Nghĩa đã cứu được 3 trường hợp đuối nước. Ảnh. PHAN VINH
Anh Nguyễn Tấn Nghĩa quan sát việc tắm biển của người dân. Ảnh. PHAN VINH

Ám ảnh ký ức

Như bao chàng trai miền biển, anh Nguyễn Tấn Nghĩa (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) lớn lên cũng theo nghề cha ông vươn khơi đánh bắt xa bờ. Lúc bấy giờ, ở Bình Minh đa số ngư dân đều đi biển để câu mực. Mỗi chuyến đi mất hơn 1 tháng trời mới về lại đất liền. Anh Nghĩa làm thuê cho một chủ thuyền ở Đà Nẵng. “Nói là làm thuê nhưng mọi dụng cụ như thúng chai, đồ câu mực và tiền dầu máy tôi đều phải tự lo. Chủ thuyền chỉ chở mình ra - vô và lấy 20% số tiền thu được sau khi vào đất liền bán mực cho con buôn. Đã vậy, trước đây giá hải sản không đắt đỏ như bây giờ, mỗi chuyến ra khơi, ròng rã trên biển hơn 1 tháng nhưng thu nhập chỉ ở khoảng 2 - 3 triệu đồng” - anh Nghĩa chia sẻ. 

Thế nhưng, trong ký ức những người từng đi biển như anh Nghĩa, những khó khăn trên không ám ảnh bằng các trận cuồng phong, bão dữ của biển khơi. Thời gian đó, anh Nghĩa lần lượt chứng kiến bạn bè đồng lứa đi biển nhưng mãi không trở về. Còn với anh, chuyện gì đến cũng sẽ đến, khoảng tháng 5.2006, sau gần 1 tháng vươn khơi câu mực, anh Nghĩa và các thuyền viên còn lại đang chuẩn bị đánh mẻ cuối cùng để vào bờ thì đài báo có bão - cơn bão Chanchu. Lúc bấy giờ, thuyền ở vị trí 20 độ vĩ Bắc - 117 độ kinh Đông, cách đất liền 350 hải lý.

“Hồi đó còn có 4 thuyền khác đánh bắt gần thuyền chúng tôi. Đài vừa báo xong thì khoảng một lúc sau, gió bắt đầu mạnh dần. Mấy anh em trên thuyền đành lòng vứt hết thúng chai xuống biển để cản bớt sóng, đồng thời thả các thùng đựng nước uống xuống biển để kìm đầu thuyền cho khỏi nhấp cao. Trên thuyền còn có 2 người anh em họ của tôi, chúng tôi bắt đầu cột tay chung lại với nhau và kèm theo 3 thùng nhựa rỗng, với hy vọng duy nhất là nếu có chuyện gì xảy ra cũng sẽ trôi được vào đất liền. Sóng càng lúc càng mạnh hơn, đánh vỡ nhiều mảng thân thuyền, ai cũng cầu khẩn. Còn tôi, giữa lằn ranh sống - chết, đã tự hứa với lòng mình rằng nếu may mắn sống sót thì sẽ bỏ nghề biển” - anh Nghĩa kể.

May mắn khi các thuyền trên không gần tâm bão nên sức gió không mạnh bằng những nơi khác. Các anh sống sót trở về. Khoảng thời gian chống chọi với bão Chanchu trên biển ám ảnh mãi trong ký ức của anh Nghĩa. Sau bão, anh không đi biển nữa mà bắt đầu làm lại nghề cơ khí đã từng học trước đó.

Hạnh phúc khi được cứu người

Năm 2014, trong một lần ngồi chơi ở bãi tắm Bình Minh, thấy một nhóm học sinh đang tắm biển thì bất ngờ có 1 em bị đuối nước kêu cứu, anh Nghĩa liền chạy ra ứng cứu nhưng vì vị trí tắm này có hục sâu và dòng nước xoáy nên anh đành bất lực, không thể đưa em ấy vào bờ được kịp lúc. Sau đó, anh trăn trở về công tác cứu nạn cứu hộ biển tại địa phương. Cứ vào buổi chiều, anh lại tìm ra biển, cùng với lực lượng cứu hộ quan sát, nhắc nhở việc tắm biển.

Khoảng 3 năm gần đây, bãi tắm Bình Minh ít xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh. VĂN HÀO
Khoảng 3 năm gần đây, bãi tắm Bình Minh ít xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh. Q.C

Anh Nghĩa chia sẻ: “Trước đây, ở bãi tắm Bình Minh không có phao cảnh giới nên việc người dân bị đuối nước rất dễ xảy ra. Mặt khác, lực lượng cứu hộ lúc bấy giờ cũng rất mỏng, chỉ có 2 người túc trực dưới nước, vì vậy, khi có sự cố thì khó xử lý kịp thời. Trước thực trạng như vậy, năm 2015, tôi đã xin vào làm trong Đội cứu hộ bãi tắm Bình Minh với hy vọng góp sức giúp người”.

Theo ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng đuối nước ở bãi tắm Bình Minh giảm đáng kể. Ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất như phao cảnh giới, thúng chai cứu hộ, chòi canh... thì đóng góp của Đội cứu hộ thuộc Ban quản lý bãi tắm Bình Minh cũng rất đáng kể. “Trong đó, đặc biệt có anh Nghĩa - người trở về từ bão Chanchu, rất nhiệt tình tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ an ninh bãi tắm, luôn đi sớm về trễ. Ngoài ra, anh Nghĩa còn tham gia tốt vào công tác từ thiện tại địa phương, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn có điều kiện làm ăn, vươn lên trong cuộc sống” - ông Tám nói.

Từ đó đến nay, anh Nghĩa đã cứu sống 3 trường hợp đuối nước. Lần gần đây nhất, vào tháng 3.2016, khoảng 14 giờ, có một nhóm học sinh đang tắm biển tại bãi tắm Bình Minh. Thấy vậy, anh Nghĩa ra nhắc nhở các em tắm trong khu vực an toàn. Thế nhưng, vì ham vui nên có 2 em đã đi ra xa đến khu vực nguy hiểm và bị đuối nước. Anh Nghĩa cùng lực lượng cứu hộ lập tức bơi ra, nhưng vì sóng quá to nên các em nhanh chóng bị cuốn xa. Bằng những nỗ lực của mình, anh cố gắng cứu được 1 em giao cho người khác đưa vào bờ. Dù đã rất mất sức khá nhiều nhưng anh vẫn tiếp tục lặn để tìm em còn lại. Thế nhưng, khi nắm được người em ấy đưa lên thúng thì sóng mạnh đánh lật thúng và anh lại tiếp tục đưa em lên nhưng không thể cứu được. Sau vụ đó, anh Nghĩa được mọi người đưa đến Trạm Y tế xã cấp cứu trong tình trạng mất sức và suy hô hấp.

“Tôi và các anh em trong đội luôn tăng cường công tác theo dõi, giám sát và nhắc nhở người dân để hạn chế tối đa việc xảy ra đuối nước. Tuy nhiên, tai nạn khó tránh khỏi. Mỗi lần nhìn thấy người được mình cứu sống sót, tôi rất hạnh phúc. Còn lại, mọi thứ quà cáp của gia đình nạn nhân gửi cảm ơn, tôi tuyệt đối không nhận và dặn dò điều này với tất cả anh em trong đội. Làm công việc cứu hộ, gia đình tôi thường can ngăn vì rất nguy hiểm, dễ rước họa vào thân. Nhưng tôi nghĩ đây là cách tôi trả nợ biển, trả nợ đời” - anh Nghĩa tâm tình.

PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trả nợ biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO