Diện mạo xã Trà Sơn dần đổi thay khi nhận được sự trợ lực từ chính quyền Bắc Trà My cùng sự đồng thuận của nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Những con đường khang trang, nhộn nhịp đi vào trung tâm xã Trà Sơn đã được bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà, công trình mới được dựng xây. Người dân nơi đây phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương sau 15 năm chia tách.
Năm 2021, xã Trà Sơn có thu nhập bình quân trên đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, trường học, y tế tại địa phương được đầu tư, nâng cấp. Công tác giáo dục được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng, hằng năm, duy trì tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 98% trở lên.
Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ, địa phương làm mới và sửa chữa hơn 100 nhà ở cho người có công và xóa hơn 80 nhà tạm.
“Bà con trong thôn chúng tôi rất phấn khởi, từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc. Đến nay, bà con trong thôn đã ý thức được phải chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện nay, trong thôn có hàng chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi một ngày mới chúng tôi thấy thấy quê mình đã đổi mới” - ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dương Hòa (xã Trà Sơn) nói.
Tại xã Trà Sơn, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã được nhân rộng. Gia đình chị Nguyễn Thị Lan được xem là tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Được hỗ trợ 1 con bò giống và 300 gốc bưởi da xanh, đến nay đàn bò của gia đình chị đã được 4 con và vườn cây ăn quả đang đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, chị Lan còn mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi heo đen, heo rừng lai cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Hay bà Đào Thị Thanh đã bàn cùng gia đình mạnh dạn san ủi đồi keo sau nhà để trồng cây lâu năm và chăn nuôi heo bản địa; đồng thời đầu tư trồng 2 sào cỏ voi để làm rau xanh cho heo. Hiện gia đình bà Thanh nuôi 15 con heo đen nái giống, 80 con heo thương phẩm.
Trong vườn nhà bà Thanh còn đầu tư trồng hơn 100 cây mít Thái Lan, 100 cây bưởi da xanh, 50 cây cau, 100 cây thanh trà và trồng xen canh các lại cây ăn quả khác. Bình quân mỗi năm gia đình bà Thanh thu nhập gần 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.
Bà Thanh còn tích cực vận động người thân, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tại thôn Tân Hiệp đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.