Trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản: Sẽ về đích sớm

TÙY PHONG 10/08/2016 09:48

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng khẳng định thời gian tới tất cả nguồn tăng, vượt thu đều bố trí trả nợ. Năm 2017, cơ bản sẽ giải quyết xong khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ năm 2014 trở về trước.

Đã trả gần 2/3 nợ đọng

Sở KH&ĐT công bố số nợ đầu tư XDCB thống kê đến ngày 31.12.2014 là 2.972 tỷ đồng đã được thay đổi. Ngay năm 2015, các nguồn ngân sách đã bố trí 1.550 tỷ đồng và năm 2016 đã bố trí thêm 411 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng XDCB.

Hiện 6 địa phương và 13 sở, ngành đã bố trí vốn thanh toán nợ đọng, nhất là Hội An và Quế Sơn đã hết nợ. Những đơn vị còn số dư nợ lớn thuộc về Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (nợ 582 tỷ đồng, riêng cầu Cửa Đại 495 tỷ đồng), Phú Ninh (68 tỷ đồng), Tam Kỳ (55 tỷ đồng), Núi Thành (12 tỷ đồng), Hiệp Đức (16 tỷ đồng), Tây Giang (45 tỷ đồng), Đại Lộc (33 tỷ đồng), Nam Giang (25 tỷ đồng), Tiên Phước (25,3 tỷ đồng), Duy Xuyên (29 tỷ đồng), Nam Trà My (27 tỷ đồng). Số tổng nợ phải thanh toán giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn khoảng 1.011 tỷ đồng. Theo con số này, nguồn ngân sách trung ương phải bố trí 54 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ khoảng 7,1 tỷ đồng và ngân sách địa phương phải bố trí 950 tỷ đồng. Khối tỉnh quản lý phải bố trí 632 tỷ đồng (chiếm 66,5% tổng nợ ngân sách địa phương), khối địa phương quản lý phải bố trí 318 tỷ đồng (chiếm 33,5% tổng nợ ngân sách địa phương).

Sẽ ưu tiên giải quyết nợ đọng xây dựng cầu Cửa Đại trong thời gian tới. Ảnh: T.P
Sẽ ưu tiên giải quyết nợ đọng xây dựng cầu Cửa Đại trong thời gian tới. Ảnh: T.P

Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, Quảng Nam đã có lộ trình bố trí vốn xử lý nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 31.12.2014. Theo lộ trình này, các sở, ban, ngành đến hết năm 2018 và các địa phương đến hết năm 2019 sẽ xử lý xong số nợ này, nhất là tất cả sở, ngành, địa phương đều có phương án xử lý nợ trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư và phân bổ nguồn vốn năm 2017 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Một quyết định được đưa ra là việc bố trí vốn thanh toán đều bảo đảm các nguồn vốn cân đối trong trung hạn cho thu chi: thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng XDCB trên cơ sở sử dụng nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp, phân bổ hàng năm. Các nguồn thu để lại cho địa phương phải được tính toán trên cơ sở năm thứ nhất phải bố trí thanh toán tối thiểu 50%, năm thứ hai 30%/tổng nợ ngân sách địa phương và năm thứ ba sẽ thanh toán dứt điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, chính quyền luôn quan tâm tới việc giải quyết nợ đọng XDCB. Tất cả nguồn tăng, vượt thu đều bố trí trả nợ. Hiện đã xử lý xong khoảng 2/3 khoản nợ. Số còn lại không đáng kể, sẽ dễ dàng thực hiện theo kế hoạch khi đã xác định được nợ và phương án trả nợ. Năm 2017, sẽ cơ bản giải quyết xong số nợ này. Chỉ nặng nhất là số nợ đầu tư XDCB cầu Cửa Đại cũng đang được chính quyền xin các nguồn tăng, vượt thu, cải cách tiền lương để giải quyết và bàn phương án trả nợ dứt điểm.

Về đích trước kế hoạch

Không bàn đến chuyện đúng hay sai nữa trong việc để nợ đọng đầu tư XDCB kéo dài nhiều năm. Vấn đề cần được nhìn nhận trong hiện tại là nỗ lực đưa ra kế hoạch trả nợ đầu tư cụ thể đã giúp ngân sách nhà nước ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường và kiên quyết hơn nữa trong việc quản lý nợ đọng XDCB theo đúng các quy định của Nhà nước, nhất là trong bố trí ưu tiên nguồn vốn tăng thu và vượt thu để thanh toán nợ đọng, tập trung thanh toán dứt điểm đối với dự án đã phê duyệt quyết toán và không để phát sinh thêm nợ mới. Chủ động cắt giảm quy mô, dừng, giãn tiến độ đối với công trình không hiệu quả, vượt quá nhu cầu sử dụng và khả năng cân đối vốn. Kết quả trả nợ 2/3 này đã được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đánh giá là khá tốt, vượt xa các tỉnh thành khi vẫn đang loay hoay chưa biết tìm đâu ra vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng.

Theo phân tích của các nhà đầu tư tài chính, với khả năng tăng trưởng ngân sách của Quảng Nam ngày càng gia tăng và kết quả trả nợ trong hai năm gần đây đã đạt đến con số hơn 1.900 tỷ đồng trên tổng số nợ đã được xác định thì khả năng tất toán các khoản nợ ấy vượt xa kế hoạch là điều có thể. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng từng than phiền rằng hễ có nhu cầu đầu tư là sẽ phát sinh nợ. Không sợ nợ, chỉ sợ không kiểm soát được nguồn, dòng tiền trả nợ và không xác định rõ ràng số nợ của doanh nghiệp để xử lý theo cam kết. Nếu không thanh toán nợ dứt điểm, có nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh phá sản khi không có nguồn vốn để tái tạo sản xuất, kinh doanh.

Thực tế đã từng có nhiều doanh nghiệp than phiền ngân sách năm nào cũng giải quyết trả nợ nhưng khoản trả ấy chỉ có thể đủ để doanh nghiệp trả lãi ngân hàng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước vẫn không thể tìm được lời giải cho bài toán trả nợ hiệu quả thì nợ công đến thời điểm nào đó sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Quảng Nam, kéo theo sự “chết oan uổng” của không biết bao nhiêu doanh nghiệp.

Nhiều người nói chỉ cần ngân sách có tiền, chính quyền trả được một phần nợ đọng XDCB, nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh. Còn không, liệu Nhà nước có dám tính đến việc chuyển các khoản nợ của chính quyền với doanh nghiệp sang hình thức Nhà nước nợ ngân hàng để cứu những doanh nghiệp không đáng chết vì kiểu nợ này? Có lẽ đây cũng là ý kiến hay cần các cơ quan quản lý xem xét! Vì vậy, nếu việc trả nợ đầu tư XDCB về đích sớm sẽ hàm nghĩa không chỉ địa phương thôi không còn ám ảnh nợ đọng mà doanh nghiệp cũng sẽ có thêm vốn, thêm động lực để phát triển.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản: Sẽ về đích sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO